Án thi hành xong bị lật lại : Rối!
Bản án đã được thi hành xong thì cấp giám đốc thẩm hủy án để xét xử lại. Sau đó, tòa cấp dưới đình chỉ giải quyết khiến vụ việc rối như canh hẹ, không biết khắc phục hậu quả pháp lý ra sao…
Tháng 4-2008, TAND thị xã Tây Ninh đã xử sơ thẩm, tuyên buộc ông NVN phải giao trả cho bà KHC 385 m2 đất tọa lạc ở khu phố 4 (phường 3). Ông N. kháng cáo. Bốn tháng sau, TAND tỉnh Tây Ninh xử phúc thẩm đã bác kháng cáo, tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Mất đất, làm sao lấy lại?
Theo đơn yêu cầu của bà C., Cục Thi hành án dân sự Tây Ninh đã vào cuộc, tổ chức cưỡng chế giao đất cho bà C.
Bản án đã được thi hành xong xuôi thì đến tháng 10-2011, TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm, tuyên hủy cả hai bản án trên, giao hồ sơ lại cho cấp sơ thẩm xét xử lại theo luật định. Theo đó, cấp giám đốc thẩm nhận định trong quá trình giải quyết vụ án, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã có những vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng. Về mặt nội dung, nhiều chứng cứ, tài liệu cũng chưa được làm rõ…
Đầu năm 2012, TAND tỉnh Tây Ninh thụ lý lại vụ án này. Một tuần sau, tòa này ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Theo tòa, biên bản hòa giải giữa hai bên nguyên, bị trước đó tại địa phương có thành phần tham gia không đúng quy định tại Điều 135 Luật Đất đai. Trong quá trình giải quyết vụ án, có liên quan đến nhiều người nhưng các đương sự chưa tham gia hòa giải. Đây là trường hợp chưa đủ điều kiện khởi kiện theo Bộ luật Tố tụng dân sự nên cần đình chỉ giải quyết vụ án.
Bức xúc, ông N. đã làm đơn kháng cáo. Theo ông, quyết định trên đã làm ông “tự dưng mất trắng” đất vì bản án trước đó đã được thi hành xong (giao đất của ông N. cho bà C.). Quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao là hủy án giao về cho tòa sơ thẩm xét xử lại mà nay tòa đình chỉ là không thỏa đáng. Đồng thời, trong quá trình xét xử trước đây, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều không đưa ra lý do như trên để đình chỉ giải quyết vụ án. Nay vụ án bị đình chỉ, ông N. sẽ biết bám víu vào đâu để đòi lại đất vốn đã bị cưỡng chế giao cho bà C.?
Không có cơ chế khắc phục hậu quả
Rõ ràng trong vụ việc này, ông N. đã bị thiệt thòi nặng nề. Vấn đề là ai sẽ chịu trách nhiệm khôi phục lại quyền lợi cho ông như trước? Khôi phục bằng cách nào?
Theo luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM), đây thật sự là những câu hỏi nan giải. Trong thực tiễn, những trường hợp như của ông N. không phải là hiếm. Có chuyện này bởi luật quy định bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay nhưng cũng quy định bản án dân sự đã có hiệu lực vẫn có thể bị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm và thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm lên tới ba năm.
Dĩ nhiên, luật có quy định về chuyện phối hợp giữa người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm với cơ quan thi hành án như cho phép người có thẩm quyền kháng nghị hoãn thi hành án trong một thời hạn nhất định. Tuy nhiên, thực tế quá trình phối hợp này vẫn có thể gặp trục trặc, chưa kể không ít trường hợp người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm đã vào cuộc quá chậm, sau khi bản án đã được thi hành xong.
Theo luật sư Ly Tao, ở đây cơ quan thi hành án không sai bởi thực thi theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa. Người có trách nhiệm kháng nghị giám đốc thẩm cho dù vào cuộc sau khi bản án đã được thi hành cũng không sai vì vụ việc vẫn còn trong thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm. Thụ lý lại, tòa cấp dưới với HĐXX khác phát hiện ra vụ việc không đủ điều kiện khởi kiện thì sửa sai bằng cách đình chỉ giải quyết vụ án cũng đúng luật.
Có chăng là cần phải nhìn lại trách nhiệm với công việc của hai HĐXX sơ, phúc thẩm trước đây. Nếu như ngay từ đầu, các HĐXX này cẩn trọng nhận ra vụ việc không đủ điều kiện khởi kiện và từ chối giải quyết thì đã không để xảy ra chuyện một bên đương sự “tự dưng bị mất đất” như vậy.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia khác cũng khẳng định hiện pháp luật chưa có cơ chế để khắc phục hậu quả trong tình huống trên. Cũng có ý kiến cho rằng người bị thiệt hại có thể khởi kiện tòa phúc thẩm đòi bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác phân tích việc này hoàn toàn không khả thi bởi trước hết phải có kết luận của cơ quan có thẩm quyền khẳng định rằng bản án phúc thẩm là sai. Trong khi ở đây, quyết định giám đốc thẩm hủy án không phải là dạng kết luận như vậy để người dân dựa vào đó mà khởi kiện.
Trách nhiệm thuộc về nhà làm luật
Theo luật, thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là ba năm kể từ khi một bản án có hiệu lực pháp luật. Ba năm đó, trong xã hội đã có bao nhiêu sự thay đổi phát sinh. Thực tế có không ít trường hợp sau một thời gian dài, khi bản án đã thi hành xong xuôi cả rồi thì vụ việc mới có quyết định giám đốc thẩm hủy án để xét xử lại. Điều này dẫn đến tình trạng mọi việc đã đâu vào đó, khó có thể thay đổi, khó có thể khôi phục lại tình trạng ban đầu của các bên đương sự được.
Vì thế theo tôi, các nhà làm luật cần nghiên cứu lại về thời gian, cơ cấu tổ chức giải quyết đơn thư khiếu nại giám đốc thẩm cũng như mối quan hệ phối hợp giữa người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm với cơ quan thi hành án sao cho hợp lý, hiệu quả hơn.
Luật sư NGUYỄN THANH LƯƠNG,
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre
Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20120718110832757p0c1063/an-thi-hanh-xong-bi-lat-lai--roi.htm