An sinh xã hội toàn diện cho lao động giúp việc gia đình

Lao động giúp việc gia đình đóng góp quan trọng cho xã hội, cung cấp dịch vụ chăm sóc thiết yếu cho gia đình và hộ gia đình, nhưng họ vẫn chưa được đánh giá đúng mức.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo báo cáo Biến quyền an sinh xã hội thành hiện thực cho người lao động giúp việc gia đình của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chỉ có 6% lao động giúp việc gia đình trên toàn thế giới được tiếp cận an sinh xã hội toàn diện. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 94% trong số họ không được tiếp cận đầy đủ các cơ chế bảo vệ, bao gồm chế độ liên quan đến chăm sóc y tế, ốm đau, thất nghiệp, tuổi già, tai nạn nghề nghiệp, gia đình, thai sản, thương tật và tử tuất. Trong đó, khoảng một nửa số lao động giúp việc gia đình hoàn toàn không thuộc diện bao phủ của an sinh xã hội và nửa còn lại được hưởng ít nhất một cơ chế bảo vệ về pháp lý.

Ngay cả khi họ được bảo vệ về mặt pháp lý thì cũng chỉ có một phần năm số lao động giúp việc gia đình thực sự được bảo vệ trên thực tế do phần đông trong số họ hiện đang làm công việc phi chính thức.

Theo Báo cáo, với 76,2% lao động giúp việc gia đình (57,7 triệu người) là phụ nữ, những khoảng trống về an sinh xã hội như vậy càng khiến phụ nữ đặc biệt dễ bị tổn thương. Báo cáo cũng nhấn mạnh sự khác biệt lớn giữa các khu vực. Ở châu Âu và Trung Á, 57,3% lao động giúp việc gia đình thuộc diện bao phủ về pháp lý và được hưởng mọi chế độ trợ cấp an sinh xã hội. Hơn 10% đối tượng lao động này được hưởng quyền lợi như vậy ở châu Mỹ; hầu như không một ai được hưởng đầy đủ các chế độ ở các quốc gia Ả Rập, châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi, là những khu vực tuyển dụng số lượng lao động giúp việc gia đình đáng kể.

Báo cáo cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm lộ rõ những khoảng trống trong diện bao phủ an sinh xã hội mà lao động giúp việc gia đình phải gánh chịu. Họ là một trong số những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch, nhiều người bị mất việc làm và sinh kế. Nhiều người trong số những người duy trì được công việc thì thường xuyên tiếp xúc với dịch bệnh mà không có đủ trang bị bảo hộ. Họ hiếm khi có thể dựa vào cơ chế bảo vệ sức khỏe đầy đủ, trợ cấp ốm đau hay trợ cấp thất nghiệp, điều này càng khiến họ dễ bị tổn thương hơn.

Theo ILO, những thách thức trong việc đảm bảo lao động giúp việc gia đình thuộc diện bao phủ an sinh xã hội là có thật nhưng không phải không thể vượt qua. Một số tiêu chuẩn lao động quốc tế có thể giúp đưa ra các giải pháp, bao gồm Công ước về Người lao động giúp việc gia đình năm 2011 (Số 189) và Khuyến nghị năm 2011 (Số 201), cũng như Khuyến nghị về Sàn An sinh Xã hội năm 2012 (Số 202) và Công ước về An sinh Xã hội (Tiêu chuẩn Tối thiểu) năm 1952 (Số 102).

Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị làm thế nào để đảm bảo lao động giúp việc gia đình được hưởng an sinh xã hội toàn diện, bao gồm: Đảm bảo lao động giúp việc gia đình được hưởng các điều kiện ít nhất là tương đương với những điều kiện hiện áp dụng đối với những người lao động khác; Điều chỉnh và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để đảm bảo phạm vi pháp lý chuyển thành phạm vi bao phủ trong thực tế; Thiết kế hệ thống phúc lợi phù hợp với đặc thù của công việc giúp việc gia đình; Nâng cao nhận thức của lao động giúp việc gia đình và người sử dụng lao động về quyền và nghĩa vụ của họ…

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trong khu vực đưa lao động giúp việc gia đình thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật lao động. Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định số 145/2000/NĐ-CP đi kèm quy định lao động gia đình phải có hợp đồng bằng văn bản, đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định, trong đó có giới hạn về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi. Trong số các nước Đông Nam Á, chỉ có ở Việt Nam là lao động giúp việc gia đình được hưởng một mức lương tối thiểu ít nhất bằng mức lương tối thiểu dành cho các lao động khác.

Mặc dù Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể, trong đó bao gồm việc đưa người lao động giúp việc gia đình thuộc phạm vi bảo vệ của pháp luật lao động, nhưng thách thức gặp phải hiện nay làm thế nào để tăng cường tuân thủ luật pháp và thu hẹp khoảng cách giữa các biện pháp bảo vệ quy định trong luật và trải nghiệm thực tế của lao động giúp việc gia đình. Năm 2026, Việt Nam dự kiến sẽ phê chuẩn Công ước về Lao động giúp việc gia đình của ILO (Công ước số 189).

H.Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/an-sinh-xa-hoi-toan-dien-cho-lao-dong-giup-viec-gia-dinh-post451703.html