Án mạng từ trò chơi bạo lực
Trời vừa rạng sáng, Lý Hạo, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố Lâm Hà nhận được người dân báo tin ở dưới chân núi ở ngoại thành có một cậu bé rơi xuống vực bị chết. Đội trưởng Lý và mấy cảnh sát vội đến ngay hiện trường.
Địa điểm tai nạn ở cạnh đường cao tốc, tại đây đã xẩy ra một tai nạn xe đâm gãy lan can bảo vệ, nên tối hôm qua đã làm một cậu bé bị ngã xuống vực. Do vực khá sâu nên cậu bé rơi xuống bị vỡ đầu toàn thân đầy máu, bên cạnh còn có một chiếc xe đạp cũng bị gãy nát.
Căn cứ tình hình hiện trường có thể phán đoán rằng cậu bé đang đi xe đạp thì bị ngã. Chỗ này đường tương đối rộng và thẳng nên cậu bé tự ngã là khả năng rất nhỏ, rất có thể do người khác cố ý gây ra vụ tai nạn này.
Sau khi quan sát cẩn thận, Đội trưởng Lý đã phát hiện một dấu giày không rõ lắm trên ống quần của cậu bé và từ dấu vết này có thể đoán rằng có người đã đẩy cậu bé ngã xuống vực. Ai lại nhẫn tâm ra tay giết một cậu bé 15, 16 tuổi như thế này?
Đội trưởng Lý nghĩ: Trước hết phải xác nhận danh tính của người bị nạn vì vậy anh nhanh chóng thông báo vụ tai nạn cho các thôn xóm gần đó và rất nhanh tìm được bố mẹ của cậu bé. Bố mẹ nạn nhân cho biết cậu bé tên là Trương Địch năm nay 16 tuổi và là đứa con duy nhất của họ. Bố mẹ cậu bé đã khóc đến chết đi sống lại.
“Căn cứ tình hình hiện trường có thể đoán rằng cậu bé bị người ta đẩy xuống vực, vậy bình thường gia đình có thù oán với ai không?”- Đội trưởng Lý hỏi.
Bố mẹ đứa trẻ vừa khóc và nói: “Gia đình chúng tôi không có thù oán với ai, ngay cả khi có va chạm với người trong thôn cũng không ai đang tâm đi giết một đứa trẻ để trả thù?”.
“Nhưng cũng có thể là kẻ thù của cậu bé, lối sống của nó như thế nào?”- Đội trưởng Lý hỏi.
Có lẽ không hỏi thì còn tốt nhưng càng hỏi bố mẹ cậu bé lại càng khóc to hơn. “Một phần cũng tại chúng tôi quá chiều chuộng con cái. Từ năm ngoái sau khi nó mê game online nên thường xuyên lên mạng, chúng tôi cũng bảo cháu nhiều lần nhưng nó không nghe, nó còn nói rằng lên mạng có lợi cho việc học tập. Cháu nói thế nhưng chúng tôi cũng không hiểu lắm đành phải mặc kệ nó. Sau này chúng tôi mới biết rằng ham lên mạng ngoài việc thành tích học tập sút kém còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Chúng tôi đánh mãi mắng mãi cũng không có tác dụng, chỉ còn phương pháp là khống chế việc tiêu tiền của nó, khi nào không thấy nó về nhà là chúng tôi biết nó lại đến quán Internet”.
Đội trưởng Lý cho rằng mặc dù bố mẹ của Trương Địch không trực tiếp cung cấp manh mối để phá án nhưng những thông tin họ đưa ra rất có lợi cho việc điều tra vụ án này. Tổ chuyên án quyết định việc điều tra phá án bắt đầu từ các quán Internet.
Tai nạn xảy ra ở thị trấn Đông Thành và tổ chuyên án đã tiến hành điều tra trọng điểm các quán Internet trong khắp thị trấn. Khi đi điều tra, Đội trưởng Lý đã rất ngạc nhiên khi trong một thị trấn nhỏ mà có hàng chục quán cà phê Internet và hầu hết là hoạt động bất hợp pháp cho nên công việc điều tra không dễ dàng gì. Sau mấy hôm thâm nhập điều tra các trinh sát đã xác định được ba người có liên quan đến vụ án Trương Địch.
Một người là Tiểu Chiếu, bạn cùng lớp Trương Địch, hai người chơi rất thân với nhau và cùng nghiện Internet. Hơn mười ngày trước, hai người có mâu thuẫn về tiền nong và đã xảy ra xô xát thậm chí còn đánh nhau. Tiểu Chiếu bị đánh bầm mặt mũi dọa sẽ trả thù Trương Địch.
Người thứ hai là Vương Hạo, tình địch của Trương Địch. Vương Hạo quen và “đính hôn” với một cô gái có tên mạng là “Khói hoàng hôn”. Một hôm, Vương Hạo và Trương Địch đi ăn tối cùng nhau và biết được “Khói hoàng hôn” cũng có quan hệ mật thiết với Trương Địch, Vương Hạo vô cùng bực tức đã cảnh cáo Trương Địch dụ dỗ “vợ” của mình, sau đó còn nói rằng sẽ giết Trương Địch. Trương Địch không hề tỏ ra yếu đuối cũng cảnh cáo Vương Hạo rằng nếu không ngoan ngoãn ly hôn “Khói hoàng hôn” thì Vương Hạo cũng sẽ bị giết.
