An toàn lao động: Loại trừ nguy cơ, giảm thiểu rủi ro

Tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra khiến nhiều nạn nhân tử vong hoặc để lại thương tật suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chủ động phòng ngừa là cách tốt nhất bảo vệ sức khỏe, tránh thiệt hại cho bản thân người lao động và doanh nghiệp.

Gia tăng tai nạn vì bất cẩn

Những ngày nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, thay vì được quây quần cùng người thân thì chị L.T.X, ở xã Sơn Hải (Lục Ngạn) lâm vào cảnh "thập tử nhất sinh" phải điều trị trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chị X phụ xây dựng một công trình trên địa bàn xã, do bất cẩn đã ngã từ độ cao gần 4 m dẫn đến đa chấn thương, vùng mặt sưng tấy, gãy 2 tay.

Chị L.T.X phải điều trị chấn thương do TNLĐ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Chị L.T.X phải điều trị chấn thương do TNLĐ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Là phụ xây gần chục năm theo cánh thợ trong xã và thường xuyên phải làm việc ở trên cao nhưng chẳng mấy khi chị sử dụng đồ bảo hộ. Lần này cũng vậy. Giờ đây chị ân hận vì đã chủ quan, coi nhẹ công tác bảo đảm an toàn khi làm việc thì đã muộn. Các bác sĩ cho biết sau khi phẫu thuật, xử trí các vết thương, chị X phải mất ít nhất 6 tháng điều trị, nghỉ ngơi mới có thể hồi phục. Tuy vậy do sức khỏe giảm sút nên chị không thể lao động như trước.

Trường hợp như chị X vẫn còn may mắn giữ được tính mạng. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mặc dù các cấp, ngành và chủ sử dụng lao động đã triển khai tích cực nhiều biện pháp phòng ngừa song năm 2022 toàn tỉnh vẫn xảy ra 125 vụ TNLĐ, cao nhất trong 3 năm (2020, 2021, 2022) làm 7 người chết, nhiều người bị thương. 8 tháng năm nay có 41 vụ TNLĐ xảy ra, làm 3 người chết. Những lĩnh vực hay xảy ra TNLĐ nặng là: Xây dựng, khai thác khoáng sản, cơ khí.

Năm 2022 toàn tỉnh xảy ra 125 vụ TNLĐ, cao nhất trong 3 năm (2020, 2021, 2022) làm 7 người chết, nhiều người bị thương. 8 tháng năm nay có 41 vụ tai nạn xảy ra, làm 3 người chết. Những lĩnh vực hay xảy ra TNLĐ nặng là: Xây dựng, cơ khí, khai thác khoáng sản.

Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động, đối với các vụ TNLĐ làm 2 người trở lên bị thương nặng hoặc làm chết người, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thành lập đoàn liên ngành cấp tỉnh tổ chức điều tra làm rõ sai phạm, bảo đảm quyền lợi cho người lao động theo quy định.

Những vụ TNLĐ làm 1 người bị thương nặng hoặc mức độ nhẹ do đơn vị sử dụng lao động thành lập tổ điều tra, xác minh cấp cơ sở. Như vậy, số vụ và số người bị thương tích do TNLĐ gây ra trên thực tế sẽ có thể cao hơn nếu người lao động làm việc thời vụ không có hợp đồng lao động, chủ sử dụng không khai báo hoặc báo cáo không đầy đủ với cơ quan chức năng.

Cấp cứu xử lý thương tích cho nạn nhân bị TNLĐ trở thành nỗi ám ảnh đối với nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Thống kê sơ bộ của Khoa Ngoại chấn thương, từ đầu năm đến nay Khoa đã tiếp nhận hơn 30 ca bệnh. Có trường hợp bị mất bàn tay, ngón tay hoặc ngón chân do máy cưa gỗ, máy ép phế liệu, dao phay cắt cỏ, cắt gọt kim loại gây ra.

