Ấn tượng với tranh cát của chàng trai Đà Nẵng
Từ những hạt cát nhỏ li ti nhiều màu sắc, anh Phan Quang Dũng (36 tuổi, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã họa lên các bức tranh đầy tính nghệ thuật.
Họa tranh từ cát
Với niềm đam mê, Phan Quang Dũng đã tạo ra hàng trăm bức tranh bằng cát vô cùng độc đáo, khiến nhiều người mê mẩn. Anh Dũng cho biết, quá trình sáng tác tranh cát rất vất vả, nếu như không đủ đam mê và kiên nhẫn nhất định sẽ không theo được.
Để tạo nên một bức tranh cát, đầu tiên cần chuẩn bị một khung tranh bằng thủy tinh, cát, một chiếc muỗng inox và thanh tre vót nhọn. Nghệ nhân sẽ vẽ phác họa hình ảnh trước, “tiếp đến là công đoạn khó nhất: sử dụng muỗng và thanh tre sắp xếp các hạt cát li ti theo từng chi tiết, vừa vẽ vừa cân chỉnh để bức tranh trở nên sống động hơn. Sau khi hoàn thành, các bức tranh sẽ được đóng kín để bảo quản, giữ cho cát không bị xê dịch làm ảnh hưởng đến các chi tiết”, anh Dũng chia sẻ.
Tùy vào kích thước và độ phức tạp của từng bức tranh mà anh Dũng phải mất từ vài giờ đến cả tháng trời để hoàn thiện sản phẩm. Chủ đề sáng tác tranh cũng rất đa dạng, tùy thuộc vào sở thích của khách hàng, có thể là tranh phong cảnh, chân dung, thư pháp...
“Nhìn thì đơn giản nhưng để làm được là cả một quá trình. Đặc biệt, đối với thể loại tranh chân dung, độ phức tạp rất cao nên người vẽ phải hết sức tỉ mỉ thì đường nét nhân vật mới hài hòa, chính xác. Nếu không may sai một chi tiết nhỏ thì phải chấp nhận làm lại từ đầu, rất dễ nản lòng”, anh Dũng cười và nói.
Ngoài ra, với nguồn nguyên liệu chính là cát nên việc tìm kiếm, chọn lựa cát cũng là một trong những công đoạn quan trọng. Cát được sử dụng để vẽ tranh chủ yếu lấy từ biển Phan Thiết (Bình Thuận), bởi đây là cát tự nhiên với nhiều gam màu. Đối với những màu đặc trưng, người vẽ có thể tự “nhuộm màu” cho cát. “Muốn có được những mẫu cát như ý, có khi tôi phải mất cả tuần tìm kiếm. Cát sau khi được mua về sẽ phải rửa sạch, phơi khô và cuối cùng rây qua 2 lượt để được những mẫu cát mịn”, anh Dũng nói thêm.
Truyền cảm hứng
Trước khi bén duyên với bộ môn nghệ thuật này, anh Phan Quang Dũng từng là một đầu bếp tại Đà Nẵng. Tình cờ, anh xem được chương trình về tranh cát qua tivi và say mê. Gác lại công việc, anh vào TPHCM, quyết tâm học nghệ thuật vẽ tranh cát từ nghệ nhân Ý Lan (người được xem là sáng tạo ra nghệ thuật tranh cát ở Việt Nam). Sau 2 năm học và làm việc tại TPHCM, với những kiến thức tích lũy được, anh Dũng quyết định đưa nghệ thuật tranh cát về Đà Nẵng.
Thời gian đầu, anh Dũng gặp không ít khó khăn vì nghệ thuật tranh cát vốn khá xa lạ với nhiều người, nhất là ở khu vực miền Trung. Mất thời gian dài để tạo ra sản phẩm, nhưng lợi nhuận thu được không đủ để trang trải cuộc sống khiến anh nhiều lần muốn bỏ cuộc. Anh Dũng chọn quán cà phê của một người quen để làm nơi sáng tác và trưng bày sản phẩm. Tham gia trải nghiệm tại không gian sáng tác của anh Dũng, nhiều người đã thích thú khi chứng kiến đôi bàn tay khéo léo từng bước cho những bức tranh cát độc đáo.
“Ít ai nghĩ rằng những hạt cát vô tri lại tạo nên một bức tranh đầy màu sắc, sống động đến như vậy. Ban đầu nhìn có vẻ dễ nên tôi cũng muốn làm thử, anh Dũng cũng nhiệt tình hướng dẫn, nhưng nói thật, bộ môn này rất khó, đòi hỏi sự kiên nhẫn cao, không phải một sớm một chiều là làm được ngay”, anh Phan Thanh Nguyên (đến từ Quảng Bình) chia sẻ.
Giờ đây, sau hơn 15 năm miệt mài với nghề tranh cát, anh Phan Quang Dũng đang từng ngày đưa bộ môn nghệ thuật này đến gần hơn với người dân và du khách thành phố biển. Những bức tranh với chủ đề phong cảnh, chân dung, thư pháp... được trưng bày tại các triển lãm, sự kiện lớn của TP Đà Nẵng. Với mong muốn truyền cảm hứng nghề, anh Dũng sẵn sàng chỉ dạy, hướng dẫn cho những bạn trẻ, những người khuyết tật trên địa bàn thành phố về nghệ thuật vẽ tranh cát.
“Niềm hạnh phúc của người sáng tác là chứng kiến sản phẩm của mình được trưng bày ở những sự kiện lớn và được mọi người để ý, đó là nguồn động lực rất lớn”, anh Dũng trải lòng.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/an-tuong-voi-tranh-cat-cua-chang-trai-da-nang-post780976.html