An ninh Mỹ bị chỉ trích thậm tệ sau vụ ám sát ông Trump
Nước Mỹ và thế giới vẫn đang 'sốc' trước việc ứng cử viên tổng thống tiềm năng của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sắp tới – cựu Tổng thống Donald Trump bị bắn khi đang vận động tranh cử ở bang Pensylvania ngày hôm 13/7.
Một cuộc điều tra toàn diện đang được giới chức Mỹ khẩn trương tiến hành, với nhiều nghi vấn được đặt ra. An ninh được cam kết tăng cường hơn nữa cho các ứng viên Tổng thống Mỹ trong thời gian tới.
Cựu Tổng thống Donald Trump hiện đã “ổn”, theo xác nhận của đại diện truyền thông của ông cũng như của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden, sau cuộc điện thoại hỏi thăm sức khỏe. Trên mạng xã hội X, hình ảnh ông Trump bước xuống máy bay khi đến New Jersey cũng đã được Phó Giám đốc truyền thông của ông Margo Martin đăng tải cùng dòng tin nhắn: “Mạnh mẽ và kiên cường. Ông Trump sẽ không bao giờ ngừng chiến đấu vì nước Mỹ”.
Như vậy, người dân Mỹ đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì ông Donald Trump không bị thương nghiêm trọng, nhưng giới an ninh Mỹ đang phải đối mặt với vô vàn câu hỏi và lời chỉ trích từ giới chính trị và người dân.
Trong một tuyên bố, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thừa nhận, họ đã bất ngờ về số phát đạn mà kẻ tấn công có thể bắn; đồng thời xác định Thomas Matthew Crooks (20 tuổi) đến từ Bethel Park, bang Pennsylvania, là “đối tượng liên quan” trong vụ nổ súng. Dù động cơ gây nổ súng của người này chưa được làm rõ, song FBI đã gọi vụ việc là một âm mưu ám sát.
Đặc vụ Kevin Rojek cho biết: "Chúng ta vừa chứng kiến vụ ám sát cựu Tổng thống Donald Trump. Như tôi đã đề cập, chúng tôi có một số đặc vụ tại hiện trường. Chúng tôi cũng đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan liên bang khác, các đối tác cấp tiểu bang và các đối tác cảnh sát địa phương của chúng tôi. Hiện tại chúng tôi chưa xác định được động cơ, mặc dù các nhà điều tra của chúng tôi đang làm việc không mệt mỏi để cố gắng xác định động cơ đó là gì".
Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho biết, họ sẽ mở các cuộc điều tra nhanh chóng về cách nghi phạm trốn tránh các nhân viên Mật vụ Mỹ và trèo lên nóc một tòa nhà gần nơi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phát biểu, bắn nhiều phát súng trước khi bị tiêu diệt.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cho biết sẽ sớm triệu tập các quan chức từ Cơ quan Mật vụ, Bộ An ninh Nội địa và FBI để điều trần, cũng như cung cấp những thông tin mới nhất về vụ việc.
Những người ủng hộ ông Trump vẫn chỉ trích Cơ quan Mật vụ Mỹ “yếu kém” khi đảm trách nhiệm vụ bảo vệ ông với tư cách là cựu tổng thống Mỹ.
Tỷ phú Elon Musk thậm chí kêu gọi lãnh đạo cơ quan này từ chức.
Những giờ qua, các nhà lãnh đạo thế giới tiếp tục lên án vụ tấn công nhằm vào cựu Tổng thống của nước Mỹ, đồng thời là ứng cử viên tiềm năng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án vụ nổ súng và gọi đây là “hành vi bạo lực chính trị”.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida kêu gọi chống lại mọi hình thức bạo lực thách thức nền dân chủ trên thế giới. Trong khi, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết, ông “kinh hoàng trước những cảnh tượng gây sốc” tại cuộc vận động tranh cử ở nước Mỹ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh, “không có lời biện minh nào” cho hành vi bạo lực chính trị. Vụ việc tại Mỹ cũng khiến Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, Ai Cập, Thái Lan, Hàn Quốc, New Zealand, Italy, Thụy Điển, Hà Lan và Philippines bị sốc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã gọi vụ nổ súng vào ông Trump là một thảm kịch đối với nền dân chủ, trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi đây là hành vi hèn nhát, đáng khinh thường.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã lên án vụ việc và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời hỏi thăm dành cho vị cựu Tổng thống Mỹ.