An toàn an ninh mạng trong quá trình chuyển đổi số
Đảm bảo an toàn thông tin, nhất là an toàn thông tin mạng là vấn đề thách thức lớn đối với các quốc gia và các doanh nghiệp ở bất kỳ lĩnh vực nào trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Năm 2025, an ninh mạng tiếp tục là một trong những vấn đề đối với Việt Nam. Với tốc độ phát triển của công nghệ và sự mở rộng của nền kinh tế số, nguy cơ từ các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng.
Chuyển đổi số sẽ tạo thói quen mới cho người dùng là cài đặt rất nhiều phần mềm trên các thiết bị điện thoại, máy tính. Nhiều phần mềm độc hại, có gắn mã độc sẽ trà trộn vào các kho ứng dụng, khiến cho khả năng thiết bị của người dùng bị kiểm soát, theo dõi, đánh cắp thông tin ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, các phần mềm phát triển nóng sẽ luôn tồn tại các lỗ hổng bảo mật, tin tặc có thể thông qua các lỗ hổng này để xâm nhập, kiểm soát thiết bị của người dùng từ xa.
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sáng lập Công ty Dream Partners chia sẻ: "Trong lúc làm việc, tôi nhận ra có những dữ liệu khách hàng của chúng tôi là vô cùng quan trọng và cần phải được công ty gìn giữ, bảo mật. Không có một giải pháp hoàn hảo cho bất cứ một doanh nghiệp nào và tự mỗi doanh nghiệp phải biết là mình cần cái gì. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam nếu sử dụng các sản phẩm nước ngoài của các công ty uy tín sẽ không đủ chi phí và cùng với đó là việc hỗ trợ tại Việt Nam cũng không được thuận tiện".
Mạng Internet tốc độ cao như wifi, 5G cũng có thể giúp tin tặc theo dõi, lấy cắp dữ liệu gần như trong thời gian thực. Điều này khiến cho các nạn nhân không có khả năng nhận biết sự bất thường khi điện thoại, máy tính bị kiểm soát. Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã khuyến cáo cả chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần chủ động nâng cao năng lực bảo mật, ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến và tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp lý về bảo vệ thông tin.
Chị Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công nghệ - Công ty Cổ phần Công nghệ mạng Lancs Việt Nam cho biết: "Thực tế, giải pháp của chúng tôi đã được trang bị cho một số doanh nghiệp lớn. Đặc biệt là trong một số doanh nghiệp có những dữ liệu rất quan trọng của khách hàng nên đòi hỏi về tính bảo mật rất cao. Chúng tôi đã chủ động phát hiện và ngăn chặn các xâm nhập, tấn công mạng cũng như các nguy cơ lộ lọt thông tin. Ngoài ra, về các tính năng mạng và các dịch vụ khác, chúng tôi cũng đã bổ sung để doanh nghiệp có thể tạo ra một hệ thống mạng riêng an toàn và lành mạnh".
Thúc đẩy chuyên gia nghiên cứu, phát triển, tự chủ về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng Việt Nam là giải pháp căn cơ bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có năng lực cao về bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
“Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/8/2022 là mảnh ghép quan trọng cuối cùng giúp hoàn thiện bức tranh tổng thể về một quốc gia số với các trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.