An toàn thực phẩm tại Hà Nội: vẫn còn nhiều vi phạm
Qua khảo sát của HĐND TP Hà Nội cho thấy, vẫn còn tình trạng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh như: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã hết hạn; điều kiện vệ sinh tại khu vực sản xuất, chế biến bảo quản còn kém, không bảo đảm…
Duy trì, hỗ trợ phát triển 1.327 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
Vừa qua, đoàn khảo sát của Thường trực HĐND TP đã tổ chức khảo sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP Hà Nội đối với UBND Thành phố, các Sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Môi trường, Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội và 26/30 quận, huyện, thị xã trước đây.

Đoàn khảo sát của HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn, làm việc với huyện Hoài Đức (trước đây) về việc việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm
Qua khảo sát cho thấy, từ năm 2021 đến nay, Ban chỉ đạo ATTP từ thành phố đến cơ sở được kiện toàn, đã nghiêm túc triển khai thực hiện Luật ATTP, những quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về ATTP.
Thành phố duy trì các tiêu chí mô hình cải thiện ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 196 phường, thị trấn; duy trì mô hình tuyến phố ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát tại 20 tuyến phố/16 quận, huyện trước đây; duy trì và nhân rộng các mô hình kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người tại 440 xã, phường, thị trấn thuộc 20 quận, huyện, thị xã trước đây. Nâng cao năng lực tự quản lý ATTP bếp ăn tập thể trường học tại 20 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện trước đây.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã quy hoạch 128 khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư (119 mô hình ứng dụng ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và trên 120.000 hộ chăn nuôi); đầu tư, xây dựng 7/8 cơ sở giết mổ công nghiệp theo quy hoạch...
Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực duy trì, hỗ trợ phát triển 1.327 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ các tỉnh cung cấp cho thành phố Hà Nội, trong đó Hà Nội duy trì, phát triển 170 chuỗi.
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được các sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã trước đây quan tâm triển khai thực hiện.
Từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố đã kiểm tra 315.133 lượt cơ sở, trong đó số lượt cơ sở đạt các tiêu chí về ATTP là 271.888 lượt (đạt tỷ lệ 86,3%). Số cơ sở vi phạm là 43.225 cơ sở, phạt tiền 19.791 cơ sở vi phạm với số tiền phạt hơn 102 tỷ đồng, đình chỉ 107 cơ sở, cảnh cáo 5.048 cơ sở, nhắc nhở tại chỗ 26.394 cơ sở.

Đoàn khảo sát thực tế tại chợ đầu mối Hà Vỹ
Chưa quyết liệt trong việc xử lý vi phạm về ATTP
Đoàn khảo sát cũng chỉ ra một số vấn đề tồn tại, hạn chế kéo dài (từ phiên giải trình, khảo sát, giám sát năm 2019, 2020, 2023) chậm được khắc phục như: việc triển khai hệ thống cơ sở giết mổ tập trung theo Quyết định 761/QĐ-UBND ngày 17/2/2020 của UBND TP chưa đạt yêu cầu đề ra. Vẫn còn 701 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (giảm 5% so với năm 2020) tồn tại trong khu dân cư, chưa kiểm soát được, gây ô nhiễm môi trường và không bảo đảm ATTP; vẫn còn tình trạng vận chuyển thịt gia súc, gia cầm không đảm bảo ATTP, chưa được kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ.
Bên cạnh đó, tình trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, sử dụng nguyên liệu không có hóa đơn chứng từ, không có truy xuất nguồn gốc vẫn diễn ra trên địa bàn thành phố. Công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc rau, củ, hoa quả, thực phẩm, ô nhiễm môi trường tại các chợ, nhất là tại các chợ đầu mối còn hạn chế...
Đội ngũ cán bộ chuyên trách ATTP còn mỏng so với khối lượng và yêu cầu công việc. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý Nhà nước về ATTP còn hạn chế.
Qua khảo sát, HĐND TP cũng chỉ ra một số tồn tại như: công tác tuyên truyền còn hình thức, thiếu đổi mới, chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng. Chưa tạo được sự chuyển biến toàn diện về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh và người dân về tầm quan trọng của công tác ATTP đối với sức khỏe của cộng đồng xã hội và Nhân dân Thủ đô.

Đoàn cũng trực tiếp tới tham quan, khảo sát tại một cơ sở giết mổ
Nhận thức của một bộ phận người dân và một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật còn chưa tốt. Vẫn còn tình trạng vi phạm các quy định đảm bảo ATTP tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh như: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã hết hạn sử dụng; không xác nhận kiến thức ATTP, khám sức khỏe định kỳ và trang bị bảo hộ lao động cho người lao động; quy trình sản xuất còn thủ công, chưa khép kín, không đảm bảo các quy định về ATTP; điều kiện vệ sinh tại khu vực sản xuất, chế biến bảo quản còn kém, thậm chí ẩm mốc không đảm bảo vệ sinh…
Tình trạng quảng cáo sai sự thật, phóng đại công dụng sản phẩm (đặc biệt là thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe) trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, kinh doanh thực phẩm online ngày càng phổ biến, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP nhưng chưa kiểm soát được.
Phân cấp quản lý ATTP phù hợp mô hình chính quyền mới
Trên cơ sở khảo sát, đoàn khảo sát của HĐND TP đề nghị UBND TP chỉ đạo rà soát, sửa đổi phân cấp quản lý ATTP cho phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, ATTP, khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý. Đồng thời, nghiên cứu giao nhiệm vụ cho 1 cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm chính về công tác đảm bảo ATTP cấp thành phố và cấp xã.

Qua khảo sát thực tế một số mô hình, đoàn khảo sát đã nắm bắt được những kết quả cũng như một số tồn tại
Chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 49/2024/NQ-HĐND ngày 12/12/2024 của HĐND TP về Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP trên địa bàn TP Hà Nội”; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm nghiệm, bảo đảm truy xuất rõ nguồn gốc. Xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đảm bảo an toàn thực phẩm liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành.
Chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng chợ cóc, chợ tạm bán các thực phẩm không rõ nguồn gốc; tập trung thực hiện và hoàn thành xây dựng các chợ đầu mối theo quy hoạch nhằm kiểm soát, hạn chế các tình trạng vi phạm về ATTP. Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch giết mổ cho phù hợp với tình hình thực tế và tập trung đầu tư thực hiện bảo đảm theo quy hoạch; tăng cường kiểm tra, quản lý đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm - từng bước chấm dứt hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ...
Tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác quản lý ATTP, đảm bảo đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị hiện đại cần thiết phục vụ công tác phát hiện, kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP. Xây dựng chế độ phụ cấp cho cán bộ làm công tác ATTP, nhất là đối với cấp xã nhằm nâng cao trách nhiệm và động lực trong thực hiện nhiệm vụ.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/an-toan-thuc-pham-tai-ha-noi-van-con-nhieu-vi-pham.763247.html