Ẩn họa từ việc 'hô biến' container thành xe ben phá đường
Gần đây, tại nhiều vùng miền xuất hiện tình trạng đục thủng mặt trên của container để biến thành thùng hàng chở vật liệu xây dựng, rất khó phát hiện. Các xe này đặc biệt nguy hiểm vì quá tải nhiều lần, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và tàn phá cầu đường.
Container thành xe ben tự đổ
Phản ánh đến đường dây nóng báo Tiền Phong, nhiều bạn đọc cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc và Thủ đô Hà Nội xuất hiện một loại phương tiện được kết hợp từ xe sơ-mi rơ mooc và xe tải tự đổ (xe tải ben) với thùng hàng là chiếc container.
Quan sát bằng mắt thường dễ dàng nhận thấy, những chiếc thùng container được cắt nóc, gia cố khung xương thép phía trong để đảm bảo khả năng chịu lực, làm nhiệm vụ vận chuyển vật liệu xây dựng. Chưa kể, một số lốp xe đã bị vỡ gai, các tấm chắn bùn bị bóp méo, hư hỏng. Khi di chuyển trên đường, vật liệu được chở trên xe rơi xuống đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Trên internet, nhiều xưởng cơ khí, gara sửa chữa ô tô quảng cáo cung cấp dịch vụ độ chế xe đầu kéo, xe container thành xe ben tự đổ bằng thùng container. Các chủ cửa hiệu này cho biết, việc dùng thùng container để chở vật liệu xây dựng sẽ chở được nhiều hơn và cơ quan chức năng khó phát hiện.
Liên quan tới những chiếc xe “độc và dị” này, một cán bộ thuộc Đội Thanh tra cầu đường bộ (Thanh tra Sở GTVT Hà Nội) cho biết, trong tháng 7/2020, lực lượng thanh tra đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 2 trường hợp xe kéo container cắt nóc, chất đầy đá dăm trên tuyến đường Trường Sa, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Theo ông Lê Văn Minh, cán bộ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT), container là một trong những phương tiện được sử dụng phổ biến để đóng hàng, sử dụng chủ yếu trong vận tải đường biển. Sức chứa của container được tính theo đơn vị feet (đơn vị đo kích thước một số nước đang sử dụng). Dù vậy, thời gian gần đây, nhiều chủ phương tiện đã “hô biến” những chiếc xe sơ-mi rơ mooc và xe tải tự đổ với thùng hàng là những chiếc container từ 20 feet đến 40 feet để vận chuyển.
Ông Minh cho biết, cơ chế hoạt động của những chiếc xe này là ống bơm dầu gắn từ đầu kéo đến trục bơm ben thủy lực sử dụng để nâng thùng container và đổ như một chiếc xe tải tự đổ. Đây là kết cấu kỹ thuật mà không một chiếc xe sơ mi rơ mooc chở hàng bằng containter nào có. Đối với các loại xe container bình thường, do không sử dụng trục bơm ben thủy lực nên chỉ có các dây dẫn khí nén để phục vụ cho hoạt động của hệ thống phanh xe.
Quá tải, vỡ thùng sẽ thành tai họa
“Đối chiếu Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì những chiếc xe này đều không đủ tiêu chuẩn để lưu hành trên đường. Đây là hành vi lách luật tinh vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ATGT và chất lượng công trình giao thông”, ông Minh nói.
Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Lăng - Vụ trưởng an toàn giao thông, Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết, các xe chở vật liệu tỷ trọng lớn sẽ được thiết kế thùng xe chắc chắn, độ cao trong phạm vi cho phép để loại trừ nguy cơ vỡ thành thùng. Do đó, hành vi sử dụng thùng giống container để chở đất, đá quá nguy hiểm. Dù được gia cố ở mức độ nào, nguy cơ vỡ vẫn rất cao, mức độ rủi ro mất ATGT trên đường rất lớn.
“Hiện tại chúng tôi đã phát hiện được một số trường hợp và xử lý rất nặng. Các cơ quan chức năng địa phương cần tăng cường kiểm tra, có chế tài xử lý nghiêm đối với lái xe vi phạm thay đổi các thông số kỹ thuật của xe trái với quy định; vận chuyển hàng hóa quá khối lượng cho phép. Ngoài việc lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về lỗi vượt tải, chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh cụ thể hành vi sử dụng container chở vật liệu, đối chiếu với quy định của pháp luật để có biện pháp xử lý phù hợp”, ông Lăng nói thêm.
Khoản 9, điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định: Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với cá nhân, từ 12-16 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy, hệ thống phanh, hệ thống truyền lực, hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe. Ngoài ra, khoản 8 Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vượt trọng tải như sau: Phạt tiền từ 8-12 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%.