An toàn cho không gian xanh ở TP HCM

Sau nhiều sự cố liên tiếp xảy ra cho thấy hệ thống cây xanh ở TP HCM vẫn cần thêm nhiều giải pháp để bảo đảm mục tiêu an toàn, mỹ quan và bền vững do thành phố đề ra

Thách thức của cây xanh đô thị

Quá trình phát triển đô thị khiến cây xanh đang đối mặt với thực trạng phải "cạnh tranh" không gian sống với các công trình kiến trúc, công trình ngầm...

Những ngày này, công nhân của Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM đang tích cực kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh tại Công viên Tao Đàn (quận 1) và nhiều công viên khác trên địa bàn TP HCM.

Đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Liên tục xảy ra sự cố cây xanh

Nhiều thiết bị hiện đại và chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực cây xanh cũng được huy động để cùng tham gia kiểm tra, rà soát cây xanh. Động thái này được đưa ra sau khi tại Công viên Tao Đàn xảy ra sự cố một nhánh cây dầu bị gãy và rơi từ độ cao 25 m làm 2 người chết, 3 người bị thương hôm 9-8.

Sự cố cây xanh tại Công viên Tao Đàn khiến nhiều người dân lo lắng. Sau khi sự cố xảy ra, lượng người đến tập thể dục tại công viên giảm hẳn. Người dân khi đến đây đều tìm những khu vực thoáng, ít cây xanh hoặc cây thấp để tập thể dục. Bà Trần Thị Thanh Hoa (57 tuổi, ngụ quận 1) cho hay công viên là một trong những công trình phục vụ những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người dân. Hằng năm, thành phố chi kinh phí rất lớn để chăm sóc công viên, cây xanh. "Do đó, các đơn vị được giao nhiệm vụ phải làm hết trách nhiệm của mình để bảo đảm an toàn cho người dân" - bà Trần Thị Thanh Hoa mong muốn.

Nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM thu gom nhánh cây xanh bị gãy trong Công viên Tao Đàn sáng 9-8. Ảnh: ANH VŨ

Nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM thu gom nhánh cây xanh bị gãy trong Công viên Tao Đàn sáng 9-8. Ảnh: ANH VŨ

Từ đầu năm đến nay, TP HCM liên tiếp xảy ra những sự cố cây xanh bật gốc, gãy nhánh. Gần đây nhất, ngày 14-8, cây điệp tại nhà khách Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo (quận 3) bị gãy nhánh, chắn ngang vỉa hè, làn đường Võ Văn Tần. Dù sự cố không gây thiệt hại về người và tài sản nhưng càng dấy lên sự lo lắng cho người dân.

Ngày 14-6 có 3 cây xanh ngã đổ, lần lượt ở các vị trí trước Bệnh viên Nhi Đồng 1 (đường Lý Thái Tổ, quận 10), đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1). Ngày 16-6, một cây xanh trên đường Thành Thái (quận 10) bất ngờ bật gốc.

Tương tự, trong tháng 7 cũng xảy ra nhiều sự cố cây xanh. Cụ thể, ngày 14-7, cây dầu lâu năm trên đường Ngô Gia Tự (quận 10) bất ngờ gãy ngang thân, đè lên nóc ô tô 7 chỗ đang lưu thông qua khu vực. May mắn, 6 người ngồi trong xe không bị thương. Cũng trong ngày 14-7, cổ thụ đối diện cổng TAND TP HCM (phường Bến Nghé, quận 1) gãy ngã ra đường khiến cơ quan chức năng phong tỏa 100 m đường (từ giao lộ Lý Tự Trọng - Chu Mạnh Trinh đến Lý Tự Trọng - Tôn Đức Thắng) để xử lý sự cố.

Vì sao cây ngã đổ, gãy nhánh?

Theo thống kê, hiện nay, trên toàn địa bàn TP HCM có hơn 300.000 cây xanh. Trong số này, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật (TTQLHTKT) thuộc Sở Xây dựng quản lý 117.641 cây xanh.

TTQLHTKT cho biết hiện nay, công tác quản lý, chăm sóc cây xanh đối mặt với nhiều thách thức. Theo đó, quá trình phát triển đô thị khiến cây xanh đang đối mặt với thực trạng phải "cạnh tranh" không gian sống với các công trình kiến trúc, công trình ngầm, điện lực, công trình nhà… TTQLHTKT nhìn nhận đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho khả năng sinh trưởng, sức chống chịu của cây xanh đô thị ngày càng kém, tăng nguy cơ rủi ro về sự cố cây xanh.

