An toàn thực phẩm - mối lo của nhiều quốc gia

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu vết của nhựa và các chất phụ gia của nhựa trong cá, thịt đỏ, thịt gà, gạo, nước và sản phẩm tươi sống ở Australia.

Tìm thấy dấu vết của nhựa và các chất phụ gia của nhựa trong cá, thịt đỏ, thịt gà, gạo, nước và sản phẩm tươi sống ở Australia. Ảnh minh họa: TTXVN

Tìm thấy dấu vết của nhựa và các chất phụ gia của nhựa trong cá, thịt đỏ, thịt gà, gạo, nước và sản phẩm tươi sống ở Australia. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo nghiên cứu được cơ quan khoa học quốc gia Australia - Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) - công bố mới đây, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu vết của nhựa và các chất phụ gia của nhựa trong cá, thịt đỏ, thịt gà, gạo, nước và sản phẩm tươi sống ở Australia.

Ông Jordi Nelis, nhà hóa học phân tích thuộc CSIRO, chuyên gia an toàn thực phẩm và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết những phát hiện này cho thấy nhựa có thể là mối đe dọa đối với an ninh và an toàn thực phẩm trên toàn cầu.

Nghiên cứu phát hiện nhựa xâm nhập chuỗi thức ăn của con người không chỉ thông qua tiêu thụ thức ăn như ăn cá nuốt phải nhựa, mà còn thông qua quá trình chế biến và đóng gói thực phẩm.

Ông Nelis nêu rõ máy móc, thớt và bao bì nhựa đều có thể lắng vi nhựa và nhựa nano trong khâu chế biến và đóng gói thực phẩm trước khi tới tay người tiêu dùng. Nghiên cứu này nhấn mạnh sự cần thiết phải hiểu cách thức nhựa có thể tồn tại trong thực phẩm để qua đó có biện pháp quản lý an ninh và an toàn thực phẩm.

Trên thực tế, nhựa cũng có thể xâm nhập hệ thống nông nghiệp thông qua chất rắn sinh học từ xử lý nước thải. Các hạt nhựa có thể thay đổi cấu trúc đất theo thời gian và ảnh hưởng đến sản xuất cây trồng.

Ông Nelis cho biết cần có thêm nhiều nghiên cứu về tác động của vi nhựa và nhựa nano đối với sức khỏe con người cũng như đối với an ninh và an toàn thực phẩm.

Giới chuyên gia nhận định, người tiêu dùng, các thương hiệu thực phẩm và người nông dân đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chung là những căng thẳng của chuỗi cung ứng, điều đang cản trở khâu xử lý an toàn, chuẩn bị và lưu trữ thực phẩm.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cứ sáu người Mỹ thì có một người bị ngộ độc thực phẩm trong một năm. Nói cách khác, 48 triệu người Mỹ bị ngộ độc thực phẩm hàng năm, với 128.000 người phải nhập viện và 3.000 người tử vong.

Khi con số này tăng mạnh trong vài năm qua, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tầm quan trọng của an toàn thực phẩm và yêu cầu minh bạch hơn về nguồn gốc và quá trình xử lý, vận chuyển thực phẩm.

Trước mối đe dọa đối với an toàn của người tiêu dùng, các nhà sản xuất phải thu hồi sản phẩm từ các kệ hàng nhanh nhất có thể.

Tuy nhiên, việc xác định chính xác nguồn gốc của vấn đề đòi hỏi phải có số liệu đáng tin cậy và cập nhật, điều hiện đang là thách thức.

Các vấn đề về chuỗi cung ứng và việc thu hồi thực phẩm gây ra thiệt hại lớn. Thay vì có thể xác định nơi có vấn đề, các nhà sản xuất phải thu hồi sản phẩm trên diện rộng, điều sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của thương hiệu và gây ra thiệt hại lớn về tài chính.

Chi phí trực tiếp cho việc thu hồi thực phẩm trung bình khoảng 10 triệu USD và gây ra sự lãng phí về thực phẩm. Thiệt hại về danh tiếng thương hiệu có thể còn lớn hơn.

Vào năm 2012, một khảo sát người tiêu dùng cho thấy 55% số người tiêu dùng sẽ tạm thời chuyển sang sử dụng các sản phẩm khác sau khi một sản phẩm bị thu hồi và 15% sẽ chuyển hẳn. Thêm vào đó, một nghiên cứu từ năm 2019 cho thấy số thực phẩm bị thu hồi tăng 10% từ năm 2013 đến năm 2018.

Hồi tháng 3/2023, Chính phủ Italy đã thông qua dự luật cấm sử dụng các loại thực phẩm và thức ăn chăn nuôi được sản xuất trong phòng thí nghiệm, trong đó có cả thịt nhân tạo. Bộ trưởng Bộ trưởng Nông nghiệp Italy Francesco Lollobrigida đã đưa ra thông báo trên sau cuộc họp của nội các.

Ông Lollobrigida nhấn mạnh các sản phẩm từ phòng thí nghiệm không đảm bảo chất lượng, sức khỏe, cũng như không bảo vệ nền văn hóa, truyền thống của Italy.

