An Vạn Thịnh và chuyện xuất khẩu rau, củ, quả Việt
Không nổi tiếng tại thị trường trong nước nhưng từ năm 2007 trở lại đây, An Vạn Thịnh là cái tên được 'đóng dấu chất lượng' trong đội ngũ các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản Việt ra thị trường quốc tế. Đóng chân nhà máy tại đường Lý Thường Kiệt, thành phố Bảo Lộc, An Vạn Thịnh đã chọn được một vùng nguyên liệu tập trung dồi dào, tạo cơ sở để hàng hóa vươn tới các thị trường xa.
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Thực phẩm An Vạn Thịnh chia sẻ, công ty thành lập từ năm 2007 và mục tiêu từ khi thành lập là chế biến nông sản để xuất khẩu. Chị Tuyết cho biết: “Ngay từ ban đầu, công ty chúng tôi đã định hướng vùng nguyên liệu cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng, máy móc, quy trình sản xuất hướng tới việc xuất khẩu là chủ đạo. Hiện công ty chủ yếu đang sản xuất mảng cáp đông rau, củ, quả để cung cấp cho thị trường các nước tại hầu hết các châu lục, cả Hàn Quốc, Trung Quốc, Asean, các nước châu Âu”. Mỗi năm, trung bình An Vạn Thịnh xuất khẩu 2-3 ngàn tấn rau, củ cáp đông các loại như bắp, khoai, thanh long, chanh dây, xoài…, đưa nông sản Việt tới thị trường nước bạn, trong đó có không ít nông sản có nguồn gốc cao nguyên Lâm Đồng.
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết chia sẻ, làm hàng xuất khẩu, điều phải quan tâm nhất chính là đảm bảo chất lượng đúng theo yêu cầu của khách hàng. Vì vậy, Công ty An Vạn Thịnh phải đảm bảo được an toàn từ khâu đầu vào tới khâu đầu ra. Đầu vào chủ yếu là các loại nông sản của Lâm Đồng như chanh dây, khoai, thơm và trái cây đến từ các tỉnh miền Tây như thanh long, xoài… Liên kết với các trang trại, nông hộ hay HTX, công ty kiểm soát chất lượng đầu vào rất nghiêm ngặt, đặc biệt kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chị Tuyết cho biết, nhiều nông trại chanh dây ở Đức Trọng, Bảo Lộc, vùng khoai lang ngọt Japan potato ở Đam Rông liên kết chặt chẽ với công ty, công ty bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cả hợp lý. Quy trình sản xuất, máy móc của nhà máy cũng phải đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt từ các thị trường khó tính như châu Âu. Chị Tuyết cho biết, công ty đã đạt tiêu chuẩn BRC (British Retailer Consortium - tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do Hiệp hội bán lẻ Anh thiết lập), tiêu chuẩn được hầu hết các quốc gia chấp nhận khi xuất - nhập khẩu thực phẩm. Ngoài BRC, công ty còn đạt nhiều chứng chỉ đặc biệt như Halal, Kosher để cung cấp hàng hóa cho người Hồi giáo, người Do Thái toàn thế giới.
Ngoài kiểm soát chất lượng, hàng nông sản xuất khẩu đòi hỏi rất kỹ về quy cách sản phẩm, chị Tuyết cho biết. Hàng dài bao nhiêu, bản rộng thế nào, nhà máy phải sản xuất đúng theo yêu cầu của khách hàng. Có kinh nghiệm 12 năm làm hàng xuất khẩu, An Vạn Thịnh luôn đảm bảo chính xác quy cách hàng chuẩn, đúng hợp đồng. Chị Tuyết cho biết, công ty có thực hiện gia công cho khách hàng dưới thương hiệu của họ. Đồng thời, với những mặt hàng phổ biến, công ty có chế biến và xuất khẩu trực tiếp dưới thương hiệu AnvanthinhFood. Khách hàng tại các thị trường cao cấp rất thích hương vị tự nhiên của sản phẩm. Phải làm sao để miếng khoai, miếng thanh long, miếng xoài, ly chanh dây đảm bảo hương vị tươi ngon như dùng trái tươi là đạt yêu cầu của người tiêu dùng. Thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Israel thích những loại trái cây mang hương vị nhiệt đới như thanh long, chanh dây, xoài, chuối. Thị trường châu Á hay sử dụng khoai, bắp, lá dứa thơm. Với mỗi thị trường, định hình được thói quen tiêu dùng cũng góp phần đảm bảo hàng hóa nâng cao khả năng cạnh tranh. Ngoài xuất khẩu là chủ đạo, An Vạn Thịnh có thực hiện cung cấp nguyên liệu thô cho một số công ty lớn như Highland coffee, Vinafood.
Ngoài mảng cấp đông rau, củ, quả truyền thống, mới đây An Vạn Thịnh có làm thêm dây chuyền nấu syrup hoa quả, rau củ các loại. Nấu syrup giúp bảo quản nông sản được lâu, phục vụ nhu cầu pha chế nước, làm bánh, ăn kèm với các loại bánh mì, bánh ngọt… của khách hàng. Bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đánh giá, sự phát triển của Công ty An Vạn Thịnh là hướng phát triển rất tốt, góp phần bao tiêu vùng nông sản lớn. Định hướng của An Vạn Thịnh phù hợp với định hướng phát triển của Lâm Đồng, đó là chế biến sâu nông sản, nâng giá trị rau củ quả, đồng hành cùng người nông dân đưa nông sản Việt ra thế giới.