Vợ chồng lão nông hé lộ cách nuôi gà rừng thuần chủng để làm giàu

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Liên đầu tư xây dựng mô hình nuôi gà rừng thuần chủng. Nhiều con có bộ lông sặc sỡ, đẹp mắt được bán với giá cả chục triệu/con.

Đi khắp nơi tìm giống gà rừng

Thực hiện chủ trương đổi mới cây trồng vật nuôi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, gia đình bà Nguyễn Thị Liên, thôn Hợp Phú, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, đã quyết định đầu tư xây dựng mô hình nuôi gà rừng thuần chủng, bước đầu hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nét đặc trưng của xã Quảng Hợp là vùng bán sơn địa. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã chọn con đường dưới chân đồi để làm nhà và phát cây phía sau lưng nhà để trồng sắn, trồng ngô. Chỉ tay về đàn gà rừng nhanh nhẹn, con nào trông cũng đẹp mắt, ông Phạm Văn Lựu (chồng bà Liên) nhớ lại: Hồi mới làm căn nhà nhỏ dưới chân đồi, cây rừng còn mọc tận sau hè nhà. Cứ sáng sớm lại nghe tiếng gà rừng gáy thi với mấy con trống choai giống gà kiến. Có bữa, bà Liên nói với tôi việc nhìn thấy mấy con gà trống rừng về ăn ngô lẫn trong mấy con gà mái ghẹ của nhà nuôi.

Đôi gà rừng có bộ lông sặc sỡ, đẹp mắt tại vườn nhà ông Lựu.

Đôi gà rừng có bộ lông sặc sỡ, đẹp mắt tại vườn nhà ông Lựu.

Nhưng sau đó, do nạn săn bắt gà rừng xảy ra thường xuyên, bóng dáng lẫn tiếng gà rừng thưa dần rồi vắng hẳn. Nhiều lần nhìn lên phía rừng xanh thăm thẳm, ông Lựu cứ suy nghĩ về đàn gà rừng, liệu chúng có còn hay không. Suy nghĩ về việc mua gà rừng nuôi chợt lóe trong đầu ông Lựu, khi nói ra đã được bà Liên đồng ý ngay. “Tôi nói với bà ấy về ý tưởng nuôi gà rừng, tưởng bà ấy không đồng ý ai dè còn nói vun vào: Tôi cũng tính vậy đó. Nhà mình còn có vườn cây, vườn đồi rộng, thử mua gà giống về thuần để nuôi có khi lại hay”, ông Lựu nhớ lại.

Được sự đồng hành, hỗ trợ của Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) huyện Quảng Trạch, sau nhiều năm tìm hiểu, đầu năm 2023, gia đình bà Liên đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng mua giống gà rừng tai trắng thuần chủng về nuôi.

“Kể ra cũng chẳng mấy người tin, nhưng tôi đã đi ra tận Yên Bái, lên Tây Nguyên, vô Tây Ninh… vừa du lịch, vừa xem người ta có bán gà rừng để mua đưa về lấy giống”, ông Lựu cho hay.

Vợ chồng bà Liên phải đi khắp nơi tìm mua giống gà rừng về nuôi.

Vợ chồng bà Liên phải đi khắp nơi tìm mua giống gà rừng về nuôi.

Nghe tin ở đâu có gà rừng là ông bà lại đến mua bằng được. Gà trống, gà mái đều mua rồi mang về nuôi nhốt trong chuồng dưới tán cây trong vườn.

Bí quyết thuần hóa gà rừng

Hành trình đi tìm giống gà gian nan bao nhiêu, thì quá trình nuôi và thuần hóa gà rừng lại vất vả bấy nhiêu. Bà Liên kể: “Những ngày đầu thật vất vả và cả như đi vứt… tiền. Để gà không bay mất, những con gà rừng được mua về phải nhốt lưới quây kín. Thức ăn cũng là lúa, ngô… Nhưng vài ngày, tôi lại ủ gạo với muối cho gà ăn. Việc tập cho chúng ăn có muối để quen dần và kiểu như nghiện ấy. Khi chúng có đi xa thì nhớ vị muối mà quay về”, bà Liên chia sẻ.

