Ấn tượng văn hóa các dân tộc Lai Châu trong lòng du khách
VOV.VN-Với 20 dân tộc cùng chung sống, Lai Châu có một nền văn hóa đa sắc màu. Tận dụng lợi thế của các trang mạng xã hội, người dân ở địa phương đã đăng các video, phát trực tiếp những sản phẩm văn hóa của dân tộc mình để giới thiệu đến với du khách. Cách quảng bá mới này đã góp phần đưa các sản phẩm văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
Ngoài mua bán, trao đổi các sản phẩm nông sản do dân bản tự làm hoặc khai thác từ rừng, chợ phiên bản Sin Suối Hồ còn là nơi hội tụ nhiều sản phẩm văn hóa dân tộc Mông như: váy áo thổ cẩm, khèn Mông, các đồ trang sức hay sản phẩm lưu niệm dân tộc... Để quảng bá được các sản phẩm văn hóa dân tộc mình, thời gian gần qua người dân nơi đây đã tận dụng mạng xã hội để bán hàng, góp phần thu hút khách du lịch và đưa các sản phẩm văn hóa dân tộc mình đến gần hơn với du khách.
Chị Hảng Thị Ke, ở bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) cho biết: "Em livestream trên tiktok và trên facebook, trên mạng xã hội nên em cũng bán được nhiều. Thường em đang bán là quần áo, chân váy dài, váy ngắn, áo nam và túi thổ cẩm. Từ việc sử dụng trang mạng để bán hàng thì cũng thu hút được nhiều du khách để mua hàng".
Qua hình ảnh giới thiệu trên các trang mạng xã hội, thời gian gần đây lượng khách đến với bản Sin Suối Hồ ngày càng nhiều hơn. Người dân trong bản cũng tích cực sản xuất các sản phẩm lưu niệm thủ công như trang phục dân tộc, túi thổ cẩm, mũ, phụ kiện trang phục... để bày bán, trực tiếp giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế. Nhờ đó, vào mỗi buổi chợ phiên, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ đông như ngày hội.
Chị Cunique CHLÓE, du khách Pháp có mặt tại bản Sin Suối Hồ chia sẻ: "Tôi thấy chợ ở đây rất sống động, mọi người tập trung với nhiều sản phẩm văn hóa đặc sắc, thú vị. Tôi rất thích thú với những bộ trang phục, túi của người dân, rất đẹp, hấp dẫn. Tôi sẽ mua một vài sản phẩm để làm quà, kỷ niệm cho người thân và bạn bè".
Nếu như chợ phiên Sin Suối Hồ được biết đến với nhiều sản phẩm thổ cẩm lưu niệm thủ công mang dấu ấn văn hóa dân tộc Mông, thì tại chợ phiên hoặc chợ đêm San Thàng ở thành phố Lai Châu lại để lại dấu ấn khó quên cho thực khách với nhiều loại bánh truyền thống dân tộc Giáy. Hấp dẫn nhất là các gian hàng bánh phở nức tiếng gần xa, đã chinh phục được hầu hết các thực khách khi đến với nơi đây.
Chị Nùng Thị Nga, ở bản San Thàng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu cho biết: "Từ ngày bé, bố mẹ đã truyền cho cái nghề làm bánh phở này rồi. Bánh phở canh cũng làm được chục năm rồi, rất là đông khách. Bánh phở mình bán chạy, mình rất là vui, rất nhiều khách đến ủng hộ là mình vui lắm. Bánh phở này gia đình do tôi tự tráng, tự làm".
Bánh phở tại chợ San Thàng được bà con trực tiếp tráng thủ công, bằng nguyên liệu gạo thơm ngon ở địa phương. Từ những lớp bánh phở trắng ngần, mịn mướt, dưới đôi bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ đã tạo lên những bát phở thơm ngon, mang hương vị đặc trưng riêng. Người dân và thực khách có thể mua về hoặc thưởng thức bát phở thơm ngon ngay tại các gian hàng trong chợ.
Anh Nguyễn Thanh Hải, thực khách đến từ thủ đô Hà Nội chia sẻ: "Mình đã đến Lai Châu mấy lần rồi, nhưng đây là lần đầu tiên đến chợ San Thàng. Ăn bát phở, cảm nhận phở rất ngon, bánh phở tươi, thái tay; đặc biệt rau thơm, rau ngót tuốt sống ăn rất ngon. Đây là lần đầu tiên mình được trải nghiệm một nét văn hóa ẩm thực của địa phương, chắc chắn mình sẽ giới thiệu đến mọi người".
Với 20 dân tộc cùng sinh sống đã tạo nên sự đa dạng, hấp dẫn riêng vốn có cho nền văn hóa ở Lai Châu. Mỗi dân tộc đều có sản phẩm văn hóa đặc sắc ở nhiều loại hình khác nhau. Trong âm nhạc có các điệu múa, điệu xòe, tiếng khèn; trong ẩm thực có nhiều món ăn ngon và trang phục dân tộc lại sinh động từ màu sắc đến kiểu dáng trang trí…
Các sản phẩm văn hóa đó đang được giới trẻ, người dân giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị để quảng bá. Từ đó, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, hướng tới mục tiêu đưa Lai Châu trở thành điểm đến an toàn và hấp dẫn./.