Ấn tượng những nét đẹp của đất nước, con người, dân tộc Việt Nam

Đứng trên bờ biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định nhìn về phía ghềnh Ráng, bán đảo Phương Mai, trên đỉnh đặt tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Thiếu úy Mê Li Sa Phim Mạ Soon và nhiều sĩ quan Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát Lào có mặt trong đoàn tham quan rất ấn tượng trước cảnh sắc thiên nhiên và các công trình lịch sử, văn hóa của Việt Nam.

Trung tá Thít Lạ Mon Lặt Thạ Vông Xay (bên trái) và Trung tá Sổn Na Thay Chiêng Đa La thích thú trước hình ảnh nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân cưỡi voi xung trận. Ảnh: Văn Chương

Trung tá Thít Lạ Mon Lặt Thạ Vông Xay (bên trái) và Trung tá Sổn Na Thay Chiêng Đa La thích thú trước hình ảnh nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân cưỡi voi xung trận. Ảnh: Văn Chương

Về lại chốn kỷ niệm

Ngày 10/7/2024, đoàn xe chở đoàn đại biểu sĩ quan trẻ BĐBP Việt Nam và sĩ quan trẻ Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát Lào đã đến thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định để tiếp tục chuỗi hoạt động Giao lưu sĩ quan trẻ BĐBP Việt Nam - An ninh, Cảnh sát Lào. Khi xe bắt đầu rẽ xuống đường Nguyễn Huệ nằm dọc tuyến biển của thành phố Quy Nhơn, toàn bộ các sĩ quan An ninh và Cảnh sát Lào đều nhìn không chớp mắt ra phía bờ biển.

Tháng 7, thành phố Quy Nhơn đang rực rỡ sắc màu với nhiều sự kiện văn hóa. Ngay trước khách sạn Bình Định Sài Gòn là nơi đoàn lưu trú cũng đang tổ chức sự kiện biểu diễn văn hóa, võ thuật trên bờ biển. Trước khi đoàn có mặt tại phố biển này, nhiều hoạt động đã được tổ chức tại tỉnh Kon Tum. Vùng đất Tây Nguyên có những điểm tương đồng với khí hậu và thổ nhưỡng của Lào, nhưng ở thành phố biển này thì không khí rất khác biệt.

Trung tá Thít Lạ Mon Lặt Thạ Vông Xay, cán bộ Cảnh sát Lào tâm sự, mỗi khi đặt chân sang đất Việt Nam là chị có cảm giác như trở về một nơi rất gắn bó và rất đẹp của cuộc đời mình. Chị Vông Xay hiện công tác tại một đơn vị Cảnh sát ở Thủ đô Viêng Chăn của Lào, nhưng tuổi thơ của chị là những tháng năm gắn bó với Việt Nam. Trước đây, chị từng ở Việt Nam từ năm 2009-2017, học tập tại tỉnh Thái Nguyên, nơi đó có rất nhiều người thân, bạn bè là người Việt Nam. Sau khi học xong trung học phổ thông, chị tiếp tục lên Hà Nội để theo học Trường Đại học Cảnh sát nhân dân.

Chị kể rằng, sang Việt Nam, món ăn yêu thích nhất là bún bò Huế, các món ăn đường phố, các loại trái cây, các loại bánh. Bên cạnh đó là văn hóa, con người Việt Nam luôn là điều làm chị ấn tượng. Người Việt Nam mỗi khi nhắc đến người Lào thì đều vui vẻ thân mật, người Việt Nam và người Lào dường như đã quen thân nhau từ thời xa xưa tới giờ.

Thượng tá Sổm Phon Phôn Na Chăn và một số thành viên trong đoàn sĩ quan Công an, Cảnh sát Lào luôn tranh thủ hết sức có thể để được chìm đắm vào không gian của biển xanh. Lúc giờ nghỉ trưa, anh và nhiều người tranh thủ đi dạo bờ biển. Thượng tá Chăn cho biết, từ năm 2004 đến năm 2010, anh đã sang Việt Nam và học tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, khi trở về Lào, ký ức nhớ nhất là những vùng quê ven biển.

