Ẩn họa mùa mưa từ những hố ga, nắp cống bị mất

Tình trạng hố ga, miệng cống thiếu nắp, mất nắp tại một số tuyến phố lớn ở Hà Nội luôn tiềm ẩn nguy hiểm đối với người dân lưu thông trên đường. Điều đáng nói, những miệng cống, hố ga này không được che đậy, cảnh báo, thậm chí, nhiều tháng không được thay thế, bổ sung.

Nguy hiểm rình rập

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, nhiều hố ga, miệng cống trên một số tuyến đường lớn đã bị mất nắp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người đi đường. Đơn cử như Phạm Văn Đồng, đoạn chạy qua Khu đô thị Handiresco, hàng loạt nắp hố ga nằm sát lòng đường biến mất. Những miệng cống mất nắp này có chiều dài khoảng 1 m, rộng 40 cm, bị cây xanh bên đường che phủ, chẳng khác nào "cái bẫy" người đi đường.

Chị Lê Thị Nga, một người dân sinh sống bên đường Phạm Văn Đồng, chia sẻ: “Những nắp cống sát đường này biến mất trong nhiều tháng qua nhưng chưa không được bổ sung, thay thế. Người dân chúng tôi rất lo lắng mỗi khi đi qua đoạn đường này, các cháu nhỏ cũng không dám cho đi một mình”.

Hàng loạt nắp cống nằm sát lòng đường Phạm Văn Đồng đã biến mất nhiều tháng qua.

Hàng loạt nắp cống nằm sát lòng đường Phạm Văn Đồng đã biến mất nhiều tháng qua.

Tương tự, đường Vành đai 2 trên cao hướng đi cầu Nhật Tân, đoạn qua địa bàn quận Ba Đình, hàng loạt nắp cống bên vệ đường cũng “không cánh mà bay”. Có những khu vực nắp cống mất dài bằng chiếc xe ô tô con.

Tuy trời nắng to nhiều ngày liên tục, những khu vực cống mất nắp vẫn dềnh nước lên cao bằng mặt đường, rác thải bao phủ. Thoạt nhìn, những khu vực mất nắp và có nắp không khác nhau là mấy gây nhầm lẫn, nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Anh Nguyễn Văn Toàn, lái xe taxi thường xuyên di chuyển qua tuyến đường Vành đai 2 trên cao cho biết: “Giữa năm 2022, nhiều nắp cống trên đường Vành đai 2 trên cao biến mất đã được thay thế. Tuy nhiên, ngay sau đó, tình trạng mất nắp cống thoát nước bên đường lại diễn ra”.

Anh Toàn cho rằng, việc những nắp cống này bị mất, lại không được dọn dẹp thường xuyên, nước và rác thải ngập ngụa rất dễ đánh lừa người tham gia giao thông. Nếu chẳng may xe mất lái hay đi nhầm vào, hậu quả sẽ rất khó lường.

Hố ga không có nắp đậy trên vỉa hè đường Tố Hữu.

Hố ga không có nắp đậy trên vỉa hè đường Tố Hữu.

Không chỉ nắp cống ở sát lòng đường, hố ga trên vỉa hè mất nắp cũng đang trở thành những cái bẫy người dân, nhất là mùa mưa bão. Đơn cử, trên vỉa hè đường Tố Hữu đoạn giao với đường Lương Thế Vinh, nhiều hố ga không nắp đậy nằm giữa vỉa hè.

Bà Nghiêm Thị Lý, người dân sống trên đường Lương Thế Vinh, cho biết: “Những hố ga này không có nắp gần 1 năm nay, luôn trong tình trạng có nước, nên không nhìn thấy đáy. Đáng lo ngại hơn, nhiều năm qua, khu vực này luôn bị ngập nước sau mỗi trận mưa lớn kéo dài, người dân không biết, rất dễ rơi xuống hố ga”.

