An toàn và cuộc sống con trẻ
Sập tường, sập cổng trường, quạt trần rơi trong giờ học. Học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón, suất ăn nhiễm khuẩn nghiêm trọng... Có quá nhiều câu chuyện không mong muốn tái phát trong dịp đầu năm học 2020 - 2021. Những câu chuyện ấy nói lên điều gì?
(Ảnh minh họa)
Không phải bây giờ mới xảy ra chuyện sập tường, đổ nhà hay tai nạn thương tích khác trong trường học. Có nhiều lý do dẫn đến tai nạn, trong đó bao gồm cả việc thiếu thường xuyên kiểm định, đánh giá chất lượng công trình của cơ quan chức năng cũng như những tác động khách quan từ khí hậu, địa chất.
Nhưng với những gì vừa xảy ra, liên quan đến cái chết của những học sinh ở Lào Cai và Nghệ An, thì rất khó để đổ lỗi hoàn toàn cho hoàn cảnh và những nguyên nhân khách quan được.
Sau vụ việc dù những người có trách nhiệm cho rằng đó là tác động của thời tiết dẫn đến đổ cổng trường ở Lào Cai. Còn lý do khiến học sinh ở Nghệ An bị tường nhà dân sát trường học đè chết là vì nhà trường chuyển cây xanh ra bên ngoài, học sinh đã đi theo dẫn đến tai nạn.
Những điều này phải chờ kết luận từ cơ quan điều tra xem lỗi tại chất lượng công trình, kết cấu địa chất hay có sự tác động quá mức của con người. Nhưng dù muốn hay không, qua những vụ việc thương tâm này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các trường học phải đề cao hơn trách nhiệm của mình trong quản lý, giám sát học sinh, không thể để các em tự do với điều mình muốn.
Cách đây chưa lâu cái chết của một học sinh Trường Gateway (Hà Nội) cho thấy sự thiếu trách nhiệm của những người mà phụ huynh đã tin tưởng giao phó. Và khi mà cái chết vẫn còn ám ảnh, những văn bản chỉ đạo chấn chỉnh công tác vận chuyển đưa đón học sinh của cơ quan chức năng còn chưa kịp lắng xuống, thì một học sinh ở Trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) lại tiếp tục bị bỏ quên trên xe đưa đón. Chỉ có điều may mắn là sau khi tỉnh ngủ học sinh này đã tự mở cửa xe để vào lớp. Học sinh được trang bị kỹ năng thoát hiểm, nhưng lái xe và giáo viên đưa đón thì chưa, dù đã có bài học dành cho họ.
Còn vụ việc chiếc quạt trần rơi trúng đầu một học sinh ở Trường Tiểu học Kim Đồng (TP Lào Cai) phải khâu nhiều mũi, được lý giải là do bất khả kháng. Nhà trường đã kiểm tra, bảo trì đúng quy trình, lỗi tại chiếc ốc vít bị gãy bất ngờ.
Dường như sau mỗi vụ việc người ta thường có “chiếc phao” để bấu víu vào, đó là đã làm đúng “quy trình” hay sự cố “bất khả kháng”. Những cái chết của học sinh Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai và Trường Tiểu học Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An hay chiếc quạt trần vẫn “cố tình” rơi dù đã được bảo trì, bảo dưỡng, những suất ăn nhiễm khuẩn nghiêm trọng... đều là do nằm ngoài sự kiểm soát của nhà trường, chứ nhà trường đâu có muốn thế.
Đúng là những thứ liên quan đến chất lượng công trình, chất lượng suất ăn, thì nhà trường khó để có thể trực tiếp được. Nó phải là lương tâm của nhà cung cấp dịch vụ. Nhưng trách nhiệm quản lý toàn diện học sinh trong học tập, rèn luyện, sinh hoạt tại trường thì không thể nói rằng đó là của phụ huynh hay của cơ quan nào khác. Khi nhà trường hợp đồng với cơ quan cung cấp dịch vụ phải có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, chứ không phải là bỏ tiền ra rồi phó thác.
An toàn trường học không phải là câu chuyện bây giờ, sau nhiều vụ tai nạn thương tâm, những sự cố gây xôn xao dư luận mới được đề cập đến. Nó đã hiện diện trong rất nhiều văn bản pháp luật, văn bản chuyên môn, nhiều chỉ đạo trực tiếp của cơ quan quản lý. Điều còn thiếu là nhận thức và sự chấp hành quy định ấy còn chưa đúng mức mà thôi.
An toàn trường học không thể là câu chuyện chỉ tồn tại trên giấy được. Việc các trường học cần phải làm ngay lúc này để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc tiếp theo, là rà soát, đánh giá lại hệ thống cơ sở vật chất trong phạm vi quản lý cũng như các quy định liên quan bằng trách nhiệm cao nhất.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/an-toan-va-cuoc-song-con-tre/124359.htm