An Khê: Hội thảo khoa học di tích lịch sử đình Tân Tạo và miếu An Xuyên

Chiều 28-12, UBND thị xã An Khê tổ chức Hội thảo khoa học di tích lịch sử đình Tân Tạo (xã Thành An) và miếu An Xuyên (phường Tây Sơn).

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Ngọc Minh

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Ngọc Minh

Đình Tân Tạo tọa lạc tại thôn 5 (xã Thành An) là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của người dân làng Tân Tạo xưa, đã được chính quyền Trung ương thời phong kiến công nhận từ năm 1911. Hàng năm, tại đình Tân Tạo diễn ra lễ cúng Quý Xuân vào 15-16 tháng 2 âm lịch.

Dù trải qua nhiều biến cố lịch sử, thay đổi địa điểm, cải cách văn hóa, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng đình Tân Tạo còn giữ được 2 đạo sắc thần nguyên vẹn từ năm 1911 và một số câu đối ván gỗ từ năm 1914 và 1943. Điều đó cho thấy ý thức bảo vệ, gìn giữ lịch sử, văn hóa truyền thống của người dân tại đây rất đáng trân trọng.

Theo các nhà khoa học, đình Tân Tạo cũng là một cơ sở lưu trữ, kiến tạo di sản văn tự với các tài liệu có giá trị đặc biệt trong việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa địa phương. Nguồn tư liệu gốc quý giá này nếu được khai thác tốt sẽ là những bổ sung đáng kể vào sử sách An Khê cũng như Gia Lai.

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh)-đại diện đơn vị tư vấn trình bày nội dung hồ sơ di tích. Ảnh: Ngọc Minh

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh)-đại diện đơn vị tư vấn trình bày nội dung hồ sơ di tích. Ảnh: Ngọc Minh

Miếu An Xuyên hay còn gọi miếu Bà, vạn An Xuyên thuộc tổ 4, phường Tây Sơn. Theo ghi chép từ các bản văn tế hiện còn được lưu trữ tại miếu An Xuyên, gồm bản chép năm 1894 thời vua Thành Thái, bản chép năm 1915 thời vua Duy Tân và bản chép năm 1957, danh sách được thờ tự tại miếu gồm: Thủy long thần nữ nương nương, hà bá, lang lại đại tướng quân, bản cảnh thành hoàng, bản xứ thổ địa, kim niên hành khiển hành binh, sơn thủy thạch thần, thổ công, táo quân, sơn lâm chúa xứ, ngũ kỳ thần tượng, tiền hiền, hậu hiền, tiêu diện đại lực sĩ, âm hồn, cô hồn. Ngoài ra, qua thu thập thông tin tại miếu còn thấy thờ hỏa hồng thần nữ tức nữ thần lửa được thờ trong dinh Cô ngoài sân đối diện với dinh ông Hổ (Sơn lâm chúa xứ).

Các bằng chứng tại miếu An Xuyên khẳng định rằng, vào bên bờ Đông sông Ba, thuộc trung tâm thị xã An Khê ngày nay, từng xuất hiện một làng chài và cư dân tại đây sống chủ yếu bằng nghề đánh cá ở sông Ba.

Kết quả so sánh, đối chiếu các tư liệu điền dã thu thập di sản Hán Nôm trên địa bàn toàn tỉnh cho thấy, miếu An Xuyên là nơi duy nhất tại Gia Lai thờ thủy thần, bao gồm vị thần chính là bà thủy long cùng hà bá, lang lại đại tướng quân (rái cá được thần thánh hóa). Việc ra đời của miếu An Xuyên tại An Khê là một sự kiện quan trọng và đặc biệt trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất An Khê nói riêng và Gia Lai nói chung.

“Kết quả điều tra cũng cho thấy, miếu An Xuyên là nơi giữ được bài văn cúng có niên đại cổ xưa nhất, từ khi lập làng xây miếu (năm 1894), xét trên tổng thể toàn bộ hơn 280 cơ sở lưu trữ tư liệu Hán Nôm phân bố trong phạm vi toàn tỉnh. Đây là những giá trị lịch sử, văn hóa nổi trội của miếu An Xuyên so với các di tích khác thuộc Gia Lai. Cũng là những căn cứ khoa học vững chắc, có độ tin cậy cao về mặt tư liệu thông tin để đi đến những nhận định khác về lịch sử, văn hóa của di tích”-Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh)-đại diện đơn vị tư vấn cho biết.

Đại biểu tham gia ý kiến liên quan đến đình Tân Tạo (xã Thành An, thị xã An Khê). Ảnh: Ngọc Minh

Đại biểu tham gia ý kiến liên quan đến đình Tân Tạo (xã Thành An, thị xã An Khê). Ảnh: Ngọc Minh

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến về lý lịch di tích, hình ảnh, bản đồ dự kiến khoanh vùng các di tích, cách trình bày hồ sơ di tích, phiên âm và dịch nghĩa Hán-Nôm, xem xét phục hồi lệ cúng cá trong đại lễ vía bà thủy long tại miếu An Xuyên…

Từ các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhân chứng, Ban quản lý đình Tân Tạo, miếu An Xuyên, UBND thị xã An Khê sẽ điều chỉnh, bổ sung thông tin để hoàn chỉnh hồ sơ khoa học đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh nhằm tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân; qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội, du lịch của thị xã.

NGỌC MINH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/an-khe-hoi-thao-khoa-hoc-di-tich-lich-su-dinh-tan-tao-va-mieu-an-xuyen-post260411.html