An toàn lao động tại làng nghề: Vấn đề không xem nhẹ
PTĐT - Hiện nay, toàn tỉnh có 75 làng nghề hoạt động ổn định, giải quyết việc làm tại chỗ cho trên 20.000 lao động. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế và việc làm, một số làng nghề đang phải đối diện với nguy cơ mất an toàn lao động ...
PTĐT - Hiện nay, toàn tỉnh có 75 làng nghề hoạt động ổn định, giải quyết việc làm tại chỗ cho trên 20.000 lao động. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế và việc làm, một số làng nghề đang phải đối diện với nguy cơ mất an toàn lao động (ATLĐ), ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người lao động. Trước thực trạng này, rất cần sự quan tâm, vào cuộc tích cực hơn nữa của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn lao động tại làng nghề.
Xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao lâu nay nổi tiếng với làng nghề nuôi rắn hổ mang phì - một trong những nghề được đánh giá là nguy hiểm nhất tại Việt Nam. Dẫn chúng tôi đi thăm quan một số hộ nuôi rắn trong làng, ông Nguyễn Hữu Thuật- Trưởng làng nghề chăn nuôi và chế biến rắn cho biết: “Toàn xã có hơn 340 hộ nuôi rắn. Hộ nuôi ít vài trăm con, nhiều thì 1.000-2.000 con. Thu nhập từ bán trứng rắn và rắn thịt giúp nhiều gia đình làm giàu. Doanh thu trung bình từ rắn mang lại đạt khoảng 150 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động trong xã”. Dẫu biết nghề nuôi rắn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn bất kỳ lúc nào, nhưng hàng trăm hộ nuôi vẫn quyết gắn bó với nghề. Vừa đưa tay bắt con rắn dài khoảng 2 mét, được nhốt trong chuồng, ông Khổng Văn Thắng ở khu 2 vừa giới thiệu về quy mô chuồng trại với 500 con rắn. Ông nói: “Nghề nuôi rắn hổ mang phì đem lại thu nhập cao nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm với nọc độc có khả năng gây chết người cao, chỉ đứng sau loài hổ chúa. Nọc độc của rắn phun vào mắt có thể gây mù lòa, nếu bị rắn cắn nhẹ thì cũng bị hoại tử còn nặng thì mất mạng. Vào mùa đẻ trứng và phối giống khoảng từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, rắn rất hung dữ. Chăm sóc rắn vào giai đoạn này được xem là lúc vất vả và nguy hiểm nhất”. Để hạn chế tai nạn xảy ra, nhiều người đã trang bị kìm cho rắn ăn, găng tay, kính mắt. Tuy nhiên, găng tay ít được người dân làng nghề sử dụng vì dùng găng tay vừa dày vừa vướng, cầm con rắn không thật tay, rất dễ bắt trượt. Khi ấy rắn lao vào cắn sẽ nguy hiểm hơn nên vẫn thường dùng tay không bắt rắn.
Khi được hỏi về những tai nạn nghề nghiệp thường gặp phải khi nuôi rắn, ông Thuật cho biết: “Trong làng nghề đã có 2 người phải bỏ mạng vì rắn cắn. Nhiều người phải tháo khớp tay vì hoại tử ở vết rắn cắn. Có người bị rắn cắn vào chân bị hoại tử, chữa chạy khắp nơi tốn kém hàng trăm triệu mới khỏi. Do chủ quan, không đảm bảo an toàn khi lao động nên vẫn thường có những tai nạn đáng tiếc xảy ra đối với những người dân nơi đây, nhẹ thì mất ngón tay, ngón chân, còn nặng thì mất mạng. Chỉ tính riêng năm 2019, trong làng nghề nuôi rắn ở Tứ Xã đã có khoảng 30 người bị rắn cắn, trong đó nhiều trường hợp phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai tốn kém hàng chục triệu đồng”. Không chỉ Làng nghề rắn luôn tiềm ẩn mất an toàn lao động mà trong nhiều làng nghề hiện nay an toàn lao động cũng là vấn đề cần quan tâm. Trên thực tế, tai nạn lao động thường để lại hậu quả rất nặng nề, dẫn đến mất khả năng làm việc, thậm chí ảnh hưởng tính mạng con người. Hẳn nhiều người còn nhớ vào cuối năm 2018, ở các làng nghề chế biến lâm sản thuộc huyện Hạ Hòa và Đoan Hùng liên tiếp xảy ra 4 vụ tai nạn lao động tại xưởng bóc gỗ. Trong đó, có nạn nhân tuổi còn trẻ đã bị mất khả năng lao động do máy bóc vỏ gỗ lột gần như toàn bộ da vùng ngực, bụng, bộ phận sinh dục, hai đùi, hai bên cánh tay, gãy nhiều xương sườn, sập xương ức, suy hô hấp. Điểm chung của các vụ tai nạn đều do sự chủ quan của người lao động và chủ sử dụng lao động khi họ chưa ý thức được hậu quả của tai nạn lao động, dẫn tới việc chủ sử dụng lao động chưa xây dựng, niêm yết các nội quy, quy trình vận hành các loại máy hoặc cảnh báo mối nguy hiểm để người lao động phòng tránh; xem nhẹ công tác huấn luyện ATLĐ cho người lao động; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân chưa phù hợp.
