Ân tình giữa bộn bề lo toan

Từ thiện có muôn vàn cách, miễn sao việc cho đi ấy có ích cho cộng đồng. Và việc cho đi cũng không chỉ trong ý nghĩa của tặng cho giữa người với người, mà ở đó có những nghĩa tình được gửi gắm, có cả những hy vọng, những cảm kích, những yêu thương dịu nhẹ đầy tình người.

Từ phở mời, cơm treo...

Ai chẳng có lúc khó khăn, một đĩa cơm từ thiện của những tấm lòng thiện nguyện cũng đủ giúp người khác giữa lúc bĩ cực khó khăn. Ai cũng có thể có những lúc rơi vào hoàn cảnh bi đát nào đó, và mục đích của từ thiện là cho đi không cần đắn đo, toan tính. Người làm từ thiện vốn nghĩ như thế, khi họ có điều kiện sống tốt hơn người khác.

Mô hình “cơm treo” miễn phí ngày càng phổ biến ở TP Hồ Chí Minh.

Mô hình “cơm treo” miễn phí ngày càng phổ biến ở TP Hồ Chí Minh.

Chuyện những đĩa cơm treo, những tô phở mời, hủ tiếu tặng... đang râm ran âm thầm với những người dân trên đất nước Việt Nam. Có những tô phở mời ở Thanh Hóa, những tô hủ tiếu tặng, hay cơm treo ở Gia Lai, ở TP Hồ Chí Minh những ngày qua khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng. Nhưng dường như đó là dạng thức mới của việc làm từ thiện, chia sẻ những bữa ăn cho nhiều hoàn cảnh còn khốn khó.

Đã từng có những quán cơm 0 đồng, những quán cơm 2.000 đồng được triển khai ở khắp cả nước. Ở đó những người lao động nghèo, sinh viên hay cả những bệnh nhân nghèo cũng được ăn no để vượt qua khốn khó hằng ngày. Đó có khi là những người bán vé số với nước da đen nhẻm vì nắng gió bụi đường, là người lao động nghèo mang dép mòn vẹt, quần áo lấm láp mồ hôi dầu và bụi bặm của công việc mưu sinh, hay những cô cậu sinh viên xa nhà nghèo khó đi tìm tương lai bằng con chữ nơi phố thị. Họ tìm đến nơi sẻ chia nghĩa tình, nơi cưu mang rất nhiều người nghèo và họ không bao giờ phân biệt người ăn nhiều hay ăn ít.

Nguyễn Thành Công (23 tuổi) bắt đầu triển khai hình thức “Cơm treo” từ đầu tháng 5.

Nguyễn Thành Công (23 tuổi) bắt đầu triển khai hình thức “Cơm treo” từ đầu tháng 5.

Như câu chuyện phở mời của anh chàng chủ quán tại Thanh Hóa mang tên Hoàng Trọng Bảo (25 tuổi) sau buổi sáng cao điểm phục vụ khách thì quán cũng dần vơi. Vô tình anh thấy cậu bé lượm ve chai đi ngang nên có rủ cậu vào ăn một tô phở cho no bụng. Cậu bé mồ côi bố từ nhỏ, bình thường em đi học. Dịp nghỉ hè, để phụ mẹ, em đi nhặt ve chai ở khu vực trung tâm TP. Thanh Hóa, có đi qua quán của anh Hoàng Trọng Bảo ở phường Đông Cương. Nghe cậu bé nói về hoàn cảnh của mình, anh chủ trẻ càng xúc động hơn. Vậy là mỗi lần gặp cậu bé, anh lại trò chuyện hoặc mời ăn một tô phở. Dù ít nói, còn ngại ngùng, nhưng nhìn cách em ăn tô phở ngon lành và cười tít mắt, anh thấy vui và hạnh phúc.

Và những quán “cơm treo” miễn phí ngày càng phổ biến ở nhiều nơi. Hàng chục năm qua, cứ đều đặn mỗi chủ nhật hằng tuần, những bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định lại nhận được những suất cơm yêu thương từ nhóm “Cơm treo từ thiện” TP Nam Định. Mỗi suất cơm chứa đựng tình cảm chân thành của những nhà hảo tâm, với mong muốn được sẻ chia chút khó khăn, đồng thời cũng là niềm động viên giúp những người bệnh thêm niềm tin để chiến thắng bệnh tật. Tại Gia Lai thời gian qua cũng xuất hiện mô hình “cơm treo” ở TP Pleiku.

