Ấn tượng đặc biệt về 'chiến sĩ' đặc biệt của Công an Thủ đô
Hơn 14 năm gắn bó với Báo An ninh Thủ đô, tôi thấy mình may mắn khi nhiều lần được tác nghiệp, ghi lại những hình ảnh đặc biệt của lực lượng Cảnh sát cơ động Công an Thủ đô.
Đó là câu chuyện về những đêm trắng tuần tra phòng, chống tội phạm; ứng trực cùng nữ Cảnh sát cơ động đặc nhiệm tại chốt cửa ngõ Thủ đô; những giờ thao luyện chống khủng bố… Những ngày gần đây, lần đầu được tác nghiệp ở Đội Quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ, Trung đoàn Cảnh sát cơ động, CATP Hà Nội đã để lại trong tôi những ấn tượng đặc biệt.
Những “chiến sĩ” đặc biệt…
Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (15-4-1974/15-4-2024) vừa qua, từ bức ảnh đẹp về những chiến sĩ Cảnh sát cơ động cùng chó nghiệp vụ bảo vệ sự kiện chính trị quan trọng của đất nước được tổ chức ở Hà Nội, tôi nhận thấy lực lượng chó nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát cơ động Thủ đô còn ít được nhắc đến. Đại tá Đoàn Ngọc Hưng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động cho biết: “Chó nghiệp vụ là lực lượng đặc biệt, giúp ích rất nhiều cho lực lượng Cảnh sát cơ động. Đội Quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ luôn nỗ lực vượt khó, khát khao cống hiến và đặc biệt nếu không có tình yêu với động vật, không yêu nghề thì không thể làm được”.
Trung tuần tháng 4-2024, vừa đến đơn vị, tôi không khỏi thán phục khi theo dõi những chú chó nghiệp vụ cùng cán bộ huấn luyện đang thực hiện bài tập hàng ngày. Mỗi ngày, một chú chó phải luyện tập trong 3 giờ đồng hồ với huấn luyện viên, gồm 15 bài tập cơ bản và các bài tập chuyên ngành… Với sự hỗ trợ của chó nghiệp vụ, các tình huống trấn áp tội phạm sẽ hiệu quả, an toàn hơn rất nhiều. Trong công tác huấn luyện chó nghiệp vụ có một đặc điểm đặc biệt, đó là mỗi chiến sĩ Cảnh sát Cơ động chỉ huấn luyện riêng một chú chó nghiệp vụ, được nhận từ trường huấn luyện từ khi còn nhỏ. Vì vậy, mỗi cặp “huấn luyện viên - chó nghiệp vụ” là một “cặp đôi” thân thiết, cả trong sinh hoạt và công tác. Sau mỗi buổi tập luyện, các huấn luyện viên đều chăm sóc rất kỹ người bạn của mình như cho ăn, chơi đùa, tắm rửa... để tình cảm giữa huấn luyện viên và chú chó thêm gắn bó. “Mỗi chúng tôi đều thuộc cả tiếng sủa chú chó của mình. Nếu không có sự gắn bó đó thì rất khó để thực hiện nhiệm vụ. Khi có công việc phải nghỉ phép, đồng đội sẽ cho chó ăn hộ chứ việc huấn luyện thì chỉ có chính người huấn luyện viên đã gắn bó từ bé mới thực hiện được” - Trung úy Đặng Quang Trung vừa tâm sự vừa chải lông cho chú chó đã gắn bó 4 năm với mình.
