Cây thuốc thất truyền được hồi sinh từ hạt giống nghìn năm tuổi

Một nhóm các nhà thực vật học đã thành công trong việc trồng một loài cây bị lãng quên từ một hạt giống 1.000 năm tuổi, được phát hiện vào thập niên 1980 trong một hang động ở sa mạc Judean.

Các nhà nghiên cứu cho rằng loài cây này, vốn được cho là đã tuyệt chủng, có thể là nguồn gốc của một loại thuốc cổ xưa được đề cập trong Kinh thánh và các văn bản cổ đại.

Tiến sĩ Sarah Sallon, người sáng lập Trung tâm nghiên cứu y học tự nhiên Louis L. Borick ở Jerusalem, bên cạnh cây mà bà đặt biệt danh là "Sheba", sáu tháng sau khi hạt giống cổ xưa này được trồng. (Nguồn: CNN)

Tiến sĩ Sarah Sallon, người sáng lập Trung tâm nghiên cứu y học tự nhiên Louis L. Borick ở Jerusalem, bên cạnh cây mà bà đặt biệt danh là "Sheba", sáu tháng sau khi hạt giống cổ xưa này được trồng. (Nguồn: CNN)

Hạt giống được khai quật trong một cuộc thám hiểm khảo cổ tại Wadi el-Makkuk, phía bắc Jerusalem và được bảo quản ở tình trạng nguyên sơ. Tuy nhiên, chỉ từ hạt giống, các nhà khoa học không thể xác định loài cây này là gì. Để nghiên cứu thêm, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Sarah Sallon từ Trung tâm Y tế Đại học Hadassah ở Jerusalem dẫn đầu, đã trồng hạt giống hơn một thập kỷ trước.

Tiến sĩ Sallon nghi ngờ loài cây này có thể là nguồn gốc của "tsori", một loại chiết xuất dược liệu được nhắc đến trong Kinh thánh, có liên quan đến vùng Gilead, nay là một phần của Jordan.

Nhóm nghiên cứu đã đo hạt giống trước khi trồng vào năm 2010. Vào thời điểm đó, người ta vẫn chưa rõ hạt giống bao nhiêu tuổi. (Nguồn: CNN)

Nhóm nghiên cứu đã đo hạt giống trước khi trồng vào năm 2010. Vào thời điểm đó, người ta vẫn chưa rõ hạt giống bao nhiêu tuổi. (Nguồn: CNN)

Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Elaine Solowey đã sử dụng phương pháp ngâm hạt giống trong nước có chứa hormone và phân bón, sau đó trồng chúng vào đất vô trùng. Khoảng năm tuần sau, một chồi cây non đã xuất hiện. Sau khi chồi phát triển, nhóm nghiên cứu tiến hành kiểm tra niên đại bằng cacbon phóng xạ và phát hiện hạt giống có từ năm 993 đến 1202 sau Công nguyên.

Dù cây đã mọc lá nhưng việc xác định loài vẫn còn khó khăn. Một số nhà thực vật học tin rằng cây thuộc chi Commiphora, nhóm gồm khoảng 200 loài cây chủ yếu ở châu Phi và Bán đảo Ả Rập. Tuy nhiên, DNA của cây không khớp với bất kỳ loài Commiphora nào được biết đến.

Liệu có phải cây thuốc trong Kinh thánh?

Dựa trên nghiên cứu, Tiến sĩ Sallon cho rằng loài cây này có thể là nguồn gốc của loại nhựa thơm quý giá được gọi là "Dầu thơm Judean" hay "Dầu thơm Gilead", được sử dụng làm nước hoa và xuất khẩu rộng rãi trong thời cổ đại.

Nhưng điều thú vị là, cây không tỏa ra bất kỳ mùi hương nào như kỳ vọng. Nhóm nghiên cứu đã phân tích nhựa, lá và cành của cây để kiểm tra các hợp chất thơm, nhưng không tìm thấy gì giống như nhựa thơm. Thay vào đó, họ phát hiện ra các hợp chất có thể có lợi cho y học, bao gồm "guggulterols", có khả năng chống ung thư, tương tự như các chất được tìm thấy trong họ hàng của nó, loài Commiphora wightii.

Cây mà các nhà nghiên cứu cho rằng có thể liên quan đến Kinh thánh, hiện đã 12 năm tuổi.

Cây mà các nhà nghiên cứu cho rằng có thể liên quan đến Kinh thánh, hiện đã 12 năm tuổi.

Vì vậy, dù loài cây này không phải là cây nhựa thơm Judean, nhưng nó có thể là nguồn gốc của loại thuốc mỡ "tsori" được nhắc đến trong các văn bản lịch sử.

Tiến sĩ Louise Colville (Vườn thực vật Hoàng gia Kew) - người không tham gia vào nghiên cứu nhận xét, việc một hạt giống cổ xưa có thể nảy mầm là điều vô cùng hiếm có. Điều này mang lại hy vọng cho việc bảo tồn hạt giống trong tương lai, giúp lưu trữ và bảo vệ các loài thực vật quý hiếm qua hàng thế kỷ.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cay-thuoc-that-truyen-duoc-hoi-sinh-tu-hat-giong-nghin-nam-tuoi-169241004163211273.htm