An vị xá-lợi Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại tổ đình Từ Hiếu sau gần 20 giờ trà-tỳ
Rạng sáng 30-1, sau khi trà-tỳ nhục Thiền sư Thích Nhất Hạnh gần 20 giờ, môn đồ pháp quyến đã thu xá-lợi, phân bố thành 6 phần, cung thỉnh trở về an vị tại thiền đường Trăng Rằm - Tổ đình Từ Hiếu, cố đô Huế.
Trước đó, ngày 29-1, kim quan Thiền sư Thích Nhất Hạnh được trà-tỳ nơi đài hỏa táng thủ công ở Công viên nghĩa Vĩnh Hằng vào lúc khoảng 10 giờ sáng, và lửa ngọn cháy liên tục suốt 16 tiếng đồng hồ, chưa kể thời gian dừng lửa ngọn, chờ nguội.
Chia sẻ với Báo Giác Ngộ, các nghệ nhân truyền thống của làng nghề đúc đồng ở Phường Đúc cho biết, so với lần trà-tỳ Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang trước đây, đài trà-tỳ Thiền sư Thích Nhất Hạnh lần này có thời gian và kinh nghiệm, được gia cố về kỹ thuật nên nhiệt độ bên trong cao hơn, xấp xỉ 1.000 độ C tại thời điểm lửa cháy ngọn.
Các vị pháp tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thu xá-lợi xương và tro sau trà-tỳ phân thành 6 phần, đựng trong 6 bình sứ trước sự chứng dự của Hòa thượng Thích Giác Quang, Hòa thượng Thích Chí Thắng và chư tôn đức.
Hòa thượng Thích Giác Đạo cùng chư Tăng cử hành lễ cung thỉnh xá-lợi về an vị tại thiền đường Trăng Rằm, sau đó cung thỉnh lên thất Lắng Nghe - nơi sinh tiền Thiền sư Thích Nhất Hạnh tịnh dưỡng, trong khuôn viên chùa Từ Hiếu.
Xá-lợi (舍利), Phạn ngữ sárīra, nguyên nghĩa là tử thi, di cốt, xương cốt còn lại sau khi chết, còn gọi là thật-lợi (實利), thiết-lợi-la (設利羅), thất-lợi-la (室利), tất cả đều chỉ cho xương cốt còn lại sau khi thiêu. Thông thường, khi chỉ cho di cốt của Phật, gọi là Phật cốt (佛骨), Phật xá-lợi (佛舍利). Sau này, tất cả chư vị cao tăng viên tịch, sau khi thiêu, tro cốt còn lại đều được gọi là xá-lợi.