Ăn vô độ tâm thần và chán ăn tâm thần trong xã hội hiện đại
Một trong những mặt trái của cuộc sống hiện đại là các vấn đề về sức khỏe tâm thần có xu hướng ngày càng gia tăng do con người phải chịu nhiều áp lực về học tập, công việc và các mối quan hệ xã hội.
Chán ăn tâm thần và ăn vô độ tâm thần cũng là hệ quả của tình trạng căng thẳng, lo âu, trầm cảm, nhưng lại ít được quan tâm. Đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này ở nước ta. Trong khi đó, bệnh nhân đến khám chuyên khoa sức khỏe tâm thần ngày càng nhiều.
Căng thẳng, xấu hổ vì việc bị chê bai, cười nhạo về tình trạng thừa cân, béo phì là nguyên nhân đầu tiên và cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy thanh thiếu niên (đặc biệt là nữ giới) mắc rối loạn ăn vô độ tâm thần.
Theo Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia Mỹ có 40–60% trẻ em từ 6-12 tuổi ở nước này lo lắng về cân nặng hoặc sợ trở nên béo phì. Gần 69% các em quan tâm đến những bức ảnh trên phương tiện truyền thông về hình dáng cơ thể được cho là hoàn hảo và 47% cho biết những hình ảnh này khiến các em muốn giảm cân để trông giống những bức ảnh đó. Cũng từ đây dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng chất dẫn truyền trong não và sinh ra chứng bệnh chán ăn tâm thần hoặc ăn vô độ tâm thần.
Thạc sĩ tâm lý Bùi Văn Toàn, Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương cho biết: “Thường mọi người hay nghĩ trầm cảm thì phải ngủ kém, ăn kém nhưng thực ra trầm cảm cũng có những biểu hiện của ăn nhiều, ngủ nhiều để bù lại năng lượng của não đã bị giảm sút, do chất dẫn truyền trong não thuyên giảm do căng thẳng, lo âu, rối loạn tâm thần. Nhưng khi tăng cân thì bệnh nhân lại bắt đầu mặc cảm, tự ti vì bị béo nên muốn giảm cân”.
Qua thực tế tiếp nhận điều trị cho những trường hợp chán ăn tâm thần và ăn vô độ tâm thần, các bác sĩ Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương chia sẻ: Người bệnh thường dùng các biện pháp cực đoan để giảm tác dụng gây béo của thức ăn đã dùng. Bên cạnh việc nhịn ăn hoặc tập thể dục quá mức, nhiều người chọn cách tự gây nôn hoặc lạm dụng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu, thuốc tháo thụt để làm sạch thức ăn. Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, mất cân bằng nội tiết tố, hạ huyết áp, loạn nhịp tim, thiếu máu. Nếu không được can thiệp, điều trị kịp thời, bệnh nhân thường chọn cách tự sát.
“Chúng tôi lo ngại nhất là bệnh nhân ăn vô độ, chán ăn tâm thần thì không lo ngại lắm, nhưng mà khi rơi vào tình trạng ăn vô độ thì nhiều người rất bi quan. Chán ăn tâm thần người ta chỉ ăn ít để được gầy, sau đó có thể bị suy nhược cơ thể nhưng mà ăn vô độ là người ta cứ ăn vào xong rồi thải ra, khiến cho họ luôn trong trạng thái đau khổ. Ăn vô độ tức là họ không thể cưỡng lại cái đói nhưng khi thải ra thì rất đau khổ, cứ thế giằng xé tâm lý nên tỷ lệ tự sát rất cao”, Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Sơn Tùng cho hay.
Theo một số nghiên cứu trên thế giới, ăn vô độ tâm thần thường khởi phát ở tuổi vị thành niên và thanh niên; Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở phụ nữ từ 20–29 tuổi. Ở nam giới, tỷ lệ mắc bệnh thấp, dao động từ 0,9 đến 1,6%. Còn với chán ăn tâm thần tỉ lệ mắc là từ 8 đến 13 trường hợp/100.000 người… Lời khuyên mà các chuyên gia đưa ra là khi có các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần cần phải được sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.