Ăn măng không đúng cách dễ bị ngộ độc
Măng là món ăn khoái khoái khẩu của nhiều người, nhưng bạn cần phải chế biến đúng cách để không gây nguy hại cho sức khỏe nhé.
Những lưu ý khi ăn măng:
Ăn măng ngâm giấm chưa đủ thời gian
Bác sĩ Phan Mỹ Hạnh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, cho biết enzyme ở hệ tiêu hóa chuyển hóa cyanide trong măng tươi thành axit cyanhydric (HCN). Đây là chất độc đối với cơ thể.
Mỗi cân măng tươi có khoảng 230 mg cyanide. Nếu luộc và ngâm nước lâu ngày, măng đã ngả màu vàng và mùi chua thì hàm lượng cyanide còn chưa đầy 9 mg trong mỗi kg. Do đó, nếu ăn măng ngâm giấm chưa đủ thời gian, măng chưa ngả sang màu vàng ươm và chưa có mùi chua thì khả năng gây ngộ độc vẫn rất cao.
Người bị ngộ độc thường có biểu hiện chóng mặt, lo lắng, rối loạn ý thức, đau đầu, buồn nôn. Ngộ độc nặng dẫn đến khó thở, tụt huyết áp, hôn mê, co giật, cứng hàm, giãn đồng tử. Nạn nhân có thể suy hô hấp, tím tái, hôn mê, rối loạn nhĩ thất. Ngộ độc nặng hơn nữa bệnh nhân có thể ngừng thở.
Trước khi sấy hoặc phơi khô măng, nên ngâm qua nước muối hoặc luộc kỹ. Đến khi sử dụng măng khô để xào nấu, bạn nên chần lại nước nóng hoặc luộc lại là tốt nhất. Không nên ăn măng sống.
Không nấu kỹ măng
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân nên ngâm và luộc măng nhiều lần, thay nước sau mỗi lần luộc. Nên ngâm nước sạch qua đêm để khử bớt độc tố. Măng luộc đun lửa vừa, măng mềm thì tắt lửa. Khi măng nguội, vớt ra lột vỏ, rồi xả lại vài lần bằng nước sạch rồi mới chế biến.
Chế biến măng không cẩn thận dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc, rất nguy hiểm cho bà bầu và thai nhi trong bụng. Để an toàn, bà bầu muốn ăn măng cần rửa nhiều lần với nước sạch, ngâm muối, sau đó là luộc kỹ khoảng 3 lần mới ăn. Trong khi luộc măng, hãy mở nắp nồi để độc tố bay đi.
Ăn măng khi bị đau dạ dày
Măng chứa rất nhiều chất xơ nên người bị đau dạ dày sẽ cảm thấy khó tiêu do dạ dày phải hoạt động, co bóp nhiều để nghiền nát xơ măng. Bên cạnh đó, chất độc trong măng còn dễ gây kích ứng dạ dày, dẫn đến tình trạng nôn mửa, đầy hơi hay làm cho những vết loét niêm mạc thêm nặng.
Phụ nữ mang thai trong những tháng đầu của thai kỳ thường cơ thể chưa thích nghi được nên có thể bị ốm nghén. Khi đó nên hạn chế.
Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển không nên ăn măng do axit oxalic trong măng tươi ảnh hưởng đến việc hấp thu và tận dụng canxi, kẽm của cơ thể. Axit oxalic trong măng có thể kết hợp với canxi trong cơ thể tạo thành axit oxalic canxi dẫn đến sỏi thận đường tiết niệu. Do vậy người bị bệnh sỏi thận không nên ăn nhiều măng tươi
Cách khử độc măng
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng măng tươi, chúng ta có thể áp dụng những cách khử độc sau đây:
Ngâm nước sạch
Bóc hết bẹ lá (vỏ măng), rửa sạch đất cát rồi tùy theo từng loại măng độc nhiều hay ít, măng thường hay măng đắng mà có cách xử lý khác nhau. Có thể cắt thành lát mỏng hoặc xé nhỏ thành sợi đem ngâm vào nước sạch qua đêm cho bớt độc rồi rửa lại trước khi chế biến thành các món ăn.
Khử độc bằng lá rau ngót
Măng hái về bóc vỏ, cắt thành từng lát nhỏ, bỏ thêm nắm lá rau ngót rồi cho vào nồi luộc qua một lần. Khi măng đã chín, nhấc xuống chắt hết nước nóng đi, rồi đổ nước lạnh vào, vớt bỏ lá rau ngót và xả lại với nước lạnh một lần nữa là có thể đem chế biến món ăn.
Ớt và nước gạo
Măng tươi để cả vỏ rồi xếp gọn vào trong nồi. Cho thêm vài trái ớt đã bỏ hạt, cho nước gạo vào ngập gần hết măng. Đun lửa vừa, khi thử thấy măng mềm thì tắt lửa. Chờ măng nguội, vớt ra lột vỏ, rồi xả lại vài lần bằng nước sạch. Măng sẽ không còn vị đắng, bạn có thể đem chế biến món ăn.
Ngâm nước vôi trong
Với các loại măng độc, măng đắng nên ngâm bằng nước vôi trong; luộc bỏ vài lượt để bỏ bớt những nước đầu cho tới khi thấy nước trong rồi mới đem chế biến. Trong khi luộc, nấu nên mở vung cho chất độc bay hơi.
Ngâm nước nóng
Trước khi sấy hoặc phơi măng khô nên ngâm qua nước muối, lúc sử dụng để chế biến thành các món ăn nên chần lại bằng nước nóng hoặc luộc lại càng tốt. Muối măng chua cũng là một biện pháp làm giảm tính độc của măng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/an-mang-khong-dung-cach-de-bi-ngo-doc.html