An tọa và ngồi xuống

Ngồi là một trong bốn trạng thái tĩnh cơ bản của con người: ngồi, đứng, nằm, quỳ...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nếu như khi ngủ, nằm sẽ là trạng thái lựa chọn chủ yếu thì khi thức, ngồi sẽ được coi là trạng thái/ tư thế/hình thức cơ bản nhất trong một ngày sinh hoạt/làm việc của một người bình thường. Ngồi trong sự lựa chọn của chủ thể là điều khá đơn giản và dễ dàng, không nảy sinh ra những vấn đề cần phải bàn cãi hay tranh luận. Ngồi chỉ trở nên phức tạp trong trường hợp hành động của người này được quyết định bởi một người khác hoặc chờ đợi hiệu lệnh của người khác. Đó cũng là cơ sở để nảy sinh ra hai sự lựa chọn khác nhau trong các diễn ngôn, khi người sử dụng ngôn ngữ lựa chọn cách nói: Mời quý vị an tọa hay Mời quý vị ngồi xuống.

Trước hết, có thể thấy chữ “an tọa” thường dùng chủ yếu cho môi trường tập thể, hướng đến số đông. Người ta chỉ nói “Mời quý vị an tọa” chứ không ai nói “Mời anh/chị an tọa”. Chữ tọa có nguồn gốc vay mượn từ tiếng Hán, chúng ta vẫn quen gọi những đơn vị như thế này là từ Hán Việt. Đặc điểm của lớp từ Hán Việt nói chung thường mang lại sắc thái trang trọng, cổ điển, lịch sự hơn nhiều so với cách gọi thuần Việt mang ý nghĩa tương đương. Chữ “an” đi cùng chữ “tọa” cũng mang ý nghĩa tích cực, chỉ sự bình an, yên ổn, nhẹ nhàng. Cả cụm từ “an tọa” trong câu “Mời quý vị an tọa” vì thế còn mang dáng dấp của một lời chúc tốt lành. Thế nên có thể thấy, chữ “an tọa” được sử dụng rất phổ biến trong các môi trường cơ quan, đoàn thể, họp hành, hội nghị, hội thảo, giao lưu, gặp mặt… với tính chất của những sự kiện được tổ chức một cách trang trọng, bài bản.

Ngược lại, “ngồi xuống” là cách nói/ cách diễn đạt thuần Việt, thường được sử dụng phổ biến trong hoàn cảnh giao tiếp hẹp, giữa cá nhân này với cá nhân kia. Người ta có thể dễ dàng nói “mời anh ngồi xuống đây” khi tiếp khách trong môi trường gia đình. Cách nói “mời ngồi xuống” là cách nói dân dã, xuề xòa, không cần chú trọng nhiều về hình thức, vì thế nó không mang sắc thái trang trọng, kiểu cách như an tọa. Trong môi trường quân đội/công an, chúng ta vẫn thường nghe thấy khẩu lệnh: “Tất cả ngồi xuống!". Đây cũng là một đặc thù mang tính chất khu vực nghề nghiệp riêng biệt, bởi Công an/Quân đội là môi trường mang tính kỷ luật rất cao và phải điều hành bằng ra lệnh/ mệnh lệnh. Thêm nữa, trong trường hợp ra khẩu lệnh cho những tù nhân hoặc nghi phạm, chắc chắn phải dùng chữ “ngồi xuống” để phân định rõ ràng hai vị trí xã hội khác biệt của người nói và người nghe chứ không thể dùng chữ “an tọa”.

Trong môi trường dân sự, đây đó chúng ta vẫn có thể bắt gặp cách nói “Mời đại biểu ngồi”, chẳng hạn như sau khi lễ chào cờ kết thúc. Nhưng nhìn chung, cách nói này đang bị cách nói “Mời quý vị an tọa” thay thế ngày càng nhiều bởi những giao tiếp trong môi trường công cộng luôn cần tạo ra sắc thái lịch sự trong mỗi diễn ngôn./.

TS. Đỗ Anh Vũ

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/an-toa-va-ngoi-xuong-151613