An toàn lao động cần được siết chặt

Bảo đảm quyền của người lao động (NLĐ) được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động đã được pháp luật quy định đầy đủ.

Người sử dụng lao động cần tuân thủ các quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, người lao động cần nâng cao hiểu biết về an toàn lao động, quyền và lợi ích của mình, chủ động tự bảo vệ bản thân.

Nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra gây hậu quả rất nghiêm trọng như vụ TNLĐ xảy ra ngày 25/5/2020 tại dự án Thủy điện Plei Kần, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) khiến 6 công nhân bị nạn (3 người chết, 3 người bị thương); vụ TNLĐ tại Nhà máy Chế biến gỗ xuất khẩu Kiều Thi, thuộc Công ty TNHH MTV Kiều Thi Junma, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) ngày 10/6/2020 làm 3 người chết, 20 người bị thương; vụ TNLĐ xảy ra ngày 14/5/2020 tại công trình xây dựng nhà máy của Công ty cổ phần AV Healthcare, Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) làm 10 người chết, 14 người bị thương.

Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng khiến 4 người tử vong tại công trình 16 Nguyễn Công Trứ, Hà Nội.

Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng khiến 4 người tử vong tại công trình 16 Nguyễn Công Trứ, Hà Nội.

Hay như vụ TNLĐ sập giàn giáo tại công trình xây dựng số 16, phố Nguyễn Công Trứ, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội xảy ra tối 30/7/2020, khiến 4 người chết. Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định là do gãy thiết bị sàn treo nâng người khiến cả 4 người và vật liệu xây dựng rơi từ tầng 6 xuống đất. Hầu hết các nạn nhân là lao động phổ thông, hợp đồng lao động thời vụ dưới 1 tháng và không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Cả 4 nạn nhân đều là lao động chính, trụ cột trong gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Nạn nhân Nguyễn Thế Bồng, sinh năm 1956, ở thôn Bài Trượng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có con trai bị thiểu năng trí tuệ, thường xuyên đau yếu, phải chữa trị lâu dài. Mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình và tiền chạy chữa cho con đều do ông Bồng gánh vác. Tai nạn ập đến, cả gia đình ông mất đi trụ cột.

Căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, dột nát, xiêu vẹo nhưng không có tiền sửa chữa, con đau ốm không có tiền thuốc men, gia cảnh nghèo khó nay càng nghèo hơn. Hoàn cảnh của 2 mẹ con nạn nhân Cao Thị Thúy, sinh năm 1968 và con trai Đặng Đình Thắng, sinh năm 1992, ở xã Vân La, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cũng rất thương tâm. Cuộc sống khó khăn, 2 mẹ con bà Thúy phải lên thành phố làm thuê, kiếm tiền nuôi gia đình. Tai nạn lao động xảy ra, bà Thúy mất đi để lại bố mẹ già yếu, còn anh Thắng để lại vợ và 2 con nhỏ, hơn 3 tuổi và 6 tháng tuổi...

Những năm trước, TNLĐ thường xảy ra ở các ngành nghề xây dựng, khai thác khoáng sản, cơ khí, thì gần đây lại xảy ra ở cả những ngành nghề tưởng chừng ít nguy hiểm như dịch vụ thương mại, sản xuất giày dép, sản xuất giấy, chế biến và bảo quản lâm sản, thủy sản.

Điều này cho thấy ở bất kỳ lĩnh vực ngành nghề nào cũng có thể xảy ra TNLĐ nếu các yếu tố về an toàn lao động không được coi trọng. Phần lớn các vụ TNLĐ đều xuất phát từ nguyên nhân người sử dụng lao động chưa quan tâm đúng mức vấn đề an toàn lao động, không tập huấn các kỹ năng cần thiết, trang bị thiết bị an toàn cho NLĐ, buông lỏng kiểm tra, giám sát, trong khi những hiểu biết, ý thức chấp hành quy định về an toàn lao động của NLĐ còn hạn chế.

Nhiều doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động chỉ quan tâm đến sản xuất và lợi nhuận, nhiều NLĐ khi biết rõ công việc nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn cứ làm. Khi tai nạn xảy ra, các đơn vị, cơ quan liên quan đều có đánh giá, rút kinh nghiệm nhưng vẫn không khắc phục được, TNLĐ vẫn xảy ra có khi cùng một nguyên nhân với vụ TNLĐ đã xảy ra trước đó. Hậu quả cuối cùng NLĐ phải gánh chịu.

Việc coi thường điều kiện an toàn, vệ sinh trong lao động tất yếu dẫn đến hậu quả là TNLĐ và bệnh nghề nghiệp. Để giảm TNLĐ, ngoài ý thức tự bảo vệ, chấp hành kỷ luật, quy trình lao động của NLĐ, việc tuân thủ quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của chủ sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp, vẫn rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Chỉ khi nào việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trở thành thói quen, kỹ năng làm việc, hành vi văn hóa trong doanh nghiệp thì khi đó công tác an toàn lao động mới được bảo đảm.

Minh Quốc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/an-toan-lao-dong-can-duoc-siet-chat-n187327.html