An toàn thực phẩm tại Hà Nội: Còn nhiều nỗi lo

Năm 2022, vấn đề an toàn thực phẩm đã được ngành nông nghiệp Hà Nội kiểm soát tương đối tốt. Dù vậy, kết quả thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất - kinh doanh và giám sát, phân tích mẫu nông sản, thực phẩm cho thấy nguy cơ mất an toàn vẫn là nỗi lo lớn.

Gần 6% mẫu thực phẩm chưa an toàn

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, trong năm 2022, đơn vị đã tổ chức lấy 2.585 mẫu nông sản, thực phẩm. Kết quả phân tích cho thấy, có 2.433/2.585 mẫu đạt (chiếm 94,12%); còn lại 152 mẫu vi phạm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm (chiếm 5,88%).

Trong số 152 mẫu chưa đạt chất lượng, có 23 mẫu vi phạm các chỉ tiêu vi sinh Salmonella; 129 mẫu sản phẩm vi phạm các chỉ tiêu hóa học, chủ yếu là sản phẩm thủy sản tươi sống, thịt, rau củ, trái cây, thực phẩm chế biến, nông sản khô, muối, nhuyễn thể và nước mắm.

Đoàn liên ngành Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại một bếp ăn trường học. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Đoàn liên ngành Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại một bếp ăn trường học. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Số lượng sản phẩm thủy sản tươi sống vi phạm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm chiếm tỷ lệ cao nhất với 68 mẫu. Tiếp đến là các sản phẩm chế biến với 37 mẫu. Chỉ tiêu hóa học vi phạm chủ yếu là: Leucomalachite Green, Ciprofloxacin, Enrofloxacin, Chloramphenicol, Natribenzoat, Axit Sorbic…

Cũng trong năm qua, Chi cục đã tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với 120 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản. Qua giám sát, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với 10 cơ sở, chiếm 8,33% tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra, với tổng số tiền hơn 85 triệu đồng.

Vi phạm ghi nhận tại các cơ sở chủ yếu là chưa bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh lao động, kho bảo quản; sản phẩm có nhãn hàng hóa ghi không đầy đủ các nội dung; hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng thiếu nhãn phụ bằng tiếng Việt; thực phẩm có chỉ tiêu an toàn không đảm bảo...

Tăng cường thanh kiểm tra, giám sát

Trước tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm, ngành nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Riêng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội đã tổ chức 206 lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm trong năm 2022, từ đó từng bước nâng cao nhận thức cho các thành phần kinh tế…

Kết quả hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của cơ quan chức năng Hà Nội cho thấy, trong năm 2022, trong số 30 mẫu sản phẩm tự công bố, có 27 mẫu đảm bảo an toàn thực phẩm. 3 mẫu còn lại bị phát hiện sử dụng phụ gia vượt mức giới hạn tối đa cho phép đã bị xử phạt hành chính gần 42,5 triệu đồng, tiêu hủy 200kg hàng hóa vi phạm...

Cùng với thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm các cơ sở sản xuất - kinh doanh, Chi cục đã tiến hành cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục, xác định nguyên nhân và truy xuất nguồn gốc đối với các mẫu nông sản, thực phẩm không an toàn; tiến hành thu hồi và xử lý theo quy định tại Thông tư số 17/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.

Dù công tác tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên, thực tế cho thấy vi phạm vẫn còn. Tỷ lệ gần 6% mẫu thực phẩm không bảo đảm các chỉ tiêu hóa học, sinh học và hơn 8,3% số cơ sở được giám sát có vi phạm cho thấy an toàn thực phẩm vẫn đang là nỗi lo lớn của ngành nông nghiệp Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong năm 2023, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, các chi cục thuộc Sở chủ động trong công tác lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm; trong đó, ưu tiên sản phẩm rau, thịt và thủy sản.

“Công tác lấy mẫu, giám sát an toàn nông sản, thực phẩm sẽ được tập trung vào các nhóm sản phẩm, các công đoạn có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm. Tập trung giám sát các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm…” - ông Nguyễn Ngọc Sơn cho hay.

Nhóm giải pháp khác sẽ được ngành nông nghiệp Hà Nội chú trọng trong năm 2023 là tập trung thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch, tổ chức kiểm tra liên ngành, đột xuất và theo các chuyên đề về chất lượng an toàn thực phẩm. Kết hợp với xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật để tạo sức răn đe...

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/an-toan-thuc-pham-tai-ha-noi-con-nhieu-noi-lo.html