An yên dưới những mái nhà cổ

PTĐT - Chớm thu, đường về Cẩm Khê mùa này như đẹp hơn bởi màu xanh của những cánh rừng cọ. Trong ngôi nhà cổ đã trăm năm tuổi nhuốm màu thời gian, bên ấm trà nóng, chúng tôi được nghe kể về việc gìn giữ nền nếp gia phong, được đắm mình trong không gian văn hóa xưa, một cảm giác thân quen đến lạ và có sức hút...

Căn nhà cổ của gia đình ông Hoàng Văn Phú luôn được giữ gìn, bảo vệ qua thời gian.

Căn nhà cổ của gia đình ông Hoàng Văn Phú luôn được giữ gìn, bảo vệ qua thời gian.

Thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê đang trở thành vùng đất có tiềm năng phát triển kinh tế và ngày càng thay da đổi thịt. Thấp thoáng sau những con đường phủ bóng cây xanh là những ngôi nhà kiến trúc cổ còn lưu giữ được gắn với lịch sử của làng, của các dòng họ qua bao thế hệ đã làm phong phú và mang đậm dấu ấn văn hóa nơi đây. Pha ấm trà mời khách, ông Hoàng Văn Phú, chủ nhân của ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm tuổi ở khu Quyết Thắng tự hào kể: Đến nay, niên đại của ngôi nhà này vẫn chưa biết chính xác, chỉ biết rằng nhiều thế hệ gia đình tôi đã ở và gìn giữ ngôi nhà để nó phần nào giữ được vẻ đẹp nguyên gốc. Chúng tôi quan niệm rằng gìn giữ nếp nhà như gìn giữ gia phong. Giờ anh em trong gia đình ai cũng đã có cuộc sống riêng, ổn định nhưng ngôi nhà này vẫn là nơi anh em con cháu trở về mỗi dịp lễ, Tết để cầu chúc sức khỏe, những điều may mắn; giáo dục con cháu biết trân trọng và phát huy những gì cha ông đã xây đắp.Ngôi nhà cổ của gia đình ông Phú được xây dựng quay về hướng Nam, theo quan niệm của ông cha mùa đông ấm áp, mùa hè mát mẻ. Nhà thiết kế theo kiểu lộn thềm, cửa bức bàn, gồm 3 gian, 2 chái. Ba gian chính giữa dùng để thờ tự, các gian còn lại dùng để sinh hoạt. Gian thờ gia tiên vẫn còn giữ được những vật quý như: Long ngai, bát hương, hoành phi, câu đối. Ngôi nhà được làm bằng nhiều loại gỗ: Xoan, mít, sến, lát và được thiết kế đẹp mắt bởi các họa tiết chính là “long, ly, quy, phượng”, “tùng, trúc, cúc, mai”. Các hàng chân cột kê trên bệ đá được dựng theo kiểu quá giang vượt tường. Từ ngoài vào, phần mái nhà được lợp lá; trên các vì kèo của ngôi nhà có nhiều họa tiết sinh động như: Hình đầu rồng, hoa văn, chữ thọ,… được sắp đặt nối tiếp nhau theo một vòng tương sinh. Phần cửa của ngôi nhà cũng là cửa bức bàn nhiều cánh, có tác dụng điều hòa mở rộng hay đóng hẹp để lấy gió mát hay ánh sáng vào nhà. Ông Phú chia sẻ: Tôi luôn xem ngôi nhà là một báu vật cha ông để lại. Nó không chỉ mang ý nghĩa là mái ấm chở che cho các thế hệ trong gia đình khôn lớn, trưởng thành, mà nó còn là nơi để giáo dục các con cháu hiểu được những tinh tế trong kiến trúc nhà ở, nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt của ông cha, trở về với nguồn cội.

Một căn nhà cổ ở Cẩm Khê.

Một căn nhà cổ ở Cẩm Khê.