Trước đó, tại cuộc họp nội các, Bộ trưởng Y tế Orazio Schillaci cho biết dự luật mới này "dựa trên nguyên tắc phòng ngừa, do hiện nay chưa có bằng chứng khoa học nào về những tác hại tiềm ẩn liên quan việc tiêu thụ thực phẩm nhân tạo".

Thực phẩm giả thịt từ lâu đã được sản xuất, với mức độ thành công khác nhau, từ các nguồn thực vật như đậu nành, đậu Hà Lan hoặc đậu.

Tuy nhiên, nếu lệnh cấm được Quốc hội Italy thông qua, ngành công nghiệp Italy sẽ không được phép sản xuất thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi trong các phòng thí nghiệm bằng phương pháp nuôi cấy tế bào động vật hoặc các mô có nguồn gốc từ động vật có xương sống.

Một dây chuyển sản xuất tại nhà máy chế biến thịt gà Soanes Poultry ở Anh. Ảnh: Reuters

Một dây chuyển sản xuất tại nhà máy chế biến thịt gà Soanes Poultry ở Anh. Ảnh: Reuters

Những trường hợp vi phạm sẽ bị phạt khoản tiền lên tới 60.000 euro (hơn 65.000 USD). Ngoài ra, các doanh nghiệp vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động và nhà sản xuất có thể bị tước quyền hưởng tài trợ công trong tối đa 3 năm.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng của Mỹ đã tiến hành thu hồi mặt hàng dâu tây hữu cơ đông lạnh bày bán tại các cửa hàng trên toàn quốc, bao gồm cả những hệ thống siêu thị lớn như Costco, Aldi và Trader Joe’s, do liên quan đến sự bùng phát các ca bệnh viêm gan A ở bang Washington, Tây Bắc nước Mỹ.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ khuyến cáo người dân không nên tiêu thụ một số thương hiệu dâu tây đông lạnh vì có 5 trường hợp mắc viêm gan A sau khi ăn dâu tây đông lạnh vào năm ngoái. Một cuộc điều tra của FDA và CDC phát hiện ra rằng cả 5 người này đều mua cùng một thương hiệu dâu tây đông lạnh trước khi phát bệnh.

Trước đó, công ty sản xuất thực phẩm Lactalis của Pháp tháng 2/2023 cho biết hãng đã bị buộc tội liên quan đến vụ bê bối toàn cầu kéo dài 5 năm qua, trong đó hàng chục trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng sức khỏe do uống sữa công thức (sữa bột) nhiễm khuẩn đường ruột salmonella.

Các công tố viên đã đưa ra cáo buộc hình sự đối với công ty Lactalis, một trong những nhà sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa lớn nhất thế giới, vì có hành vi gian lận nghiêm trọng, gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng và không thực hiện lệnh thu hồi sản phẩm sữa nhiễm khuẩn. Nhà máy Craon của Lactalis ở Tây Bắc nước Pháp cũng đối mặt với cáo buộc tương tự.

Lactalis cho biết đang hợp tác với cơ quan điều tra.

Cuối năm 2017, nhiều trẻ sơ sinh ở Pháp được chẩn đoán bị ngộ độc khuẩn salmonella sau khi được cho uống các sản phẩm sữa, chủ yếu là sữa Milumel và sữa Picot của công ty Lactalis sản xuất tại nhà máy Craon.

Cụ thể, trong vòng 3 ngày sau khi được cho uống các sản phẩm sữa bột của Lactalis, 36 trẻ sơ sinh đã xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn salmonella.

Tây Ban Nha và Hy Lạp cũng báo cáo các trường hợp bị nhiễm khuẩn đường ruột. Vào thời điểm đó, Lactalis thừa nhận rằng các sản phẩm sữa bột của hãng cung cấp ở hơn 80 quốc gia khác đã bị ảnh hưởng.

Tháng 1/2018, Lactalis đã thu hồi toàn bộ lô sữa bột sản xuất tại nhà máy Craon, ước tính hơn 12 triệu hộp. Lactalis cho biết lô sữa nhiễm khuẩn được sản xuất vào nửa đầu năm 2017. Tuy nhiên, Viện Pasteur - viện nghiên cứu hàng đầu của Pháp về vi khuẩn học, cho rằng vi khuẩn Salmonella đã xuất hiện trong quá trình sản xuất tại nhà máy này từ năm 2005. Hàng trăm người đã đệ đơn kiện Lactalis, chủ yếu với cáo buộc lừa đảo.

Salmonella là một vi khuẩn hình que, thuộc họ Enterobacteriaceae (vi khuẩn đường ruột). Có nhiều chủng vi khuẩn salmonella gây bệnh, trong đó chủ yếu là các chủng salmonella gây ngộ độc thực phẩm.

Salmonella có thể tìm thấy trong rất nhiều loại thực phẩm tươi sống như thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, rau, trái cây và thậm chí cả trong thực phẩm chế biến.

Thực phẩm bị nhiễm salmonella có thể ảnh hưởng đến hình dáng, mùi vị, chất lượng và có khả năng gây bệnh nghiêm trọng cho trẻ nhỏ, người cao tuổi và người bệnh có hệ miễn dịch yếu./.

Minh Hằng (Theo AFP, AP)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/an-toan-thuc-pham-moi-lo-cua-nhieu-quoc-gia/292224.html