Mỗi lần cho gà ăn, ông bà làm thật nhẹ nhàng cho chúng khỏi hoảng sợ và có thời gian thật lâu bên chuồng. Ban đầu chúng bay loạn xạ, sau cứ quen dần. Đến khi ông bà cho gà ăn thì chúng đã quen hơi, không bay loạn nữa mà chạy thật nhanh đến chờ thức ăn. Khi thấy gà quen người, ông bà mới bắt đầu thả gà ra khỏi chuồng. Có khi thấy hàng chục con gà cứ bay lên cây vun vút như chim, bà Liên lại lo lắng chúng bay mất không về. Mỗi lần như vậy, ông Lựu đều trấn an để vợ yên tâm.

Khi những con gà mái đầu tiên nhảy ổ, bà Liên mừng ra mặt, đem mấy cái sọt nhựa quây rơm để gác vào trong chuồng. Vì quá hiểu tập tính của gà mái rừng nên bà Liên rất cẩn trọng trong quá trình gà đẻ và ấp trứng: "Nó vẫn mang tập tính gà, chim hoang dã. Trứng trong ổ là cứ phải để nguyên cho đến khi gà nhảy lên ấp. Nếu mình chỉ lấy đi một quả là gà mái bỏ ổ luôn, không vào đó đẻ nữa đâu”, bà Liên tiết lộ.

Vì quá hiểu tập tính của gà mái rừng nên bà Liên rất cẩn trọng trong quá trình gà đẻ và ấp trứng (Ảnh: N.H).

Vì quá hiểu tập tính của gà mái rừng nên bà Liên rất cẩn trọng trong quá trình gà đẻ và ấp trứng (Ảnh: N.H).

Cũng có một số gà mái không nhảy lên ổ mà chui vào bụi rậm, cào đáy, bới rác xây ổ đẻ. Những khi đó, ông bà lại cặm cụi che một cái mái nhỏ phía trên để che cho ổ trứng và gà mẹ khi ấp không bị ướt. Khi đến thời gian trứng sắp nở thì quây lưới kín lại. “Gà con nở ra là nó chui, chạy đi ngay. Nó chạy mất không về lại được tổ với gà mẹ. Phải quây kín lại cho đến khi trứng nở hết và gà mẹ tục tục gọi được gà con quây quần lại thì mới mở lưới vây cho ra vườn”, ông Lựu kể.

Đàn gà hơn trăm con của ông bà trông nhanh thoăn thoắt, chạy tìm ăn khắp vườn. Trong số gần năm chục con gà trống, có những con dáng đẹp, bộ lông đủ sắc màu bắt mắt đã được người mua đánh tiếng mua từ năm, bảy đến hơn chục triệu đồng một con. Không chỉ bán gà cảnh, với gà thịt cũng rất được giá. Những gà mái, gà trống không được đẹp mã thì bán cho khách hàng có nhu cầu, mỗi con bán cũng có giá từ 500 - 700 ngàn đồng.

“Người hỏi mua cũng nhiều, nhưng gia đình vẫn chưa có gà để đáp ứng được vì gà trống và gà mái vẫn đang trong kế hoạch nuôi đẻ trứng cho ấp nở để nâng tổng đàn lên”, ông Lựu cho hay.

Ông Tưởng Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch cho biết: “Đây là mô hình thử nghiệm đầu tiên của huyện và bước đầu có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với địa phương. Ngay từ ban đầu, Trung tâm đã hỗ trợ tích cực quy trình kỹ thuật nuôi gà rừng cho gia đình ông Lựu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trên địa bàn để bà con có kinh nghiệm phát triển gà rừng”.

Gà rừng là giống gà hoang, sống chủ yếu ở khu vực miền núi. Gà rừng có cân nặng từ 1-1,5kg với cánh của chúng dài khoảng 20-25cm. Về hình dáng bên ngoài, gà rừng là loài có mã đẹp, có bộ lông màu đỏ, chân chì, cựa dài nhọn, đôi tai màu trắng rất bắt mắt. Chính vì vậy, gà rừng không chỉ được nuôi để lấy thịt, mà nhiều người còn chọn nuôi gà rừng để làm cảnh. Giá trị kinh tế của gà rừng vì thế rất cao, nhiều con đẹp được bán với giá lên đến hàng triệu đồng/con.

Ngô Thị Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vo-chong-lao-nong-he-lo-cach-nuoi-ga-rung-thuan-chung-de-lam-giau-204240806150721513.htm