Ẩn họa
Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, với rượu thủ công (hay còn gọi là rượu quê, rượu nút lá chuối, cuốc lủi…), việc áp quy định này còn nhiều sơ hở, gây nhiều hệ lụy.
Nghề nấu rượu thủ công từ lâu là “kế sinh nhai”, nghề phụ nhưng thu nhập chính của nhiều gia đình nông thôn. Rượu làng Vân (Bắc Giang), rượu Kim Sơn (Ninh Bình), rượu Can Lộc (Hà Tĩnh), rượu Bầu Đá (Bình Định), rượu cần Hòa Bình, Tây Nguyên… Hầu như, vùng quê nào cũng có một “mĩ tửu” nổi danh. Thế nhưng, việc tiêu thụ rượu khối lượng lớn, sự xuất hiện, trà trộn của “rượu cồn”, “rượu xăm” thậm chí là rượu pha bằng thuốc trừ sâu… khiến cho rượu quê bị ảnh hưởng, trở thành nỗi ám ảnh.
Chưa kể những loại rượu độc hại nêu trên, nhiều cơ sở sản xuất rượu truyền thống cũng đang rất yếu trong khâu lựa chọn nguyên liệu, dẫn đến việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Gạo, ngô, khoai… nấu rượu có chất lượng thấp, nhiều hạt gạo bị ố vàng và mốc. Men để nấu rượu cũng không kiểm soát được khi lượng rượu được tiêu thụ “chóng mặt” như hiện nay. Khu vực nấu, dụng cụ chưng cất rượu được làm rất thủ công và không đảm bảo vệ sinh. Các công đoạn được lược bớt một phần để cho ra thứ sản phẩm mang danh rượu quê một cách nhanh nhất. Chưa hết, rượu sau khi nấu xong, rượu lại được đựng vào các can nhựa, có khi là thùng nhựa đậy nắp cao su, trái với khuyến cáo của các nhà vệ sinh thực phẩm và thực tế hàng loạt vụ ngộ độc rượu gây chết người đã xảy ra.
Quy định cấp phép sản xuất và kinh doanh rượu thủ công hiện nay rất thông thoáng. Chẳng hạn, với hộ sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, pháp luật không yêu cầu các hộ phải sản xuất phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn mà chỉ cần đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm. Thậm chí Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia còn có điều khoản riêng, quy định miễn phí thủ tục cho các hộ nấu rượu đăng ký với cơ quan chức năng.
Khảo sát thực tế cho thấy, người dân không mấy hào hứng khi phải đăng ký kê khai vì nhà nhà vẫn nấu, người người vẫn mua, không bị bắt buộc, không bị xử phạt. Địa phương nào cán bộ không quyết liệt, rượu quê sẽ tồn tại không nhãn mác, không được kiểm soát, không an toàn và không có người chịu trách nhiệm khi sự cố xảy ra. Có địa phương, như làng Vân ở Bắc Giang chẳng hạn, rượu đã dần được chuẩn hóa, công khai, đĩnh đạc tem mác vào siêu thị, nhà hàng, trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân. Sự tham gia tích cực, đứng ra bảo chứng, kiểm soát và xử phạt của chính quyền như vậy sẽ giúp cho rượu làng “lên hạng”.
Sau tất cả, rất cũ nhưng không thừa, quyền hành lớn nhất vẫn thuộc về người tiêu dùng. Nếu như những người uống rượu tỉnh táo, quay lưng với rượu không nhãn mác, chắc chắn rượu quê bắt buộc phải hội nhập vào cuộc chơi chuyên nghiệp.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/an-hoa-1777779.tpo