An ninh, an toàn trường học: Thiếu vắng bảo vệ - lỏng lẻo an ninh
Thời gian qua, có không ít vụ việc người ngoài vào khu vực trường học hành hung, xâm hại đến giáo viên, học sinh. Sau mỗi vụ việc, điều khiến nhà trường, phụ huynh lo lắng nhất là đội ngũ bảo vệ trường học vừa thiếu, vừa yếu…
Thiếu và yếu
Có một thực tế đang tồn tại khiến nhà trường, phụ huynh lo lắng chính là an ninh trường học, đặc biệt là các trường học ở vùng sâu, vùng xa. Vì các trường này không có kinh phí, nguồn xã hội hóa cũng rất hạn chế nên việc thuê bảo vệ trực trường hết sức khó khăn. Trong khi theo quy định, bảo vệ trường học không phải là công chức, viên chức mà họ chỉ là nhân viên hợp đồng, do nhà trường tự thuê và thanh toán tiền lương.
Khó nhất là các điểm lẻ, điểm phụ trường học ở vùng nông thôn, đa số không có bảo vệ mà giáo viên kiêm luôn công việc trông coi học trò khi đến trường.
“Lương thấp nhưng yêu cầu của bảo vệ trường học lại cao. Vì đặc thù liên quan tới hoạt động quản lý học sinh nên hiếm khi được ngơi nghỉ. Không chỉ là quản lý cơ sở vật chất ở một góc độ nào đó, họ còn phải bảo đảm an toàn cho thầy trò nhà trường.
Ở một số trường bảo vệ còn có nhiều việc “không tên” như sửa điện, nước, cùng một số việc nặng nhọc khác trong trường. Trong khi đó, đồng lương của họ khó có thể đảm bảo cho cuộc sống và định biên bảo vệ trường học còn nhiều vướng mắc nên tìm bảo vệ đạt yêu cầu không phải dễ!”, một hiệu trưởng nêu thực trạng.
Cũng vì thiếu bảo vệ trường học nên ngành Giáo dục một số địa phương phân công giáo viên phải trực trường và việc này bị phản ánh. Đơn cử như tỉnh Tiền Giang, có thời gian các giáo viên huyện Gò Công Tây phải thay nhau trực trường kể cả ban đêm và các ngày nghỉ, ngày lễ; nhưng không ai được trả tiền bồi dưỡng hoặc phụ cấp làm thêm giờ.
Lý giải về việc giáo viên phải trực trường, theo ông Nguyễn Hồng Oanh - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, do tình hình an ninh trật tự phức tạp nên công tác đảm bảo an ninh trường học được thắt chặt. Có thời điểm các trường học trên địa bàn tỉnh liên tục bị trộm đột nhập lấy cắp máy vi tính, các thiết bị dạy học, thiết bị thí nghiệm thực hành có giá trị.
Trong khi đó công tác bố trí bảo vệ trường học gặp nhiều khó khăn khi mỗi trường chỉ có 1 bảo vệ, không thể bắt buộc họ trực cả ngày đêm. Khó nhất là lương bảo vệ rất thấp (hệ số lương 1,5 - khoảng 2 triệu đồng/tháng). Nếu muốn có thêm bảo vệ, các trường phải tự thuê và lấy tiền từ nguồn chi hoạt động thường xuyên để trả lương.
Ông Oanh cho biết thêm, mặc dù biết các giáo viên thay nhau trực trường là vất vả, nhưng việc bố trí thêm bảo vệ cho các trường hoặc chi bồi dưỡng cho giáo viên thì riêng ngành Giáo dục không thể làm được. Sở GD&ĐT cũng đã nắm được tình hình khó khăn khi giáo viên các trường học trên địa bàn phải thay nhau trực trường ban đêm và các ngày nghỉ, lễ, tết. Trước khó khăn này, Sở GD&ĐT đã báo cáo UBND tỉnh để nắm tình hình và có hướng giải quyết.
Không thể xem nhẹ
Bảo vệ là lực lượng cần có ở tất cả các trường học, nhưng trong danh sách cán bộ biên chế, viên chức ở trường học theo Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ, không có biên chế, viên chức cho bảo vệ. Danh mục khung vị trí việc làm trong các trường phổ thông công lập do Bộ GD&ĐT ban hành năm 2017 cũng không có vị trí bảo vệ. Do đó, lương chi trả cho bảo vệ do nhà trường tự cân đối chứ không thu được từ phụ huynh học sinh. Vấn đề thực sự khó khăn khi các trường học ở vùng sâu, vùng xa không thể thu thêm tiền để trả lương cho bảo vệ vì sợ lạm thu, nhất là thu nhập người dân ở địa phương cũng thấp. Việc vận động phụ huynh đóng thêm tiền cho công tác bảo vệ không hề dễ dàng.
Theo chia sẻ của một hiệu trưởng ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), vấn đề an ninh ở các trường hiện nay vẫn chưa được coi trọng đúng mức, nhất là ở lực lượng bảo vệ. Đa số các bảo vệ trường học, đặc biệt là trường học ở vùng sâu, vùng xa hầu hết là hợp đồng, chưa được tập huấn nghiệp vụ, do đó khó có thể ứng phó với những tình huống bất ngờ. Với mức lương hợp đồng chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, các trường học không thể tìm được người có nghiệp vụ an ninh thực sự mà chỉ có thể thuê những người cao tuổi, hưu trí để làm bảo vệ! Trong khi đó các loại tội phạm ngoài xã hội ngày càng phức tạp, khó lường.
Trong khi các loại tội phạm ngày càng manh động, môi trường học đường cũng là mục tiêu nhắm đến của tội phạm trộm, cướp, xâm hại tình dục… thì đội ngũ bảo vệ trường học lại thiếu và yếu. Mỗi khi có sự việc đáng tiếc xảy ra ai cũng giật mình khi nhìn lại an ninh trường học còn lỏng lẻo, đội ngũ bảo vệ thiếu chuyên nghiệp. Nhưng vấn đề khó khăn nhất là kinh phí, nhà trường lấy đâu ra tiền để trả ít nhất 2 bảo vệ với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng? Cũng vì cái khó này mà nhiều trường học đành thuê những người quá tuổi lao động hoặc những người về hưu để “giữ” trường với mức lương 1 - 2 triệu đồng/tháng. Còn chuyện nghiệp vụ bảo vệ, sức khỏe, hầu như bị bỏ qua; việc của bảo vệ là trông chừng học sinh vi phạm nội quy và giữ tài sản vào ban đêm!
Đã có nhiều vụ tai nạn thương tích, các vụ bạo hành, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tinh thần trẻ em, học sinh, giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Nhức nhối hơn là tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đặc biệt là các em bị lôi kéo, thực hiện hành vi vi phạm thông qua mạng xã hội. Các vụ việc trên đã ảnh hưởng không tốt đến an toàn tính mạng của học sinh và uy tín, danh dự của đội ngũ nhà giáo, an ninh trật tự trường học và gây bức xúc trong xã hội…
Vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn trường học hiện nay là nhiệm vụ cấp bách, không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành Giáo dục, của từng trường học mà cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Nếu không kịp thời có giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, trước mắt là nâng cao chất lượng bảo vệ, có thể tiếp diễn các vụ xâm hại giáo viên, học sinh, các tệ nạn xã hội cũng có nguy cơ len lỏi vào nhà trường.