Mỗi ngôi nhà cổ ở Cẩm Khê đều có nét độc đáo và cách bài trí riêng thể hiện sự tinh tế, phong phú trong cuộc sống của người xưa. Gia đình ông Hoàng Văn Công ở khu Tiền Phong cũng đang sở hữu ngôi nhà trên 100 năm tuổi. Ông Công cho biết: Tính đến thế hệ tôi đã có 5 đời ở ngôi nhà cổ này. Nghe cha tôi kể lại, ngôi nhà được cụ tôi sau khi tích cóp đủ gỗ rồi thuê thợ từ dưới xuôi lên dựng, trên nền diện tích gần 100m2. Hiện nay, ngôi nhà này chỉ còn hai vợ chồng tôi ở, nhưng mỗi khi vào dịp giỗ chạp, lễ, Tết, các con cháu lại về đây để tụ họp, lễ bái đông đủ khiến tình cảm anh em, họ hàng thêm bền chặt.

Toàn bộ căn nhà đều dùng gỗ quý để xây cất từ cột, kèo, mè, dui, đến cửa, nóc lợp bằng ngói, nền lát gạch vuông. Ngôi nhà của ông Công cũng được kết cấu theo kiểu 3 gian, 2 chái. Cách đây hơn 3 năm, ông Công đã từng có ý định tháo dỡ mái hiên nhà và sửa chữa lại căn nhà do thời tiết và nước mưa làm hư hỏng. Nhưng sau nhiều ngày suy nghĩ và được bạn bè góp ý ông đã từ bỏ ý định dỡ ngôi nhà mà tìm cách bảo tồn, khôi phục ngôi nhà được nguyên vẹn theo thời gian. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ngôi nhà rất mộc mạc, bình dị nhưng ẩn chứa bên trong những giá trị kiến trúc và kỷ niệm không thể đong đếm. Bởi trong trí nhớ của ông Công những năm 1968, lúc đó cha ông đang công tác tại Huyện ủy Cẩm Khê; căn nhà cổ này lúc bấy giờ đã trở thành hội trường họp của UBND huyện nhằm tránh bị máy bay giặc Mỹ ném bom.Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung, tôn tạo các ngôi nhà cổ nói riêng là việc làm hết sức cần thiết, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam chúng ta tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, dưới sự bào mòn của thời gian, hiện nay nhiều ngôi nhà cổ đã xuống cấp. Trong đó có sự tác động do dân số hộ gia đình sở hữu nhà gỗ truyền thống tăng lên, đời sống phát triển đòi hỏi về diện tích ở dẫn đến thực trạng những nhà gỗ truyền thống dần được thay thế bởi nhà mái bằng, cao tầng với lối sống thành thị. Vì vậy, cần có những giải pháp cụ thể, đồng bộ nhằm khôi phục, phát huy kiến trúc nhà cổ. Ông Nguyễn Đức Trường - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Khê cho biết: “Theo thống kê sơ bộ trên địa bàn thị trấn hiện chỉ còn gần 10 ngôi nhà có niên đại hàng trăm năm, nằm xen kẽ ở các khu trong thị trấn. Thực tế hiện nay, phần lớn nhà cổ đều là sở hữu tư nhân. Bởi vậy, bảo tồn nhà cổ vốn đã khó, lồng ghép giữa việc bảo tồn và phát huy giá trị của nhà cổ gắn với nhu cầu của người dân lại khó khăn bội phần. Bên cạnh việc thay đổi nhận thức, tuyên truyền sâu rộng về giá trị lịch sử, văn hóa của nhà cổ đến người dân thì không thể không đề cập đến giải pháp để hỗ trợ người dân trong việc bảo tồn. Thời gian tới chúng tôi mong muốn được các cấp tạo điều kiện quan tâm tới việc phát triển bảo tồn các giá trị văn hóa mà cụ thể là những căn nhà cổ nhằm góp phần lưu dấu thời gian, làm giàu thêm cho vốn văn hóa của mảnh đất Hoa Khê xưa”.

Thu Giang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/202008/an-yen-duoi-nhung-mai-nha-co-172614