Quán cơm tô Chị Đẹp của chị Trần Thị Giáng Sinh ở vỉa hè đường Lê Hồng Phong - Hoàng Văn Thụ (TP Pleiku, Gia Lai) đã hoạt động mô hình cơm treo gần 1 tháng qua. Cách vận hành của mô hình “cơm treo” khá đơn giản. Thực khách bất kỳ khi đến ăn cơm có thể trả thêm tiền cho 1 hoặc nhiều suất cơm khác rồi gửi lại quán. Quán sẽ trao tặng suất cơm đó cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Quán cơm tô Chị Đẹp mở cửa từ 11 giờ đến 21 giờ mỗi ngày. Mỗi suất cơm bình thường giá bán 30 ngàn đồng, còn mỗi suất “cơm treo” có giá 25 ngàn đồng. Phần cơm đa dạng gồm: thịt luộc, cá kho, đậu hũ nhồi thịt, sườn rim, canh chua... Ngoài cơm, quán cũng có các món bún, mì quảng... khách có thể đổi món.

Quán cơm tô Chị Đẹp của chị Trần Thị Giáng Sinh ở TP. Pleiku (Gia Lai) đã hoạt động mô hình “cơm treo” gần 1 tháng qua.

Quán cơm tô Chị Đẹp của chị Trần Thị Giáng Sinh ở TP. Pleiku (Gia Lai) đã hoạt động mô hình “cơm treo” gần 1 tháng qua.

Mô hình “cơm treo” miễn phí ngày càng phổ biến ở TP Hồ Chí Minh. Trong đó, có quán cơm của anh Huỳnh Tấn Minh trên đường Lê Văn Việt (TP Thủ Đức). Trong thời gian qua, tất cả các phần “cơm treo” đều do anh Minh tự bỏ chi phí ra, thế nhưng khi có ai đến nhận cơm, anh Minh đều nói rằng cơm này được một người lạ mời nên không cần phải ngại. Anh Huỳnh Tấn Minh chia sẻ, nếu để “cơm treo” trong thùng phía trước cửa quán dưới cái nắng nóng của miền Nam sẽ khiến cơm nhanh hư hỏng, thay vào đó anh đặt những phiếu cơm treo. Người cần lấy phiếu đó và vào quầy là sẽ nhận được một suất cơm nóng hổi với đồ ăn như bình thường. Ngoài cơm treo, anh Minh cũng triển khai nhiều hình thức như “bánh treo”, nước ngọt miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn. Hay câu chuyện về quán cơm Thanh Niên trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh).

Quán này triển khai hình thức cơm “treo”, khách đến trả tiền thêm một vài suất ăn nữa để dành tặng người khó khăn đến sau. Sau khi trả tiền đĩa cơm của mình, nhiều người khác cũng nhờ chủ quán “treo” thêm một vài phần cơm cho người đến sau. Lúc thì cơm sườn, lúc thì cơm gà, tùy thuộc vào lúc đó quán có sẵn món gì. Nguyễn Thành Công (23 tuổi), chủ quán cơm này cho biết, quán bắt đầu triển khai hình thức này từ đầu tháng 5. Trước cửa quán có tấm biển với nội dung “Cơm treo gửi tới cô chú khó khăn. Mở lên, nếu có hãy lấy một phần”. Trong quán cơm, anh dán trên tường ba tờ giấy in thông tin về hình thức cơm “treo” này. Cơm được cho vào hộp rồi đem để trước quán cho người khó khăn tới lấy.

Quán cơm Thanh Niên trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) triển khai hình thức “cơm treo”.

Quán cơm Thanh Niên trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) triển khai hình thức “cơm treo”.

