An Xuyên: Chợ làng trong phố

Chợ An Xuyên (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) nằm giữa khu dân cư đông đúc. Bao năm qua, không khí mua bán ở đây vẫn vẹn nguyên nét đặc trưng chợ quê truyền thống.

3 lần dời chợ

Là một trong những người chứng kiến sự hình thành và phát triển của chợ An Xuyên, ông Huỳnh Hữu Tâm (SN 1958, trú tại tổ 4, phường Tây Sơn) cho biết: Năm 1992, tại khoảnh đất gần nhà ông sinh sống hiện nay, có 2 tiểu thương đến thuê mặt bằng dựng sạp bán thịt heo, thịt bò. Thấy vậy, bà con trong xóm mang mớ rau, quả bí, quả mướp, chục trứng, ký cá, ký tôm bán lấy tiền để thêm đồng mắm, đồng muối.

Chợ nhóm họp được gần 2 năm thì chính quyền địa phương vận động người dân, tiểu thương chuyển vào bên trong đường Trần Phú-nơi tiếp giáp với đường Nguyễn Trãi ngày nay để thuận tiện cho việc mua bán.

Chợ An Xuyên (thị xã An Khê) luôn nhộn nhịp, tấp nập. Ảnh: N.M

Chợ An Xuyên (thị xã An Khê) luôn nhộn nhịp, tấp nập. Ảnh: N.M

Khi dời về vị trí mới, chợ có mặt bằng thông thoáng, đi lại thuận lợi nên càng thu hút đông đảo người bán, người mua. Chợ đông, những gia đình ở khu vực lân cận mở sạp bán đồ ăn sáng như: bánh bèo, bánh canh, bún, xôi... Nhiều gia đình nhờ bán đồ ăn mà có nguồn thu nhập ổn định, đời sống ngày càng khấm khá.

Để đáp ứng nhu cầu buôn bán của người dân, năm 2009, thị xã An Khê tiến hành khảo sát khu trường học cũ có vị trí cách điểm chợ tự phát hơn 300 m để xây dựng chợ mới. Sau gần 1 năm khẩn trương xây dựng, chợ An Xuyên hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010 đến nay. Hàng ngày, chợ họp từ sáng sớm đến quá trưa. “Qua 3 lần di dời, chợ luôn gắn với địa danh An Xuyên-khu dân cư quần tụ bên bờ Đông sông Ba hơn trăm năm”-ông Tâm chia sẻ.

Vợ chồng ông Võ Văn Tám-bà Nguyễn Thị Lan là tiểu thương buôn bán tại chợ An Xuyên từ ngày đầu đến nay. Ông Tám kể: Năm 1989, gia đình ông từ huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) lên An Khê lập nghiệp. Vợ chồng ông làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Sau những lần chở heo thuê cho thương lái, ông đã học được nghề mổ heo.

“Hàng ngày, tôi mổ 1 con heo bán tại chợ An Khê. Đến năm 1992, vợ chồng tôi thuê khoảnh đất gần nhà mở sạp bán thịt. Trong quá trình buôn bán, tôi luôn lấy chữ tín làm đầu nên chợ có chuyển đi đâu thì khách hàng vẫn tìm đến mua. Cũng do vậy mà việc buôn bán của gia đình ngày một phát triển. Đến nay, tôi đã mở lò mổ, cung ứng ra thị trường mỗi ngày hơn 1 tấn thịt heo”-ông Tám bộc bạch.

Nhộn nhịp bán mua

Có thâm niên hơn 30 năm bán thức ăn sáng tại chợ An Xuyên, chỉ cần thấy khách hàng đến gần quán là bà Phan Thị Vinh đã nhanh nhảu mời chào, giới thiệu từng thức món, giá tiền. Nếu gặp khách quen, bà Vinh hỏi han, chuyện trò rôm rả. Người này đến, khách kia đi, câu chuyện thân tình nối tiếp đến khi vãn chợ.

“Khách hàng chủ yếu là bà con chòm xóm. Chị em buôn bán lâu năm, người lạ cũng nên thân. Tôi đặt mua bún, bánh, trứng, thịt, rau sống... của chị em tiểu thương trong chợ. Ngược lại, lúc đói bụng, mọi người sang hàng của tôi ăn sáng. Mối quan hệ này đã giúp chúng tôi gắn kết hơn trong kinh doanh, buôn bán, hỗ trợ nhau cùng phát triển”-bà Vinh thủ thỉ.

Mớ cá, tôm tươi rói được người dân đánh bắt ở sông Ba đem bán tại chợ An Xuyên kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Ngọc Minh

Mớ cá, tôm tươi rói được người dân đánh bắt ở sông Ba đem bán tại chợ An Xuyên kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Lữ Văn Tâm-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tây Sơn: Chợ An Xuyên còn lưu giữ nhiều đặc điểm của một chợ truyền thống. Không chỉ là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân, giúp nhiều hộ có chỗ buôn bán ổn định, cải thiện thu nhập, chợ duy trì hoạt động còn góp phần giải quyết nhu cầu tiêu dùng của xã hội, tăng giá trị ngành thương mại, tăng thu ngân sách trên địa bàn phường.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hà (tổ 4, phường Tây Sơn) phấn khởi nói: “Từ ngày chợ An Xuyên chuyển về gần nhà, tôi gần như bỏ thói quen mua cá, thịt tích trữ trong tủ lạnh, thay vào đó mua một vài loại thực phẩm tươi ngon ăn trong ngày. Chợ nhỏ nhưng hàng hóa đa dạng, phong phú, từ các loại nông sản, hải sản tươi sống đến quần áo, giày dép, đồ gia dụng, đồ khô, bánh kẹo. Việc trao đổi, mua bán diễn ra thân tình, tạo cho khách hàng cảm giác nhẹ nhàng, thiện cảm”.

Chợ An Xuyên có tổng diện tích hơn 1.400 m2. Chợ được thị xã An Khê đầu tư xây dựng và giao cho phường Tây Sơn quản lý. Phường Tây Sơn đã bố trí 44 lô trong nhà lồng và 126 lô bên ngoài để tiểu thương, người dân ổn định buôn bán; đồng thời, lắp đặt hệ thống điện, bổ sung bình chữa cháy, thùng đựng rác và giao cho Tổ quản lý chợ phối hợp với Ban Quản lý dịch vụ đô thị thị xã hàng tuần thu gom vận chuyển rác, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ông Lê Văn Phúc-Tổ trưởng Tổ quản lý chợ An Xuyên-cho biết: “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các tiểu thương và người dân giữ vệ sinh chung, không vứt rác bừa bãi, không gây mất an ninh trật tự; phối hợp với cảnh sát khu vực vận động bà con không mua bán trên trục đường Trần Phú, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và kịp thời giải quyết mâu thuẫn, vụ việc trong mua bán”.

NGỌC MINH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/an-xuyen-cho-lang-trong-pho-post290984.html