Cầu được khởi công xây dựng vào tháng 1/2018, do Ban quản lý xây dựng giao thông tỉnh Bắc Ninh làm chủ đầu tư và thực hiện quản lý khai thác vận hành. Điểm đầu cầu thuộc địa phận xã Cảnh Hưng (huyện Tiên Du) và điểm cuối dự án thuộc địa phận xã Đại Đồng Thành (huyện Thuận Thành). Vị trí cầu cách lăng Kinh Dương Vương khoảng 500m về phía thượng lưu, góp phần kết nối giao thông các khu di tích lịch sử phía nam và phía bắc sông Đuống tại tỉnh Bắc Ninh.
Video và chùm ảnh phóng viên ghi nhận tiến độ thi công của cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành vào cuối tháng 3/2023:
Phối cảnh cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành với kiến trúc 5 vòm chịu lực, mang hình tượng cặp rồng thời Lý, thân rồng cuộn hình chữ S, giữa đỉnh vòm là đầu cặp rồng cất cao, đối xứng nhau qua hòn ngọc, tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời. Mỗi thân rồng có 12 vây tượng trưng cho 12 tháng mưa thuận gió hòa trong năm.
Cầu có điểm đầu tại xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du và điểm cuối tại xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành. Vị trí cầu cách Lăng Kinh Dương Vương khoảng 500m về phía thượng lưu, góp phần kết nối giao thông các khu di tích lịch sử phía Nam và phía Bắc sông Đuống tại tỉnh Bắc Ninh.
Cầu dài hơn 1,5km, gồm 6 nhịp cầu với tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng. Đến nay cầu đã hoàn thành 80% khối lượng công trình.
Phần thân cầu được làm bằng bê tông cốt thép, kết hợp vòm thép và hệ dây cáp treo vào mặt cầu; khổ thông thuyền (rộng 50m, cao 9,5m), cầu chính dài 440m, cầu dẫn phía Bắc dài hơn 623m, phía Nam dài hơn 173m.
Theo đại diện tư vấn giám sát công trình cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành, đây là cây cầu có kiến trúc đẹp, tính thẩm mỹ cao, song đi liền với đó là kết cấu phức tạp.
Do phải thi công dưới sông có mực nước sâu nên yếu tố an toàn luôn được đặt lên hàng đầu.
Từ mặt nước lên tới đỉnh vòm thép của cầu có độ cao lên đến 87m.
Mặt cắt ngang cầu rộng 22,5m, thiết kế 4 làn xe ô tô, lề bộ hành mỗi bên 2m.
Phần cầu dẫn lên cầu được thiết kế rộng 22,5m, mỗi bên hai làn xe hỗn hợp, mỗi bên một làn rộng 2m, cao 1,75m so với mặt cầu để cho người đi bộ ngắm cảnh, tham quan.
Phần cầu dẫn đã hoàn thành thi công bê tông bản mặt cầu, thảm nhựa.
Các hạng mục như lan can, dải phân cách... đã hoàn thiện.
Xác định năm 2023 là năm tăng tốc về đích, nên ngay từ những ngày đầu năm, các nhà thầu chủ động tăng cường thêm nhân lực, tổ chức 7 mũi thi công liên tục không kể ngày đêm; huy động các trang thiết bị, phương tiện và máy móc thi công hiện đại nhất có mặt trên công trường quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Đại diện liên danh nhà thầu cho biết, mặc dù chỉ còn 11/34 đốt vòm thép chưa lắp đặt song đây lại là những phần việc khó khăn nhất do thời tiết mưa nhiều, việc thi công trên sông, trên đà giáo thép hình có độ cao lớn, trơn trượt, rất nguy hiểm.
Các đơn vị thi công phấn đấu hoàn thành việc lắp vòm thép trong tháng 3/2023.
Sau đó sẽ tháo dỡ đà giáo, hoàn thành căng cáp và thông xe dịp 30/4; hoàn thiện các hạng mục còn lại, tháo dỡ hệ trụ tạm, đà giáo K0, KT và đưa công trình vào sử dụng theo đúng tiến độ.
Hiện tại đây là cây cầu kết cấu nhịp vòm thép cao nhất Việt Nam với chiều cao 67m (từ mặt cầu lên đỉnh vòm).
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc điều hành dự án cầu Phật Tích cho biết: Hạng mục kết cấu cầu dẫn và cầu chính hoàn thành 100% khối lượng công việc, đơn vị nhà thầu đang tập trung thi công 5 nhịp vòm thép.
Cầu Phật Tích -Đại Đồng Thành được kì vọng sẽ góp phần hình thành mạng giao thông khép kín giữa khu vực Bắc Đuống và Nam Đuống, kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và phụ cận như: Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương qua quốc lộ 1, quốc lộ 38, quốc lộ 5, quốc lộ 17...
Trung Nguyên/Báo Tin tức