Có thâm niên công tác gần 15 năm trong đơn vị huấn luyện chó nghiệp vụ, Trung tá Nguyễn Văn Minh, Đội trưởng Đội Quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ chia sẻ: “Huấn luyện chó nghiệp vụ rất vất vả, đòi hỏi sự kiên trì. Có nhiều chú chó vô cùng thông minh nhưng cũng rất “bướng”, cần dùng tình cảm đặc biệt mới có thể huấn luyện được. Có không ít người đã bỏ nghề vì vất vả nhưng chúng tôi thì không, ở đây có nhiều chiến sĩ trẻ nhưng rất tâm huyết với nghề đặc biệt này”. Chó nghiệp vụ vừa là “vũ khí sống” vừa là tài sản đặc biệt của Nhà nước nên việc chăm sóc chúng cũng phải được thực hiện chu đáo, khoa học. Chó nghiệp vụ cũng được trang bị yếm, đồ bảo vệ. “Mùa nóng hay lạnh, đều phải tính toán kỹ thời gian tắm lúc nào cho phù hợp, không để chó ốm. Nóng thì phải có quạt, lạnh phải có sưởi. Chúng tôi luôn có máy móc đo các thông số nhiệt độ, độ ẩm để điều chỉnh kịp thời. Từng bữa ăn cũng phải giám sát kỹ. Mỗi khi chó ốm thì không chỉ huấn luyện viên mà cả đội đều lo lắng, mời bác sĩ đến khám ngay” - Trung úy Đặng Quang Trung chia sẻ.
Với khát khao cống hiến!
Hàng ngày, ở đơn vị, tiếng còi huấn luyện vẫn vang lên đều đặn. Ngoài các bài tập động tác cơ bản như đứng, ngồi, trườn, chạy vượt chướng ngại vật... thì tập các tình huống trấn áp tội phạm của chó nghiệp vụ mới thật sự vất vả. Một huấn luyện viên chuyên làm “quân xanh” (mặc đồ bảo hộ, đóng vai tội phạm để chó tấn công) vạch cánh tay cho tôi xem và nói: “Đồ bảo hộ vừa dày, vừa nặng, mặc mùa nào cũng như đang xông hơi. Lớp bảo hộ dày bảo vệ đầu cổ, tay, chân như thế nhưng việc bầm tím thì như cơm bữa. Chưa kể một chú chó nghiệp vụ trưởng thành nặng từ 30-40kg lao vào người với tốc độ 30-40km/h (và có thể hơn nữa tùy khoảng cách) thì khác gì bị xe máy đâm, chưa kể các động tác giằng, giật của chó cũng rất nguy hiểm, nhưng chúng tôi tập mãi cũng quen”.
Trung tá Nguyễn Văn Minh, Đội trưởng Đội Quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ cho biết: “Chúng tôi được Đảng ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn quan tâm, tạo điều kiện nên dù điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ đều luôn nỗ lực hết mình, coi cơ quan là mái nhà thứ hai, chó nghiệp vụ là bạn chiến đấu thực sự. Mỗi ngày đều rèn quân, luyện chó; khi xuất quân làm nhiệm vụ luôn chính quy, tinh nhuệ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chúng tôi mong muốn được giao thêm nhiệm vụ để hình ảnh đơn vị chiến đấu đặc biệt của Công an Thủ đô được lan tỏa nhiều hơn”.
Lực lượng Cảnh sát cơ động CATP Hà Nội cùng chó nghiệp vụ đã từng tham gia bảo vệ nhiều sự kiện lớn đặc biệt ở Hà Nội như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều hay dịp nguyên thủ các nước đến thăm Việt Nam. Họ luôn khát khao được cống hiến nhiều hơn nữa. “Khi tham gia bảo vệ các sự kiện chính trị lớn, chúng tôi đều được bộ phận an ninh nước bạn tôn trọng bởi sự chuyên nghiệp, hiệu quả - đó là vinh dự cũng là trọng trách. Những cán bộ trẻ chúng tôi đều mong được cống hiến, tham gia nhiều hơn nữa trong công tác bảo vệ an ninh trật tự hàng ngày ở Thủ đô, góp sức vào sự bình yên của thành phố”, Trung úy Đặng Quang Trung chia sẻ.
Trụ sở đội hàng ngày vẫn rộn tiếng nói cười sau những giờ tập luyện vất vả. Khi nhận được mệnh lệnh, những chú chó nghiệp vụ cùng huấn luyện viên lại chạy như bay lên xe đặc chủng để lên đường tuần tra hoặc bảo vệ những sự kiện chính trị, xã hội. Hình ảnh đó sẽ mãi là ấn tượng khó quên trong tôi!