An Phú ứng dụng công nghệ số trong quản lý tín dụng chính sách

Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tín dụng là một trong những giải pháp đang được triển khai mạnh mẽ trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Tại huyện An Phú, ứng dụng được triển khai rộng rãi và mang lại hiệu quả thiết thực, tạo nhiều tiện ích.

Để triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tín dụng, Phòng giao dịch NHCSXH huyện An Phú đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, giúp người dùng tương tác, nắm tình hình thực tế để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng. Từ khi đưa ứng dụng vào hoạt động, việc giao dịch giữa tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với cán bộ ngân hàng tại các điểm giao dịch diễn ra thuận tiện, nhanh chóng.

Theo ông To Ri Dal, Tổ trưởng Tổ Kế hoạch nghiệp vụ, Phòng giao dịch NHCSXH huyện An Phú, cho biết: Đơn vị đã hướng dẫn các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các tổ trưởng tổ TK&VV trên địa bàn huyện về cài đặt và sử dụng các tính năng trên ứng dụng quản lý tín dụng chính sách trong giao dịch. Đây là ứng dụng phần mềm được cài đặt trên điện thoại di động thông minh có kết nối Internet để thông tin cho khách hàng về hoạt động tín dụng chính sách, các chương trình tín dụng cho vay, cơ sở dữ liệu, quy trình cho vay, trả lãi và gốc của khách hàng, kết quả kiểm tra đối chiếu cho vay và các văn bản hướng dẫn… Ngoài ra, ứng dụng như là “cẩm nang điện tử” dễ sử dụng, mang đến cho người dùng nhiều tiện ích, trong đó có quy trình nghiệp vụ: Thu lãi, thu tiền tiết kiệm, chuyển khoản trả gốc và số liệu hoạt động tín dụng chính sách của tổ TK&VV; kết quả giao dịch; tra cứu biên lai thu lãi của tổ viên và thông tin địa bàn… “Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách mang lại nhiều tiện lợi, giúp tiết kiệm thời gian, thống kê các khoản thu chính xác, quản lý hoạt động tín dụng hiệu quả” - ông Võ Văn Quí, Tổ trưởng Tổ TK&VV xã Phú Hữu chia sẻ.

Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Phú giao dịch thường kỳ tại xã Phú Hữu

Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Phú giao dịch thường kỳ tại xã Phú Hữu

Theo ông To Ri Dal: “Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã triển khai giao dịch qua ứng dụng ở 14/14 xã, thị trấn trong toàn huyện, với 317 tổ TK&VV. Tuy nhiên, do mới triển khai áp dụng, nên bước đầu cũng có nhiều khó khăn nhất định, nhất là đối với các tổ trưởng lớn tuổi hoặc không có điện thoại thông minh, nên gặp khó khăn khi tiếp cận ứng dụng công nghệ này. Đơn vị đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để người dùng có thể tiếp cận, sử dụng hiệu quả các tính năng một cách thuận tiện nhất”…

“Trước đây, khi cần trả lãi vay vốn chính sách phải đến trụ sở ngân hàng để cung cấp thông tin, dữ liệu trên giấy. Bây giờ, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, mình cung cấp thông tin trực tuyến và được cán bộ ngân hàng hướng dẫn, nên rất nhanh chóng, tiện lợi” - anh Nguyễn Văn C. (xã Phú Hữu) cho biết.

Có thể thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tín dụng tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện An Phú không chỉ góp phần thực hiện chuyển đổi số, giao dịch số trong hoạt động tín dụng, mà còn nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của đơn vị. Ban Đại diện Hội đồng Quản trị (HĐQT) NHCSXH huyện An Phú đã bám sát chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, nghị quyết của HĐQT NHCSXH tỉnh, tập trung triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng chính sách. Đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Ban Đại diện HĐQT NHCSXH huyện phân công thành viên phụ trách địa bàn và xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát, nhằm nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tồn tại tại cơ sở từ đó có giải pháp chỉ đạo tháo gỡ. Tham mưu UBND huyện bổ sung nguồn vốn 1 tỷ đồng để cho vay chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Tổng nguồn vốn đến ngày 30/9 là 538,011 tỷ đồng, tăng 36,464 tỷ đồng (+7,3%) so năm 2023. Tổng dư nợ là 538,011 tỷ đồng, tăng 36,464 tỷ đồng (+7,3%) so năm 2023, đạt 98,7% chỉ tiêu kế hoạch, số khách hàng còn dư nợ là 16.269 khách hàng; có 319 tổ TK&VV, bình quân 33 triệu đồng/khách hàng; 51 khách hàng/ tổ TK&VV; 1.692 triệu đồng/ tổ TK&VV…

Toàn huyện An Phú có 14 điểm giao dịch xã/thị trấn, hoạt động diễn ra nghiêm túc, đảm bảo an toàn trong giao dịch, đáp ứng kịp thời cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ. Theo đó, giao dịch tại xã đạt tỷ lệ giải ngân 99,91%, thu nợ đạt 93,35%, thu lãi đạt 99,36%; dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên) với số tiền 537,336 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ, 16.257 khách hàng vay, 319 tổ TK&VV; trong đó nợ quá hạn trên 6 tỷ đồng, tỷ lệ 1,12%; nợ khoanh gần 17,5 tỷ đồng, tỷ lệ 3,25%...

Các tháng cuối năm, Phòng giao dịch NHCSXH, các đơn vị liên quan, các tổ TK&VV thường xuyên rà soát, đôn đốc, thu hồi, xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn, nợ khoanh, lãi tồn đọng, theo dõi sát các món giải ngân mới để xử lý kịp thời, tránh để lãi tồn đọng cao...

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-phu-ung-dung-cong-nghe-so-trong-quan-ly-tin-dung-chinh-sach-a408011.html