Trong số đó có rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi từ 18-40, là lao động chính của gia đình. Dù được các bác sĩ cấp cứu giữ lại tính mạng song sức khỏe không còn như trước, thậm chí mọi sinh hoạt trong phần đời còn lại phải gắn liền với xe lăn hoặc giường bệnh. Thêm vào đó là họ không thể lao động làm ra của cải, thu nhập trang trải cho bản thân, gia đình mà còn trở thành gánh nặng cho người thân.

Nỗi đau không thể bù đắp

Mặc dù được giải quyết chế độ bảo hiểm TNLĐ, thăm hỏi, động viên song nỗi đau mất người thân hoặc thương tật, suy giảm sức khỏe vĩnh viễn do TNLĐ thì không gì có thể bù đắp. Hơn một năm sau vụ tai nạn, anh D.H.N, quê ở huyện Lục Nam là công nhân một doanh nghiệp ở huyện Việt Yên vẫn chưa hết bàng hoàng. Trong lúc làm việc, anh sơ sẩy để cồn bắt lửa bị bỏng nặng. Đang là lao động chính trong nhà, giờ đây anh N chỉ có thể làm việc nhẹ, còn lại phải nhờ người thân hỗ trợ.

Trực tiếp tham gia điều tra các vụ TNLĐ, ông Nguyễn Khắc Điều, Phó trưởng Ban Chính sách (Liên đoàn Lao động tỉnh) chia sẻ, ông chứng kiến nhiều trường hợp hoàn cảnh rất đau lòng. Có người mẹ đau đớn, thẫn thờ vì đột ngột mất đi người con trai duy nhất. Hay ở Hiệp Hòa có gia đình cả hai mẹ con cùng gặp TNLĐ thương tâm.

Đáng lo ngại, gần đây số vụ công nhân, viên chức, người lao động bị tai nạn giao thông trong quá trình từ nhà đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nhà gia tăng đến mức báo động. Nếu như năm 2022, toàn tỉnh có 16 vụ làm 17 người chết, 1 người bị thương thì từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 21 vụ làm 21 người tử vong. Những trường hợp trên đều được cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, đề nghị giải quyết chế độ bảo hiểm TNLĐ.

Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay: “Qua phân tích, điều tra nguyên nhân của các vụ TNLĐ cho thấy, phần nhiều có sự chủ quan của người lao động và chủ sử dụng lao động khi vi phạm về quy chuẩn kỹ thuật, chưa có biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình làm việc.

Quan sát tại một số doanh nghiệp và nhiều công trình xây dựng, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, vẫn còn tình trạng người lao động làm việc ở trên cao hoặc trực tiếp tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, độc hại (cắt gọt kim loại, hàn xì...) nhưng không sử dụng phương tiện bảo hộ. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động chưa chú trọng kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa yếu tố nguy hiểm tiềm ẩn gây TNLĐ tại nơi sản xuất; thiếu quan tâm việc tổ chức huấn luyện công tác an toàn cho người lao động”.

Ngành nghề nào cũng có những rủi ro nhất định tác động đến sức khỏe người làm việc, nhất là ở lĩnh vực có yếu tố nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại như xây dựng, cơ khí, khai thác khoáng sản. Không chỉ ảnh hưởng riêng với người lao động, TNLĐ còn gây ra những thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khi tốn kém chi phí lại mất nhân lực sản xuất, uy tín bị ảnh hưởng.

Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền, ngành chức năng các cấp cần được tăng cường, thực hiện thường xuyên; kiên quyết yêu cầu chủ sử dụng và người lao động chấp hành nghiêm quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Hơn ai hết người lao động trước khi làm việc phải chủ động có phương án bảo vệ bản thân, loại trừ yếu tố nguy hại xung quanh để giữ an toàn cho mình; thực hiện quyền yêu cầu chủ sử dụng lao động bảo đảm an toàn hoặc từ chối làm việc nếu các yếu tố an toàn lao động không được bảo đảm.

Bài, ảnh: Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/411599/an-toan-lao-dong-loai-tru-nguy-co-giam-thieu-rui-ro.html