Trong số 75 làng nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay, nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm sản và thủ công mỹ nghệ tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn trong sản xuất. Nhiều làng nghề thuộc các nhóm này cơ bản chưa đạt yêu cầu về điều kiện làm việc; bảo hộ lao động và an toàn vệ sinh lao động. Việc tuyên truyền, phổ biến hoặc huấn luyện cho người lao động quy định, nội quy, quy trình về ATLĐ trong làng nghề chưa nhiều, thậm chí có làng nghề chưa tổ chức tập huấn về ATLĐ. Cách phòng ngừa chủ yếu là do người dân tự làm rồi tự rút kinh nghiệm. Bà Nguyễn Hiển Ngọc - Trưởng phòng Việc làm, ATLĐ (Sở LĐ-TB&XH) nhận định về một số nguyên nhân chính dẫn đến tiềm ẩn mất ATLĐ như: Tại một số làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hiện nay có nhà xưởng, thiết bị sản xuất phần lớn đã cũ, lạc hậu, mua lại hoặc chưa có điều kiện để mua sắm mới, trình độ công nghệ thấp. Mặt khác, người sử dụng lao động và người lao động còn thiếu hiểu biết pháp luật về ATVSLĐ, sử dụng các loại thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt chưa được kiểm định.Mặc dù Phú Thọ không thuộc danh sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số vụ tai nạn lao động chết người nhiều nhất, song bên cạnh những việc đã làm được, công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế. Người đứng đầu một số cơ sở sản xuất, chủ hộ kinh doanh chưa quan tâm đúng mức đến công tác ATVSLĐ, trong đó có các làng nghề. Nhiều làng nghề chưa thực hiện khám sức khỏe định kỳ, huấn luyện ATVSLĐ, khai báo về tai nạn lao động. Tình hình tai nạn lao động có nhiều phức tạp, đặc biệt tai nạn lao động chết người vẫn xảy ra. Trong 3 năm, toàn tỉnh xảy ra 29 vụ tai nạn lao động thuộc thẩm quyền điều tra cấp tỉnh khiến 29 người tử vong, 4 người bị thương nặng. Trước thực trạng trên, để tăng cường công tác ATVSLĐ và cải thiện môi trường khu vực làng nghề, năm 2019, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức 4 lớp tuyên truyền thực hiện pháp luật về ATVSLĐ cho trên 300 lao động làm việc không theo hợp đồng tại làng nghề mộc xã Tuy Lộc (huyện Cẩm Khê), làng nghề mộc Minh Đức, xã Thanh Uyên (huyện Tam Nông); làng nghề chế biến lâm sản xã Hà Lương (huyện Hạ Hòa) và làng nghề sản xuất bún bánh xã Hùng Lô (TP. Việt Trì). Nhằm chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp chế biến gỗ, năm 2019, Sở cũng đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động trong đó có công tác ATVSLĐ tại 9 doanh nghiệp trên địa bàn. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những mặt còn tồn tại, đồng thời kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm. Tại các làng nghề, người sử dụng lao động, người lao động cần chấp hành nghiêm các quy định về ATVSLĐ tại nơi làm việc; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, tuân thủ của người sử dụng lao động, người lao động về công tác ATVSLĐ. Tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát, phát hiện những nguy cơ mất ATVSLĐ tại nơi làm việc; xây dựng kế hoạch phòng ngừa ngay tại các phân xưởng, tổ, đội sản xuất, thực hiện nghiêm túc việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật. Tăng cường kiểm tra hướng dẫn công tác ATVSLĐ trong việc sử dụng máy, thiết bị trong các làng nghề, đồng thời tăng cường sự tham gia của các cấp chính quyền, người dân trong công tác xã hội hóa ATVSLĐ và bảo vệ môi trường; khuyến khích triển khai áp dụng mô hình quản lý ATVSLĐ tại khu vực làng nghề theo phân cấp. Thực hiện tốt các giải pháp trên, các làng nghề mới phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.