“Hành vi lấy trộm nắp cống, nắp hố ga là hành vi trộm cắp tài sản. Người vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm trong trường hợp trộm cắp tài sản trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an ninh, an toàn xã hội” – Luật sư Phạm Thanh Hải - Trưởng Văn phòng Luật Hải Thanh

Phân định rõ trách nhiệm quản lý, có chế tài xử lý nghiêm minh

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, tại các đô thị lớn, việc quản lý nắp hố ga, miệng cống đang được giao cho nhiều cơ quan, đơn vị, tùy thuộc vào từng loại hình cụ thể. Ví dụ, tại Hà Nội, hố ga thoát nước trên địa bàn TP do đơn vị thoát nước quản lý; hố ga điện lực, viễn thông trên các tuyến phố lại do ngành điện, đơn vị viễn thông quản lý hay rãnh thoát nước bên đường lại do đơn vị bảo trì, duy tu đường quản lý…

Chính vì điều này đã xảy ra tình trạng khi người dân chẳng may bị tai nạn thì không biết kêu ai. Những hỏng hóc, mất trộm nắp hố ga tái diễn liên tục nhưng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm vẫn chưa thể đưa ra được biện pháp bảo vệ hợp lý, sửa chữa và thay thế kịp thời, gây nguy hiểm cho người dân và phương tiện lưu thông trên đường.

Rãnh thoát nước trên đường Vành đai 2 trên cao đoạn qua địa bàn quận Ba Đình mất nắp, nước cùng rác thải ngập ngụa.

Rãnh thoát nước trên đường Vành đai 2 trên cao đoạn qua địa bàn quận Ba Đình mất nắp, nước cùng rác thải ngập ngụa.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Xí nghiệp quản lý Nam Cầu Thanh Trì - Công ty CP Công trình giao thông Hà Nội, đơn vị quản lý, bảo trì tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn qua địa bàn quận Ba Đình, cho biết: “Tình trạng nắp cống bị mất diễn ra khá phổ biến trên địa bàn TP Hà Nội do những chiếc nắp này được làm bằng gang, có giá trị khá cao, đối với loại dùng phổ biến có chiều dài 1m và rộng 40cm có giá trị đến gần 2 triệu đồng”.

Theo vị đại diện này, đơn vị chỉ có trách nhiệm duy tu, bảo trì, nên đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền địa phương cũng như cơ quan công an về việc nắp cống bị mất. Việc nắp cống, nắp hố ga bị mất trộm ảnh hưởng không nhỏ đến đơn vị quản lý cũng như sự an toàn của người dân tham gia giao thông.

“Chúng tôi đã tìm nhiều cách khắc phục như hàn liên kết nắp cống vào nhau hay sử dụng cáp thép khóa nắp cống nhưng vẫn bị kẻ gian dùng khò nhiệt để cắt đứt và lấy đi mất” - đại diện Xí nghiệp quản lý Nam Cầu Thanh Trì.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho biết: “Trên thực tế, đã có những vụ tai nạn chết người do rơi xuống cống, hố ga bị mất lắp. Bên cạnh sự vô ý thức của một số người còn có cả việc chậm trễ, thậm chí, bỏ quên thay thế, bổ sung và sửa chữa của đơn vị quản lý khiến nguy hiểm rình rập người tham gia giao thông”.

Theo vị chuyên gia này, việc bổ sung những nắp hố ga, miệng cống bị thiếu chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Về lâu dài các cơ quan, đơn vị cần thống nhất, phân định rõ ràng về trách nhiệm quản lý đối với nắp hố ga, miệng cống theo hướng tập trung về một đầu mối quản lý chung. Cũng cần có chế tài xử lý nghiêm khắc những đối tượng xấu có hành vi trộm cắp cũng như cơ sở tiêu thụ nắp hố ga, miệng cống.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân tại các đô thị trong việc giữ gìn, bảo vệ nắp hố ga, miệng cống vì sự an toàn của chính mình.

"Ở góc độ kỹ thuật, các cơ quan quản lý nên nghiên cứu, thiết kế nắp hố ga có khả năng chống trộm hay bằng vật liệu ít giá trị hơn để hạn chế tối đa tình trạng trộm cắp nắp hố ga, miệng cống" - chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung

Phạm Công

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/an-hoa-mua-mua-tu-nhung-ho-ga-nap-cong-bi-mat.html