… đến những nghĩa tình giấu mặt

“Cơm treo” là một câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội thời gian vừa qua, và cũng đã khiến nhiều người cảm kích. Những việc làm đầy tính nhân văn của những chủ quán cơm ấy đã tạo sức lan tỏa, thu hút được thêm những tấm lòng nhân ái, giàu lòng yêu thương con người từ những người hàng xóm, hay các cán bộ, công nhân viên chức đến cả các em học sinh, sinh viên muốn làm đẹp thêm cho đời.

Ý tưởng này nảy sinh từ Naples, Italy sau Thế chiến 2, trong một quán cà phê vào một ngày mùa đông lạnh giá. Một người khách quyết định tặng ly “cà phê treo” cho ai đó không có tiền uống. Thế rồi hình thức này đã dần lan tỏa sang nhiều khu vực khác nhau. Và tại Pháp, ngoài “cà phê treo” (café suspendu) thì còn có hình thức “bánh mì đợi chờ” (baguette en attente) với khoảng 400 cửa hàng tham gia. Nhờ đó, người nghèo có thể thưởng thức được những chiếc bánh mì nóng giòn.

Ở Việt Nam, xu hướng này không chỉ thành cơm treo mà đã trở thành nhiều thứ thực phẩm được “mời” với những hình thức tương tự như trà đá hay nước miễn phí ở vỉa hè, thùng bánh mì từ thiện ở vỉa hè. Tại Việt Nam, mô hình "cơm treo" bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2013. Đến năm 2014, đã có bảy nhà hàng, quán cà phê và một khách sạn đồng ý hỗ trợ bán phiếu cơm treo. Và hiện nay, mô hình “cơm treo” đã được triển khai ở nhiều nơi.

Quán “cơm treo”, “bánh treo” của anh Huỳnh Tấn Minh trên đường Lê Văn Việt (TP Thủ Đức).

Quán “cơm treo”, “bánh treo” của anh Huỳnh Tấn Minh trên đường Lê Văn Việt (TP Thủ Đức).

Từ thiện có muôn vàn cách, và việc cho đi cũng không chỉ trong ý nghĩa tặng cho giữa người với người, mà ở đó có những nghĩa tình được gửi gắm, có cả những hy vọng, những cảm kích, những yêu thương dịu nhẹ đầy tình người. Những phần cơm treo, phở mời ấy dẫu giá trị vật chất không to lớn, nhưng lại hàm chứa trong đó những yêu thương sâu xa của tình người, nghĩa đồng bào cùng chung tay giúp người khác vượt qua gian khó. Những hành động chia sẻ từng phần cơm ấy có thể khiến bất kỳ ai cũng có thể làm được. Bởi chỉ một đĩa cơm, một tô phở hay tô hủ tiếu sẽ dễ dàng được chia sẻ hơn là những phần quà to lớn, và ai cũng có thể góp phần nhỏ bé của mình để giúp đỡ người khác.

Những người treo cơm ấy có thể cũng không phải là người có điều kiện, nhưng họ có tấm lòng biết sẻ chia. Họ là một người cụ thể, nhưng họ lại ẩn danh để có thể dễ dàng làm từ thiện. Có những người dù không ăn cơm, chỉ tạt qua quán một vài phút để treo ở đó vài phần cơm rồi lại tất tả rời đi. Bởi họ thấy hình thức từ thiện ấy hay và ý nghĩa, vừa giúp đỡ được người khó khăn, vừa hỗ trợ chủ quán bán được phần ăn, và hơn hết cũng chẳng cần lộ mặt.

Cuộc sống mưu sinh ở các thành phố lớn vẫn là sự nỗ lực của từng người. Có những người có hoàn cảnh khó khăn đã yên lòng hơn với nghĩa tình của cộng đồng. Và mô hình "cơm treo" ấy không chỉ mang ý nghĩa nhân văn cao cả, mà còn thể hiện lòng tử tế và sự chia sẻ của cộng đồng. Đó là một cách để những người có khả năng hỗ trợ kịp thời giúp đỡ những người gặp khó khăn với hy vọng làm cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Những mô hình "cơm treo" cần sự chung tay của cả cộng đồng để lan tỏa và trở nên phổ biến, từ đó tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn với sự đồng lòng và sẻ chia.

Tiêu Dao - Thiên Nam

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/an-tinh-giua-bon-be-lo-toan-i733868/