Ăn ít thịt vì một trái đất màu xanh

'Bớt một lạng, giữ vạn tài nguyên', là thông điệp của đội kịch CKT trường ĐH KHXHNV (ĐHQG TP. HCM) qua vở kịch 'Cống phẩm dâng thịt' gửi gắm đến cộng đồng về thói quen ăn uống lành mạnh, giảm tiêu thụ thịt để bảo vệ môi trường

Kịch “Cống phẩm dâng thịt” của CKT đã được chọn để biểu diễn trong buổi khởi động chiến dịch "Ăn lành hơn" do Tổ chức CHANGE và Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế WildAid tại Việt Nam khởi xướng. Thông qua cách xây dựng nội dung kịch bản và lối diễn tự nhiên, các bạn sinh viên của CKT mong muốn hướng cộng đồng đến thói quen ăn uống lành mạnh, lựa chọn bữa ăn nhiều rau ít thịt nhằm giảm tác động lên môi trường.

Lấy viễn cảnh về một tương lai cạn kiệt tài nguyên thiên vì phục vụ quá mức cho việc sản xuất thịt, trái đất bị xâm lăng và thống trị bởi Đại Ma Vương Thịt. Để giành lại màu xanh cho trái đất và nguồn sống cho muông thú, cỏ cây lẫn con người, hai nhân vật An và Bình đã quyết định đứng lên, đối mặt với rất nhiều gian truân thử thách, kêu gọi cộng đồng cùng hành động để chiến thắng Đại Ma Vương Thịt, đem mẹ thiên nhiên trở lại trái đất.

Một phân đoạn của "Cống phẩm dâng thịt".

Thông điệp của Cống phẩm dâng thịt hướng mạnh vào việc từ bỏ thói quen ăn uống phí phạm, mang tính khoe mẽ và tổn hại môi trường. Hiện nay không hiếm gặp cảnh người trẻ khoe hình nhồm nhoàm cả tảng thịt to, ăn nguyên đùi cừu, các video về các món ăn “siêu to, khổng lồ” đầy ắp thịt động vật trên mạng xã hội.

“Để dàn dựng được kịch, nhóm đã tìm hiểu kỹ về thói quen ăn uống hiện nay, tình hình chăn nuôi và lượng tiêu thụ thịt của người Việt Nam. Vở kịch hướng đến việc cổ súy việc ăn uống lành mạnh, hạn chế giết hại động vật lấy thịt, truyền thông điệp bảo vệ môi trường qua việc thay đổi thói quen ăn uống sử dụng nhiều thịt. Tụi mình hi vọng, Cống phẩm dâng thịt, với thông điệp "Bớt 1 lạng, giữ vạn tài nguyên" có thể tác động, khuyến khích cộng đồng thay đổi thói quen ăn uống, chủ động lựa chọn ăn lành hơn, nhiều rau xanh và giảm lượng thịt quá mức cần thiết trong chế độ ăn uống để vừa tốt cho sức khỏe và góp phần bảo vệ những nguồn tài nguyên vô giá”, đại diện đội kịch CKT cho biết.

"Bớt một lạng, giữ vạn tài nguyên".

Lối diễn tự nhiên và thông điệp mạnh mẽ của CKT trong Cống phẩm dâng thịt đã khiến người xem nhận thức rõ hơn về sự tai hại của việc sử dụng thịt quá nhiều trong bữa ăn. Từng câu thoại và diễn cảm của các diễn viên sinh viên cũng khơi dậy nới người xem cảm xúc kết nối với thiên nhiên và hiểu hơn về vai trò của con người đối với tài nguyên thiên nhiên. Cống phẩm dâng thịt sẽ tiếp tục được CKT diễn miễn phí thêm 3 suất, vào các ngày 25/7, 31/7 và 1/8, tại Hội trường ĐH KHXHNV (ĐHQG TP. HCM).

"Cống phẩm dâng thịt" tiếp tục công diễn miễn phí vào các ngày: 25, 31/7 và 1/8/2020.

Chị Hoàng Thị Minh Hồng, người sáng lập và điều hành Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) - cho biết, chiến dịch không kêu gọi mọi người từ chối hoàn toàn thịt để chuyển sang ăn chay mà chỉ là giảm lượng thịt thôi, giảm được bao nhiêu cũng rất tốt.

Hoạt động chăn nuôi và sản xuất thịt là một trong những tác nhân chính của biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên đất và nước khi hằng năm phát thải 14,5% lượng khí nhà kính trên toàn thế giới, xấp xỉ tổng lượng khí thải từ tất cả các phương tiện giao thông (FAO, 2013). Trung bình, cần 15.000 lít nước để sản xuất 1kg thịt bò; gần 80% nạn phá rừng trên thế giới xuất phát từ nhu cầu sử dụng đất cho chăn nuôi. Hằng năm 7,1 tỉ tấn CO2 phát thải từ ngành chăn nuôi đang góp phần làm tồi tệ hơn tình trạng biến đổi khí hậu. Tổng diện tích đất sử dụng cho việc chăn thả gia súc tương đương với khoảng 26% tổng bề mặt diện tích đất toàn thế giới và nông nghiệp chăn nuôi chiếm đến 80% nguyên nhân của nạn phá rừng trên toàn cầu. Tại Việt Nam, mức độ tiêu thụ thịt đang có xu hướng tăng mạnh, gần gấp 3 lần trong 2 thập kỷ vừa qua, từ 18,8 kg/người năm 2000 đến 52,6 kg/người năm 2018.

Khoa Tư

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-song-tre/an-it-thit-vi-mot-trai-dat-mau-xanh-1693056.tpo