Nụ cười thân thiện

Thiếu úy Mê Li Sa Phim Mạ Soon là một sĩ quan Cảnh sát ở Thủ đô Viêng Chăn lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam. Thiếu úy Soon ngỡ ngàng trước những con đường rợp bóng cây xanh ở thành phố Quy Nhơn. Chị chia sẻ, khung cảnh rất đẹp, con người Việt Nam cũng rất thân thiện. Cuối buổi chiều, khi đoàn kết thúc chuyến tham quan ở các điểm, Thiếu úy Soon lại tranh thủ tản bộ trên hè phố rì rào âm thanh của sóng biển. Lào là quốc gia không có biển, vì vậy, khi đứng trước biển, những người trẻ với chút tình cảm lãng mạn như Soon lại cảm thấy “xiêu lòng”, yêu mến mảnh đất và con người Việt Nam.

Tại làng chài Nhơn Lý nằm cạnh thắng cảnh Eo Gió tuyệt đẹp, các sĩ quan trẻ An ninh, Cảnh sát Lào và BĐBP Việt Nam đi bộ theo những con đường quanh co, có những triền dốc rất thú vị để tận hưởng nhịp sống ở một làng chài đang thay đổi theo làn sóng du lịch. Bà Nguyễn Thị Thủy, một người dân ở địa phương khi nghe giới thiệu các thành viên trong đoàn là người Lào, bà đã vội gọi nhiều bà con trong xóm ra xem, nhiều người vẫy tay chào đón và nói những lời thăm hỏi rất chân tình.

Trước khi đoàn xuống thành phố Quy Nhơn, các hoạt động trong chương trình giao lưu đã được tổ chức tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum như: Tuyên truyền pháp luật cho nhân dân hai bên biên giới, trồng cây lưu niệm, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó... Các hoạt động này được lên lịch chiếm phần lớn thời gian lưu lại ở địa phương. Còn khi xuống phố biển, toàn bộ hoạt động tập trung vào việc đi tham quan các làng chài ven biển và điểm nhấn là tham quan Bảo tàng Quang Trung ở huyện Tây Sơn.

Khâm phục tinh thần Việt

Các địa điểm đoàn tham quan như: Khu du lịch Eo Gió, làng chài Nhơn Lý, Khu du lịch Kỳ Co, Bảo tàng Quang Trung đã để lại ấn tượng sâu sắc với các sĩ quan An ninh và Cảnh sát Lào. Lịch trình đi tham quan Bảo tàng Quang Trung được tổ chức vào sáng 11/7. Khi nghe các sĩ quan BĐBP nhắc đến người anh hùng áo vải của Việt Nam, các sĩ quan An ninh, Cảnh sát Lào đã nhắc đến tên tuổi những vị tướng trong lịch sử của Lào gắn với lịch sử đất nước Triệu Voi.

Tại Bảo tàng Quang Trung, các thành viên đã xem đội nhạc võ biểu diễn 10 bài, cùng với tiếng trống trận của võ sĩ Thu Hương. Những bài võ và binh khí nổi tiếng của môn phái Tây Sơn được biểu diễn phục vụ đoàn như: Thái Côn Sơn, Song Long Đao, Đao Xung Thương, Độc Long Thương, Thanh Long Độc Kiếm...

Trong Bảo tàng Quang Trung có những hình ảnh khá gần gũi với Lào, đó là con voi và những người lính xung trận. Chị Thít Lạ Mon Lặt Thạ Vông Xay và mọi người tranh thủ chụp ảnh lưu niệm bên cạnh những con voi bằng đá với nụ cười tươi tắn. Tại khu trưng bày hình ảnh và hiện vật của quân Tây Sơn, hình ảnh và câu chuyện khiến các sĩ quan trẻ chú ý là đoàn voi chiến của nhà Tây Sơn và nữ tướng cưỡi voi xung trận - Đô đốc Bùi Thị Xuân. Những sĩ quan trẻ của Lào gật đầu và thán phục khi xem phim, trong đó có nhiều hình ảnh nói về đoàn voi xông thẳng vào đoàn ngựa chiến, góp phần phá tan 29 vạn quân Thanh vào năm 1789.

Được người phiên dịch nói về Đô đốc Bùi Thị Xuân, các sĩ quan trẻ của Lào đã hiểu thêm về lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm rất oai hùng của dân tộc Việt Nam. Chị Thít Lạ Mon Lặt Thạ Vông Xay tâm sự, sau chuyến tham quan Việt Nam, chị sẽ kể lại cho mẹ là bà Phon Phắt. Bà từng là một sĩ quan Cảnh sát đã nghỉ hưu và luôn dành cho Việt Nam rất nhiều tình cảm tốt đẹp.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/an-tuong-nhung-net-dep-cua-dat-nuoc-con-nguoi-dan-toc-viet-nam-post478088.html