Ngoài ra, TP HCM có gần 11.000 cổ thụ. Đây là các cây xanh được trồng từ lâu cùng với sự hình thành của đô thị. Trong số này có các loài đặc trưng vùng miền và cũng là đặc trưng của TP HCM như sao đen, dầu rái. "Việc ứng xử hài hòa, phù hợp giữa công tác bảo tồn những di sản xanh này và bảo đảm an toàn là một trong những khó khăn mà cơ quan quản lý đang phải đối mặt. Về lâu dài, cơ quan quản lý cần xây dựng định hướng thay thế, cải tạo các cây xanh già cỗi, có xét đến việc bảo tồn cổ thụ trên địa bàn thành phố" - TTQL HTKT thông tin.

TTQLHTKT cho biết nguyên nhân cơ bản dẫn đến các sự cố cây xanh là do quá trình đô thị hóa dẫn đến gia tăng việc xây dựng, bê-tông hóa các khối công trình cao tầng trong đô thị làm thay đổi hướng gió, gia tăng sức gió (hiệu ứng đường hầm). Đồng thời, với việc gia tăng xây dựng các công trình ngầm cũng ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của hệ rễ cây xanh.

Diễn biến bất thường của yếu tố thời tiết (mưa giông, gió giật, triều cường gây ngập úng, tình trạng khô hạn, nắng nóng kéo dài) hay các thay đổi khác về môi trường (suy giảm mực nước ngầm, gia tăng ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí…) tác động rất lớn đến khả năng sinh trưởng, phát triển và sức chống chịu của cây xanh. TTQLHTKT xác định đây cũng là một trong những nguyên nhân chính, phổ biến của tình trạng ngã đổ, rơi gãy nhánh cây xanh trên địa bàn thành phố thời gian qua.

Một nguyên nhân khác cũng được TTQLHTKT chỉ ra đó là các hành vi xâm hại, phá hoại cây xanh cố ý hoặc do sự thiếu ý thức của một bộ phận cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân, các đơn vị khi thi công dự án, công trình trong đô thị.

Tìm cách "khám bệnh" hiệu quả nhất

Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM cho biết trước mùa mưa bão, đơn vị này tăng cường việc mé nhánh lấy nhánh khô... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự cố cây xanh xảy ra. Cạnh đó, công ty cũng tuần tra hằng ngày, thường xuyên kiểm tra hệ thống cây xanh đường phố và trong công viên nhằm phát hiện các khiếm khuyết, hư hại... Từ đó, đề xuất xử lý nhằm bảo đảm an toàn và mỹ quan đô thị. Đơn vị này cũng cho biết việc phát hiện các khiếm khuyết cây xanh đô thị chủ yếu bằng kinh nghiệm, chuyên môn thực tiễn của công ty.

Nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM rà soát, kiểm tra cây xanh sau sự cố cây xanh ở Công viên Tao Đàn hôm 9-8. Ảnh: LÊ VĨNH

Công ty đã từng bước đầu tư trang bị máy kiểm tra khuyết tật cây xanh. Đây là thiết bị đo điện trở cơ học, được vận hành bằng động cơ khoan, một kim dài, mỏng được đưa vào khúc gỗ hoặc cây xanh có cấu trúc để biết được mật độ của nó, thường là để hình dung các khuyết tật của gỗ... Tuy nhiên, các phép đo không tự giải thích được "bệnh" của cây xanh, việc đánh giá đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm. Vì vậy, công ty đang từng bước phối hợp các nhà khoa học chuyên ngành để thử nghiệm trên những chủng loại cây ở TP HCM nhằm thu thập cơ sở dữ liệu phục vụ các bước phân tích, xây dựng quy trình đánh giá trên cơ sở khoa học. Từ đó, phục vụ cho công tác quản lý cây xanh được tốt hơn.

"Nói cụ thể hơn, kết quả phân tích đánh giá cần được kiểm tra một cách khoa học trên mẫu số đủ lớn để xây dựng đường chuẩn chính xác và việc phê duyệt quy trình chăm sóc - đánh giá cây xanh đô thị bằng phương pháp mới. Và phương pháp này cần được sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền trước khi ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn" - đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM cho hay.

(Còn tiếp)

LÊ VĨNH - ÁI MY

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/an-toan-cho-khong-gian-xanh-o-tp-hcm-196240821211840734.htm