An Giang: Triển khai các dự án phục vụ APEC 2027 ở đặc khu Phú Quốc
Hiện tại, đặc khu Phú Quốc đang là một 'đại công trường' với 21 dự án được Trung ương giao cho tỉnh An Giang triển khai phục vụ APEC 2027, tổng vốn đầu tư 137.138 tỷ đồng.

Công trường thi công Dự án Trung tâm tổ chức Hội nghị APEC 2027 và các công trình chức năng. (Ảnh: Lê Huy Hải/ TTXVN)
Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 không chỉ là một sự kiện đối ngoại quốc gia hàng đầu mà còn mở ra cơ hội "chuyển mình mạnh mẽ" cho đặc khu Phú Quốc, tỉnh An Giang, đặc biệt trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
"Đảo Ngọc" đang trong cuộc "chạy đua" với thời gian để hoàn thành các dự án thiết yếu, đối mặt với không ít thách thức và khó khăn, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao cùng nỗ lực phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Đại công trường với các dự án trọng điểm
Hiện tại, Phú Quốc đang là một "đại công trường" với 21 dự án được Trung ương giao cho tỉnh An Giang triển khai phục vụ APEC 2027, tổng vốn đầu tư 137.138 tỷ đồng.
Dự án đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là một trong những dự án trọng điểm nhất, với tổng vốn đầu tư 22.000 tỷ đồng, quy mô 1.050 ha theo tiêu chuẩn cấp 4E.

Công trình mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/ TTXVN)
Tiếp đến là Trung tâm tổ chức Hội nghị APEC, với diện tích 28ha và tổng mức đầu tư 21.860 tỷ đồnggồm Trung tâm hội nghị 3.500 chỗ, trung tâm báo chí 3.000 chỗ, hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, quảng trường, bảo tàng, cung văn hóa, cung thiếu nhi, triển lãm...
Hiện tại, công tác chuẩn bị mặt bằng đã hoàn thành 94% (kè chắn, san lấp, bơm cát), thi công cọc thí nghiệm đạt 100%, sẵn sàng cho lễ khởi công.
Cùng đó, hai Khu đô thị hỗn hợp gồm Bãi Đất Đỏ (88,5ha, 64.000 tỷ đồng) và Núi Ông Quán (22ha, 5.550 tỷ đồng) đang trong giai đoạn chuẩn bị pháp lý và đầu tư xây dựng.
Bên cạnh các dự án trọng điểm trên, hàng loạt công trình khác cũng đang chuẩn bị khởi công trên "đại công trường" Phú Quốc, bao gồm: Hồ nước Cửa Cạn, hồ nước Dương Đông 2, ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật khu vực An Thới và Dương Đông, khu xử lý rác Bãi Bổn, nhà máy điện rác Bãi Bổn, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt An Thới, nhà máy xử lý nước thải tập trung khu vực An Thới và Dương Đông, nhà máy nước Dương Đông 2 và Cửa Cạn, cùng dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật - chuyển đổi số xây dựng trung tâm giám sát điều hành thông minh quản lý toàn diện đặc khu.
Ngoài ra, công tác tái định cư cũng là một phần quan trọng, với nhu cầu khoảng 13.479 nền cho 77 công trình, dự án trên địa bàn, trong đó 21 dự án APEC 2027 cần khoảng 3.664 nền.
Tỉnh đang đầu tư 4 khu tái định cư tại Cửa Cạn, hồ Suối Lớn, An Thới, Hàm Ninh với tổng vốn hơn 5.780 tỷ đồng, tạo quỹ đất khoảng 9.400 nền để phục vụ cả APEC 2027 và giải phóng mặt bằng các dự án phát triển kinh tế-xã hội khác.
Thách thức và "Lệnh khẩn cấp" trên đại công trường
Mặc dù có những kết quả bước đầu, việc triển khai các dự án APEC 2027 vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng nhấn mạnh rằng hiện tại, chỉ có 3 trên tổng số 21 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư, còn lại 18 dự án vẫn chưa hoàn thành việc này.
Mục tiêu đặt ra là phải hoàn thành các dự án phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2027 sớm hơn tiến độ quy định tối thiểu từ 3-6 tháng.

Công trường thi công Dự án Trung tâm tổ chức Hội nghị APEC 2027 và các công trình chức năng. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Để đẩy nhanh tiến độ, tỉnh An Giang và các Bộ, ngành liên quan đã tích cực triển khai đồng loạt 15 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, 12 nhiệm vụ đã hoàn thành.
Tỉnh cũng đã ban hành "lệnh khẩn cấp" cho 9/10 danh mục dự án đầu tư công và chuẩn bị công tác lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, ông Hồ Văn Mừng, đã đưa ra những chỉ đạo quyết liệt: Yêu cầu Sở Xây dựng rà soát và hoàn thành toàn bộ quy hoạch phân khu trên đảo Phú Quốc trong tháng 7/2025 để đảm bảo sự rõ ràng ngay từ đầu, tránh vướng mắc pháp lý.
Đặt mục tiêu khởi công đồng loạt các dự án công trình trong tháng 8/2025, thi công hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
Mục tiêu hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án còn lại trong tháng 7 và thời hạn cuối cùng để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ pháp lý chủ yếu cũng là cuối tháng 7.
Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu xây dựng lịch trình chi tiết về tiến độ cho từng dự án. Giao Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý tiến độ có chức năng "báo động đỏ" khi tiến độ không đạt yêu cầu. Sở Tài chính phối hợp kiện toàn Ban chỉ đạo, yêu cầu mỗi sở, ngành cử một Phó giám đốc tham gia xuyên suốt dự án được giao, dành 90% công việc cho nhiệm vụ này để đảm bảo trách nhiệm rõ ràng.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh việc tuân thủ tối đa quy định pháp luật, đặc biệt trong các thủ tục đầu tư, ban hành lệnh khẩn cấp, lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu.
Đặc biệt, việc lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu phải có chất lượng và năng lực rất cao, chủ động về mọi mặt tài chính, nhân lực, thiết bị, vật liệu, tránh chọn những đơn vị yếu kém. Các chủ đầu tư phải bám sát tiến độ của nhà thầu, yêu cầu báo cáo thường xuyên, ít nhất hàng tuần (thậm chí hàng ngày) về tiến độ giải ngân, thi công, cung cấp vật liệu và các vấn đề có liên quan.
Hiện tỉnh An Giang đang tập trung cao độ vào công tác giải phóng mặt bằng các dự án với quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân và hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện.
Với tinh thần "6 rõ", đặc khu Phú Quốc đang nỗ lực hết mình để vượt qua những khó khăn, hướng tới một kỳ APEC thành công rực rỡ, góp phần khẳng định vị thế và tầm vóc của Việt Nam trên trường quốc tế./.