Ấn tượng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam
Thời gian gần đây, khi Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mở cửa tại địa điểm mới ở quận Nam Từ Liêm (Thủ đô Hà Nội) đã thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Qua các chủ đề, hiện vật trưng bày, bảo tàng đã tái hiện sống động chặng đường hàng ngàn năm giữ nước của dân tộc Việt Nam và trở thành “sợi dây” kết nối quá khứ hào hùng với các thế hệ hiện tại. Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng mới từ năm 2019 gồm: tòa tháp chiến thắng cao 45m, khối nhà bảo tàng gồm 4 tầng nổi và 1 tầng trệt…
Bảo tàng hiện đang lưu giữ hơn 150 ngàn hiện vật, đặc biệt có 4 bảo vật quốc gia là: máy bay MiG 21 số hiệu 4324, máy bay MiG 21 số hiệu 5121, tấm bản đồ của Chiến dịch Hồ Chí Minh, xe tăng T54B số hiệu 843. Trong đó, đáng chú ý là chiếc máy bay MiG 21 số hiệu 4324 được treo ngay tại sảnh chính của bảo tàng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiếc máy bay này từng được 9 phi công điều khiển với 69 lần xuất kích và 14 lần bắn rơi máy bay Mỹ. Trên thân của chiếc máy bay này được sơn hình 14 ngôi sao màu đỏ, tượng trưng cho 14 máy bay địch bị bắn hạ. Đầu tháng 1-2015, chiếc máy bay này được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Không gian trưng bày bên trong Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tại tầng 1 được chia làm 6 chủ đề theo các mốc thời gian từ buổi đầu dựng nước, giữ nước đến ngày nay.
Điểm nhấn của bảo tàng là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ khách tham quan có thể đọc tài liệu, chiêm ngưỡng, tìm hiểu lịch sử qua các hiện vật bằng nhiều cách như: màn hình tra cứu thông tin, tài liệu media, thuyết minh tự động, video giới thiệu về các chiến dịch, trận đánh và nhân vật lịch sử… Việc này giúp cả khách tham quan trong và ngoài nước đều có thể tìm hiểu lịch sử mà không bị “vướng” rào cản ngôn ngữ.
Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch vừa công bố danh sách 15 hạng mục vào vòng bình chọn các sự kiện tiêu biểu trong năm, trong đó có sự kiện mở cửa Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.