An Khương phát huy bản sắc văn hóa dân tộc S'tiêng

BP - Xã An Khương cách trung tâm huyện Hớn Quản 24km, có diện tích tự nhiên 4.639,59 ha, với 1.716 hộ/7.615 người, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) 1.040 hộ/4.256 người, 79 hộ nghèo DTTS, chiếm 86,6%, cận nghèo 260 hộ, chiếm 97,74%. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS. Nhờ vậy, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS ở An Khương được tăng cường, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước nâng cao, an ninh trật tự giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc phát triển.

Sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của cấp ủy đảng; sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của chính quyền và đặc biệt sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị trong xã là những thuận lợi thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS ở An Khương. Tuy nhiên, An Khương là xã vùng sâu, xa, đường đi lại khó khăn, dân cư sống không tập trung và mặt bằng dân trí không đồng đều, tập quán canh tác chưa đồng bộ, sản xuất nhỏ lẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội nơi đây. Do vậy, giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc gặp khó khăn, đặc biệt việc khôi phục những nét đẹp văn hóa trở thành phong trào và đi vào cuộc sống ngày càng khó hơn. Để làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền, già làng, người có uy tín đã vận động đồng bào DTTS trong xã góp hàng trăm ngày công lao động nạo vét kênh, mương, phát quang đường làng, ngõ xóm; vận động nhân dân đóng góp công sức sửa nhà văn hóa cộng đồng, nhà ở cho các hộ già neo đơn... Bên cạnh đó, việc đổi mới và phát huy nét đẹp, bài trừ văn hóa không lành mạnh được đồng bào DTTS thực hiện đúng quy ước, hương ước khu dân cư. Cụ thể như: Tổ chức đám tang không kéo dài; cưới hỏi tiết kiệm; dần xóa bỏ hủ tục; học tập và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất...

Đội cồng chiêng ấp 1, xã An Khương (Hớn Quản) biểu diễn tại lễ hội

Khi nói đến cồng chiêng là nhắc đến đồng bào S’tiêng ở ấp 1, xã An Khương. Bởi bao năm qua, già làng Điểu Nông đã gìn giữ, bảo vệ bộ cồng chiêng của ấp gồm 5 chiếc để tiếp tục lưu truyền cho thế hệ con cháu hiểu rõ hơn giá trị văn hóa của người S’tiêng. Qua đó khơi dậy sự sáng tạo trong chương trình văn nghệ, thể hiện bản sắc dân tộc đa dạng và ý thức giữ gìn nét văn hóa riêng.

Đồng bào dân tộc S’tiêng có những nét đẹp văn hóa tâm linh như: lễ hội phá bàu, múa cồng chiêng, lễ mừng lúa mới, mừng nhà mới... và những nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát... Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ của các cấp, ngành, những nét đẹp văn hóa của đồng bào S’tiêng được khôi phục, bảo tồn, phát huy như: lễ hội phá bàu kết hợp các trò chơi dân gian, biểu diễn nhạc cụ dân tộc được tổ chức thường xuyên; thành lập 2 đội múa cồng chiêng thường xuyên tham gia biểu diễn trong và ngoài xã.

Phó chủ tịch UBND xã An Khương Nguyễn Di Tâm cho biết: Xã luôn đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân, tuổi trẻ hiểu và nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, UBND xã thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, khôi phục lễ hội của đồng bào... Đặc biệt trong những năm qua, được sự hỗ trợ 30 khung cửi của cấp trên, An Khương đã thành lập 2 cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống tại ấp 4 với 30 thành viên, đang hoạt động ổn định... Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc S’tiêng không chỉ góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở An Khương.

Lê Khương

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/an-khuong-phat-huy-ban-sac-van-hoa-dan-toc-stieng-323310