Người thứ ba là Lý Tuấn, chủ một quán cà phê Internet, năm nay mới ngoài 30 là một tên lưu manh điển hình ở địa phương, nhiều lần bị cơ quan công an bắt vì vi phạm pháp luật. Bởi vì có nhiều thanh niên quá mê lướt Internet nhưng không kiềm chế được và cuối cùng không có tiền trả. Để thu được tiền Lý Tuấn đã thuê một vài kẻ lưu manh đi thu nợ. Những người không có tiền trả sẽ bị đánh đập thậm chí bị bọn chúng nhốt cho đến khi có người thân mang tiền đến trả. Trương Địch cũng nhiều lần bị bọn chúng nhốt.
Cách đây mấy ngày, Trương Địch và 3 thanh niên khác thường xuyên sử dụng Internet đã gây chiến với bọn tay chân Lý Tuấn nhưng do lực lượng quá chênh lệch phía Trương Địch bị tổn thất nghiêm trọng. Sau việc này Trương Địch và những người khác dọa sẽ kiện Lý Tuấn về hành vi kinh doanh bất hợp pháp và Lý Tuấn cũng dọa rằng kẻ nào dám kiện hắn sẽ lấy mạng người đó, vì vậy quan hệ hai bên rất căng thẳng.
Dựa vào những manh mối trên, Đội trưởng Lý chia các trinh sát thành ba nhóm, mỗi nhóm tập trung vào một đầu mối và phối hợp chặt chẽ với nhau để trao đổi các diễn biến của vụ án. Lúc đầu, mọi manh mối đều tiến triển thuận lợi nhưng chẳng bao lâu đã đi vào bế tắc vì nghi phạm nào cũng có thể phạm tội.
Khi nói chuyện họ chỉ thuận mồm mà nói ra và một điều quan trọng nữa là các nghi phạm đều có bằng chứng ngoại phạm trong thời điểm xảy ra vụ án. Xem ra lại phải đi tìm manh mối mới, Đội trưởng Lý quyết định đi sâu vào các quán cà phê Internet để trải nghiệm cuộc sống trong quán cà phê Internet.
Một ngày, Đội trưởng Lý và hai trinh sát mặc thường phục vào quán chơi Internet, thỉnh thoảng anh cố tình giả vờ không thạo lên mạng nên liên tục nhờ sự giúp đỡ của người khác và nhân cơ hội quan sát tình hình. Anh thấy rằng, hầu hết những người chơi Internet đều là thanh niên, họ chơi Internet suốt đêm, phần đông là chơi game trực tuyến, một số tán gẫu hoặc vào các trang web khiêu dâm.
Đội trưởng Lý thấy một số thanh niên đang chơi trò chơi “môtô bạo lực” nên đã mở trò chơi này và bắt đầu chơi. Loại trò chơi này giống như trò chơi đua xe, ai về đích trước được coi là chiến thắng. Điểm khác biệt so với cuộc đua thực là bạo lực có thể được thêm vào trong cuộc đua, người chơi có thể đấm, đá hoặc đánh người khác. Vì vậy, nếu bạn muốn chiến thắng, cách tốt nhất là hạ gục những người chơi xung quanh để chạy về đích trước.
Từ trò chơi bạo lực này Đội trưởng Lý chợt nghĩ đến dấu giày ở quần Trương Địch: Có thể là một người đã chơi trò chơi này, coi thực tế như một trò chơi và đá Trương Địch rơi xuống vực? Người này có thể không có thù oán với Trương Địch, thậm chí có thể là bạn thân.
Ngày hôm sau, Đội trưởng Lý họp tổ chuyên án và nói ra suy nghĩ của mình. Theo mạch suy nghĩ này, những người bạn của Trương Địch thích trò chơi “môtô bạo lực” đều bị điều tra, đối tượng tình nghi nhanh chóng bị phát hiện và bị bắt ngay ngày hôm sau. Khi tên tội phạm bị bắt mọi người đều sửng sốt, hóa ra nó cũng chỉ là một học sinh cấp hai tên là Tuấn Kiệt, bạn rất thân của Trương Địch và cũng chưa có mâu thuẫn gì với Trương Địch.
Khi thẩm vấn Đội trưởng Lý hỏi: “Hai người là bạn thân không có mâu thuẫn tại sao lại đẩy bạn mình xuống vực?”.
Tuấn Kiệt trả lời: “Chúng em chơi môtô bạo lực cả đêm trên đường về nhà vẫn đắm chìm trong trò chơi. Cả hai thi nhau đạp xe xem ai nhanh, lúc đầu, em đi trước, sau đó Trương Địch đuổi kịp. Khi đến chỗ lan can bảo vệ bị hỏng, em không nghĩ gì cả đạp Trương Địch rơi xuống vực. Việc này chúng em làm thường xuyên trong khi chơi game, khi em nghe thấy tiếng kêu thảm thiết của cậu ấy em mới nhận ra rằng đây là hiện thực không phải trò chơi nhưng tất cả đã quá muộn rồi”.
Sau vụ án này, cơ quan Công an đã tiến hành quản lý chặt chẽ các quán Internet của huyện, đồng thời thông báo tình hình vụ án để ngăn chặn những vụ việc tương tự tái diễn.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/an-mang-tu-tro-choi-bao-luc-623157/