Ân Thi: Vào vụ thu hoạch dưa
Thời điểm này, nông dân huyện Ân Thi đang bước vào vụ thu hoạch các loại dưa lê, dưa bở, dưa hấu. Huyện có diện tích trồng dưa được duy trì trên 20 héc-ta, trong đó, dưa hấu hơn 15,6 héc-ta, tập trung ở các xã: Bãi Sậy, Hồng Vân, Hạ Lễ… Năm 2022, sản lượng dưa hấu của huyện đạt trên 400 tấn, năng suất từ 30 đến 40 tấn/héc-ta, giá trị thu được trung bình đạt từ 380 đến 420 triệu đồng/héc-ta. Từ lâu, cây dưa đã trở thành cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trong huyện.
Nông dân xã Bãi Sậy (Ân Thi) thu hoạch dưa hấu
Năm nay dưa được mùa, năng suất cao nên nông dân phấn khởi, ai cũng tranh thủ bám đồng ruộng, thu hoạch cho kịp thời vụ. Cây dưa là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, đồng thời có nhiều ưu điểm như: Thời gian sinh trưởng ngắn, dễ thích nghi, kỹ thuật trồng dưa không quá phức tạp, không cần nhiều lao động và có thể trồng với diện tích lớn. Huyện khuyến cáo nông dân sử dụng những giống dưa có năng suất và chất lượng, dễ tiêu thụ. Trong đó, dưa hấu, dưa lê được sử dụng các giống như: Dưa hấu F1 WM-399, dưa hấu F1 EVEREST 269, dưa lê Nông Hữu… thời vụ trồng dưa bắt đầu từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3. Cây dưa cho năng suất cao song đòi hỏi nông dân phải chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu, bệnh, đặc biệt là nhóm sâu ăn lá, đục quả để có biện pháp xử lý kịp thời. Mặt khác, cần phải chú trọng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp đến với người tiêu dùng. Cây dưa có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, khả năng chịu hạn tốt, tuy nhiên chịu úng kém, do đó đất trồng dưa phù hợp nhất với cơ cấu đất nhẹ, thoát nước tốt, mang lại chất lượng quả ngon ngọt, đem lại thu nhập khá trong thời điểm nông nhàn. Để trồng dưa trên đất lúa, nông dân cần thực hiện tốt việc tưới và tiêu, không để xảy ra tình trạng bị khô hạn hay ngập úng làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng dưa.
Với kinh nghiệm trồng dưa nhiều năm của người dân địa phương nên năng suất, chất lượng quả đều tốt. Vào vụ thu hoạch, thương lái đến thu mua ngay tại ruộng. Bình quân mỗi sào dưa cho thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, người dân thu lãi từ 4 đến 5 triệu đồng/sào. Dưa chín đến đâu người dân chỉ việc thu hoạch rồi cân bán cho thương lái ngay tại ruộng, không lo tiêu thụ cũng như việc vận chuyển đi lại. Anh Nguyễn Mạnh Tiến, một thương lái cho biết: Vụ dưa chín rộ vào đúng những ngày nắng nóng nên những ngày này dưa bán rất chạy. Năm nay vì có mưa đầu mùa; khi quả chín, thời tiết nắng ráo nên dưa ngọt, nhiều chợ ở các tỉnh tiêu thụ rất mạnh.
Thời gian này, trên khắp cánh đồng của xã Bãi Sậy, đâu đâu cũng thấy nông dân miệt mài, phấn khởi vào vụ thu hoạch dưa. Trồng dưa đòi hỏi sự cần mẫn, chịu khó bám đồng ruộng, tuy có vất vả nhưng đến vụ thu hái quả, ai nấy đều phấn khởi với thành quả sau những tháng, ngày chăm sóc. Hiện nay, xã Bãi Sậy có hơn 10 héc-ta trồng dưa, tập trung nhiều nhất ở các thôn Ấp Đòng, Bối Khê... Đang nhanh tay thu hoạch những luống dưa hấu đến lứa, cô Hoàng Thu Hà ở thôn Bối Khê cho biết: Dưa là loại cây ưa các loại phân hữu cơ, điều kiện đất ẩm, không ngập úng và đủ ánh sáng để ra hoa, đậu quả thuận lợi. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phương pháp chăm bón, dưỡng quả, có biện pháp giảm thiểu sự ảnh hưởng của thời tiết tới sự sinh trưởng, phát triển của cây dưa. Khi trồng, tôi phủ ni lông kín các luống dưa để chống cỏ, sâu bệnh và hạn chế nước mưa vào gốc cây. Nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi thì chỉ sau 3 tháng sẽ cho thu hoạch.
Mặc dù cây dưa là loại cây tiềm năng có giá trị kinh tế cao nhưng trong sản xuất vẫn gặp nhiều hạn chế như: Diện tích trồng chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chất lượng chưa đồng đều nên còn bị tư thương ép giá; chất lượng cây giống chưa bảo đảm nên quả không đồng đều; công đoạn thu hoạch, sơ chế, bảo quản chưa bảo đảm kỹ thuật, vì vậy việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là bán lẻ, giá cả chưa ổn định…
Thời gian tới, huyện Ân Thi tiếp tục khuyến cáo nông dân kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh cho diện tích cây dưa đã trồng theo yêu cầu kỹ thuật; đồng thời, phối hợp với các địa phương tìm đầu ra, hỗ trợ các hoạt động tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ dưa để nông dân phát triển diện tích bền vững cũng như đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202305/an-thi-vao-vu-thu-hoach-dua-2d305b1/