An toàn của con trẻ
Khi mà nhiều trẻ em náo nức đón Tết đầm ấm bên gia đình, thì thi thể bé Hạo Nam vẫn nằm lạnh lẽo trong trụ bê tông rỗng cắm sâu 35m vào lòng đất.
Sau hơn nửa tháng bé trai 10 tuổi ở Đồng Tháp bị lọt vào trụ bê tông, đội cứu hộ vẫn chưa thể đưa được thi thể bé lên. Hạo Nam gặp tai nạn khi lượm lặt sắt vụn trong công trường xây dựng cùng bạn bè. Sự cố đã khiến hàng triệu con tim xót thương cho cuộc đời ngắn ngủi của cậu bé.
Hạo Nam không may mắn như bé gái 5 tuổi ở Đồng Nai. Bé gái này trượt chân rơi xuống hố cọc ép bê tông sâu hơn 10 mét trong công trình đang thi công ngày 20/12/2022 và đã được cứu thoát.
Hai vụ việc trên xảy ra chưa lâu thì tối 4/1, một bé gái đang chơi xe cút kít trước cửa nhà (Bắc Giang) đã lao xuống cống thoát nước chưa được che chắn. May mắn hơn Hạo Nam, bé đã được cứu sống khi mới bị nước cuốn trôi khoảng 10 mét.
Tiếp đó, ngày 13/1, một bé gái 9 tuổi ở Lào Cai đã rơi từ tầng 2 xuống mắc kẹt tại khe tường rộng khoảng 25 cm giữa hai ngô nhà. Sau gần 30 phút tiến hành khoan đục, cắt tường, cháu bé đã được giải cứu khỏi khe nhà an toàn.
Rồi khi Tết gần đến, trẻ em bị thương tích do pháo nổ, bỏng cồn cũng phổ biến hơn.
Những ví dụ trên chỉ là một vài trong rất nhiều trường hợp trẻ em gặp tai nạn ở Việt Nam. Có những em may mắn khi sức khỏe không bị tổn hại nhiều, nhưng có những em đã bị thương tật vĩnh viễn, thậm chí mãi mãi rời xa thế giới khi tuổi còn rất nhỏ.
Tại Việt Nam, thống kê cho thấy mỗi năm trung bình có trên 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp một năm, chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Cứ 100.000 trẻ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày. Tai nạn thương tích là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và gây ra những biến chứng trầm trọng ở trẻ cả về sức khỏe và về tình thần.
Những vụ việc nghiêm trọng như vụ của bé Hạo Nam cũng như những cái chết thương tâm của nhiều trẻ em khác lẽ ra có thể ngăn ngừa, hoặc chí ít là giảm thiểu được bằng tinh thần trách nhiệm, sự cẩn trọng của người lớn.
Nhưng như trong nhiều vấn đề khác, chỉ sau khi xảy ra các vụ việc đáng tiếc với trẻ em thì người lớn mới bắt đầu rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, kiểm tra, rà soát, siết chặt, bịt những lỗ hổng lẽ ra phải bịt từ lâu.
Tại tỉnh Đồng Tháp, nơi bé Hạo Nam gặp nạn, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có công văn khẩn để chỉ đạo tăng cường công tác an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn. UBND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động, đồng thời chủ động tự kiểm tra, kịp thời phát hiện, khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót.
Tại Quảng Nam, chủ đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng đường bộ trên địa bàn tỉnh có nhiều văn bản đôn đốc nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát tuân thủ quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.
Tại TP. Hồ Chí Minh, lực lượng thanh tra sở đã phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm soát nghiêm ngặt các công trình xây dựng từ khi khởi công đến lúc nghiệm thu.
Tại Hà Nội, UBND đã có văn bản về việc tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tuyệt đối trong quá trình thi công các công trình, dự án đầu tư, không để sự cố tương tự ở Đồng Tháp xảy ra.
Những động thái nói trên, lẽ ra phải được người lớn thực hiện thường xuyên, chứ không phải đợi tới khi “mất bò mới lo làm chuồng”.
Tuy nhiên, nếu chỉ phòng ngừa tai nạn cho trẻ em, dù là chủ động hoặc bị động sau mỗi vụ việc là chưa đủ. Người lớn, cụ thể là giáo viên, là cha mẹ, là những người có liên quan, cần phải trang bị cho trẻ em những kỹ năng, kiến thức cần thiết để các em tự biết bảo vệ mình trong nhiều tình huống thực tế. Ví dụ như phải nhận biết được môi trường nguy hiểm, hành vi nguy hiểm để tránh xa.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Giáo dục, Việt Nam có tới 83% học sinh thiếu kỹ năng mềm. Do đó, trang bị cho các em các kỹ năng này càng trở nên cấp thiết.
Đến đây, câu chuyện lại quay trở về vấn đề muôn thuở là hạn chế trong hệ thống giáo dục. Khi mà cán cân giáo dục luôn đặt nặng kiến thức học thuật, coi nhẹ hoặc chưa coi trọng đúng mức giá trị của kỹ năng sống, thì trẻ em có thể gặp rủi ro, nguy cơ ở bất kỳ nơi nào, kể cả nơi tưởng như an toàn là nhà.
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/an-toan-cua-con-tre-20230116083606562.htm