An toàn trong vận hành đường sắt đô thị: Bài học từ Nhật Bản

Ngày 17.4.2025, Trường cao đẳng Đường sắt phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo về 'An toàn trong vận hành đường sắt đô thị'.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đường sắt đô thị có những đặc thù riêng và khác biệt với hệ thống đường sắt quốc gia hiện hữu. Đường sắt đô thị luôn hoạt động với tần suất cao, khối lượng vận chuyển lớn; được điện khí hóa và có hạ tầng tách biệt (như cầu cạn, hầm ngầm). Vì vậy, kinh nghiệm xử lý sự cố và phòng ngừa tai nạn, rủi ro trong lĩnh vực đường sắt đô thị tại Việt Nam còn gặp khá nhiều hạn chế.

Ông Shiro Hagimori (Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản - JR East) đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về vận hành an toàn đường sắt đô thị với trọng tâm là triết lý “an toàn là ưu tiên hàng đầu trong quản trị doanh nghiệp”.

Theo ông Hagimori, Nhật Bản từng chứng kiến những tai nạn nghiêm trọng như vụ Mikawashima (năm 1962) và Fukuchiyama (2005), để lại nhiều bài học sâu sắc về phòng ngừa rủi ro. Dù số vụ tai nạn lớn đã giảm đáng kể trong những năm gần đây, các sự cố như trật bánh, va chạm hay cháy nổ vẫn có thể xảy ra do lỗi vận hành, thiết bị hoặc tác động thiên tai.

Hội thảo An toàn trong vận hành đường sắt đô thị

Hội thảo An toàn trong vận hành đường sắt đô thị

Là doanh nghiệp đường sắt lớn nhất Nhật Bản, mỗi ngày JR East vận hành hơn 12.000 chuyến tàu, phục vụ hơn 16 triệu hành khách, công ty tích cực áp dụng mô hình phòng ngừa tai nạn toàn diện theo khung 4M: Con người, máy móc, môi trường và quản lý.

“Tai nạn đường sắt do nhiều nguyên nhân, vì vậy chỉ thực hiện một biện pháp ứng phó sẽ không hiệu quả và dễ bị tái diễn. Cách tiếp cận theo khung 4M này cho phép đánh giá và kiểm soát rủi ro theo hướng chủ động và toàn diện, đặc biệt đối với các tai nạn hiếm khi xảy ra nhưng có thể gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Hagimori nêu.

Ông Masatoshi Yokotobi và ông Yuichi Hirafuji - chuyên gia của Ủy ban An toàn giao thông Nhật Bản (Japan Transport Safety Board - JTSB), cũng trình bày chi tiết về vai trò của JTSB và quy trình điều tra tai nạn đường sắt tại Nhật Bản.

JTSB là cơ quan độc lập, chuyên điều tra nguyên nhân các tai nạn giao thông trong lĩnh vực đường sắt, hàng không và hàng hải để đưa ra các khuyến nghị có tính phòng ngừa và cải thiện hệ thống.

Theo đó, quy trình điều tra của Ủy ban An toàn giao thông Nhật Bản (JTSB) gồm có: Tiếp nhận báo cáo, khảo sát hiện trường, phân tích kỹ thuật, thu thập ý kiến, ban hành báo cáo và đề xuất biện pháp ngăn chặn tái diễn.

Đáng chú ý, các khuyến nghị thường liên quan đến cải tiến thiết bị, cập nhật quy trình vận hành và nâng cao văn hóa an toàn, trên nguyên tắc phân tích khách quan, không quy trách nhiệm cá nhân mà hướng đến cải tiến hệ thống.

TS Trương Trọng Vương - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Đường sắt trình bày tham luận

TS Trương Trọng Vương - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Đường sắt trình bày tham luận

Trong tham luận của mình, TS Trương Trọng Vương - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Đường sắt và PGS-TS Nguyễn Hữu Thiện cho hay đường sắt đô thị là một loại hình vận tải đòi hỏi yêu cầu cao về độ tin cậy, tính an toàn và êm thuận khi vận hành, trong đó kết cấu tầng trên của đường đóng vai trò then chốt.

