An toàn giao thông: Không bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe lái xe

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 36/2024/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.

Tại thông tư này có một số điểm mới như: Không bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn, giấy khám sức khỏe có giá trị sử dụng 12 tháng thay vì 6 tháng như hiện nay, bỏ yêu cầu khám thai sản trong quy trình khám sức khỏe lái xe... Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), do các quy định hướng dẫn Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có những điểm mới, như thay đổi phân hạng giấy phép lái xe, thêm đối tượng là người điều khiển xe máy chuyên dùng, do đó Bộ Y tế phải xây dựng lại tiêu chuẩn sức khỏe cho phù hợp.

Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 14 tiến hành kiểm tra nồng độ cồn với các tài xế lái xe khách. Ảnh: PHẠM HƯNG

Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 14 tiến hành kiểm tra nồng độ cồn với các tài xế lái xe khách. Ảnh: PHẠM HƯNG

Theo Thông tư số 36/2024/TT-BYT, người có giấy phép lái xe đã được cấp trước ngày 1-1-2025 nếu có nhu cầu đổi, cấp lại giấy phép lái xe từ hạng A1 sang giấy phép lái xe hạng A thì áp dụng tiêu chuẩn sức khỏe Nhóm 1 để khám sức khỏe. Đối với người khuyết tật, đề nghị cấp giấy phép lái xe hạng A1 hoặc cấp giấy phép lái xe hạng B không phải khám chuyên khoa cơ xương khớp.

Về xét nghiệm ma túy và nồng độ cồn khi khám sức khỏe cấp đổi giấy phép lái xe, thông tư mới không bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn 100%, mà chỉ yêu cầu xét nghiệm nồng độ 5 loại ma túy. Việc xét nghiệm nồng độ cồn được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ nghi ngờ.

Việc khám sức khỏe định kỳ với người hành nghề lái xe ô tô, yêu cầu bắt buộc xét nghiệm cả nồng độ cồn và ma túy (5 loại ma túy thay cho 4 loại như quy định hiện hành). Bỏ quy định xét nghiệm nồng độ cồn trong quá trình khám sức khỏe sẽ mang lại một số lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội, giúp giảm chi phí cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính cấp đổi giấy phép lái xe. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ giảm bớt thủ tục hành chính phức tạp, giúp người dân không phải mất thời gian và công sức thực hiện những xét nghiệm không thực sự cần thiết. Điều này cũng giúp giảm tải cho các cơ sở khám, chữa bệnh, giảm bớt sự quá tải trong việc xử lý hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe.

Một điểm mới đáng lưu ý nữa ở Thông tư số 36/2024/TT-BYT là quy định về cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng. Cấu trúc dữ liệu kết quả khám sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng gồm: Phần hành chính; tên cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe; ngày khám sức khỏe; kết quả xét nghiệm ma túy; kết luận về tình trạng sức khỏe.

AN AN

* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/an-toan-giao-thong-khong-bat-buoc-xet-nghiem-nong-do-con-khi-kham-suc-khoe-lai-xe-805240