Ăn ít để sống lâu

Con người lúc đói kém không có gì ăn thì bệnh tật do suy dinh dưỡng, lúc giàu có thường ăn uống no say cũng bệnh tật do quá dư thừa. Lạ là cái bệnh do thừa dinh dưỡng lại nhiều và khó chữa hơn.

Thời nào cũng có người giàu sang và những kẻ nghèo hèn. Bậc đế vương như Ba-tư-nặc thì lúc nào cũng sơn hào hải vị nên “thân thể mập lớn, mồ hôi ướt đẫm, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, hơi thở hổn hển”, ông mắc một số bệnh do thừa cân.

“Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc, với thân thể mập lớn, mồ hôi ướt đẫm, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, hơi thở hổn hển.

Bấy giờ, Thế Tôn nói vua Ba-tư-nặc:

- Đại vương thân thể mập quá!

Đại vương bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy! Con đang lo về cái thân quá mập và thường rất khổ sở, nhờm chán, hổ thẹn vì cái thân mập béo này.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Người nên tự cột niệm

Khi ăn biết tiết độ

Thì các thọ sẽ giảm

Yên ổn mà sống lâu.

Khi ấy có một thiếu niên tên là Uất-đa-la ngồi giữa hội chúng. Vua Ba-tư-nặc nói với Uất-đa-la rằng:

- Khanh có thể ghi nhớ bài kệ vừa được nói này từ Thế Tôn, rồi đến mỗi bữa ăn đọc lên cho ta được không? Nếu được ta sẽ ban cho mười vạn tiền vàng và sẽ thường xuyên ban cho thức ăn.

Uất-đa-la tâu vua:

- Xin vâng lời dạy. Tôi sẽ đọc!

Sau khi vua Ba-tư-nặc nghe Phật nói xong, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về.

Khi ấy Uất-đa-la biết vua đã đi rồi, đến trước Thế Tôn xin nhận bài kệ Phật đã nói. Cứ mỗi bữa vua ăn đều tụng lên, tâu rằng: Đại vương, Đức Như Lai đã nói bài kệ này:

Người nên tự cột niệm

Khi ăn biết tiết độ

Thì các thọ sẽ giảm

Yên ổn mà sống lâu.

Như vậy, từ đó trở đi, vua Ba-tư-nặc thân thể gầy thon lại, tướng mạo đoan chánh”.

(Kinh Tạp A-hàm, quyển 42, kinh 1150. Thở suyển)

Mối thâm tình giữa Thế Tôn và vua Ba-tư-nặc khá thú vị. Tình cảm của hai vị rất chân thành, vừa là dân và vua, vừa là thầy và trò đồng thời cũng là bạn bè của nhau. Mỗi lần gặp Phật, gần như nhà vua quên đi danh phận của mình, hỏi đạo như học trò, cởi mở và chân chất. Thấy vua thân thể nặng nề, phục phịch, Thế Tôn liền nhắc: “Đại vương thân thể mập quá!”. Vua Ba-tư-nặc cũng cười xòa: “Con đang lo về cái thân quá mập và thường rất khổ sở, nhờm chán, hổ thẹn vì cái thân mập béo này”.

Cái đề tài giảm cân giữa hai bậc danh giá nhất thiên hạ thật gần gũi và dễ thương. Đức Phật cũng không dạy gì quá cao xa, Ngài nói trước khi ăn cần chánh niệm, tự nhắc mình ăn ít lại, làm được vậy thì sẽ giảm cân và bớt đau nhức, nhờ đó mà khỏe mạnh và sống lâu. Lời kinh này chúng ta cũng hay thuyết cho bạn bè nghe mỗi ngày.

Cớ sự là nghe thì ai cũng biết, nhưng biết rồi lại liền quên. Nhất là ngồi trước món ngon, mùi vị hấp dẫn thì mấy ai cưỡng lại được. Khi đã no nê rồi mới sực nhớ đến thân, trách cái miệng đã hại cái thân, rồi cuống quýt đi tập thể dục. Vua Ba-tư-nặc không tự chánh niệm được nên ông mướn người nhắc trước khi ăn. Còn chúng ta thì phải tự nhắc mình thôi. Câu “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra” đã nghe từ tấm bé, ấy vậy mà đến già ta cũng chưa tự cảnh tỉnh được cho mình.

Từ cái chuyện ăn ít để giảm cân của nhà vua, chúng ta thấy chánh niệm là điều tưởng đơn giản mà lại khó vô cùng. Ban đầu sức chánh niệm còn yếu ớt, trau dồi liên tục sẽ mạnh dần lên mới tự chủ được. Không chỉ uống ăn mà các thọ dụng khác cũng vậy cần chánh niệm để “biết đủ”. Đam mê, quá đà là khổ, khổ đủ đường. Chánh niệm và tỉnh thức trong các hoạt động đời sống để vừa đủ, cân bằng là bí quyết cho thân khỏe, tâm an; đây cũng chính là tu vậy.

Quảng Tánh/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/an-it-de-song-lau-post75652.html