Trước hết, đường ray phải được thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện làm việc thực tế. Việc lựa chọn loại ray, chiều dài ray, phương pháp hàn và xử lý ứng suất nhiệt đều cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Việc xử lý phát tán ứng suất sau hàn cũng cần được tuân thủ nghiêm ngặt để tránh biến dạng nhiệt dẫn đến mất an toàn.

Ngoài ra, tà vẹt, phụ kiện liên kết ray cũng như tấm đệm đàn hồi phải bảo đảm đủ độ bền, khả năng cách điện và tính đàn hồi thích hợp. Việc thi công chính xác, kiểm soát sai số trong giới hạn cho phép là điều kiện tiên quyết để đoàn tàu vận hành ổn định, giảm rung lắc và hạn chế hư hỏng sớm của kết cấu.

Để nâng cao an toàn trong khai thác, ông Vương cho rằng cần thực hiện các kiểm tra chỉ tiêu động như gia tốc dao động của ray khi đoàn tàu chạy qua. Đây là cơ sở để đánh giá chất lượng kết cấu tầng trên trong điều kiện làm việc thực tế. Bất kỳ biểu hiện bất thường nào như dao động vượt mức giới hạn, âm thanh lạ tại mối nối ray, độ võng bất thường của ray đều cần được xử lý kịp thời nhằm ngăn ngừa sự cố đáng tiếc.

“Nâng cao an toàn vận hành đường sắt đô thị tại Việt Nam cần được bắt đầu từ việc đảm bảo chất lượng kết cấu tầng trên của đường ray. Chỉ khi hệ thống được thiết kế đúng tiêu chuẩn, thi công chính xác, nghiệm thu đạt yêu cầu… thì mới có thể đảm bảo hành trình an toàn, tiện nghi cho hành khách, đảm bảo sự phát triển bền vững của giao thông đô thị”, ông Vương nêu.

Hội thảo là một trong những hoạt động trọng điểm trong khuôn khổ dự án Hợp tác kỹ thuật “Tăng cường năng lực đào tạo đường sắt đô thị cho Trường cao đẳng Đường sắt” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) triển khai từ tháng 1.2022 đến tháng 1.2026.

Đây là một trong những dự án xuất phát từ nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tuyến đường sắt đô thị hiện đang được triển khai tại Hà Nội và TP.HCM.

Thực tế hiện nay Việt Nam vẫn đang thiếu hụt chương trình đào tạo bài bản và đội ngũ giảng viên có chuyên môn sâu trong các lĩnh vực như kỹ thuật vận hành và bảo trì đường sắt đô thị.

Dự án đặt mục tiêu xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu, cập nhật giáo trình phù hợp với công nghệ tiên tiến, đồng thời nâng cao năng lực giảng viên thông qua các khóa tập huấn trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, một trong những nội dung trọng tâm của dự án là truyền đạt kinh nghiệm quốc tế về bảo đảm an toàn vận hành tàu đô thị.

Từ khi khởi động đến nay, các chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức nhiều lớp đào tạo chuyển giao kiến thức và kỹ thuật cho hơn 50 cán bộ, giảng viên Trường cao đẳng Đường sắt, bao gồm các chuyên ngành như an toàn, đầu máy toa xe, công trình kiến trúc, quản lý nhà ga, lái tàu…

Ngoài ra, đã có hơn 30 cán bộ, giảng viên Việt Nam được cử sang Nhật Bản tham gia các khóa đào tạo, tham quan và trao đổi thực tế tại các nhà ga, trung tâm điều độ, cơ sở bảo trì và trung tâm đào tạo của các doanh nghiệp vận hành đường sắt như Tokyo Metro và JR East… Các hoạt động này giúp đội ngũ giảng viên của trường tiếp cận công nghệ hiện đại và mô hình đào tạo tiên tiến của Nhật Bản.

Việc triển khai hiệu quả dự án hợp tác này đã khẳng định vai trò quan trọng của Trường cao đẳng Đường sắt trong việc chuẩn hóa chương trình, nội dung đào tạo, thúc đẩy đào tạo bài bản và phát triển bền vững nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ hệ thống đường sắt đô thị tại Việt Nam trong tương lai.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/an-toan-trong-van-hanh-duong-sat-do-thi-bai-hoc-tu-nhat-ban-231646.html