Anh - Ấn Độ đạt hiệp định thương mại lớn
Anh và Ấn Độ xác nhận hiệp định thương mại tự do được đánh giá là 'tham vọng' sau ba năm đàm phán gián đoạn.
Thỏa thuận này đạt được trong bối cảnh nhiều nước đang gấp rút tìm kiếm đối tác thương mại mới nhằm ứng phó với làn sóng thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khởi động gần đây.
Hiệp định giữa hai nền kinh tế lớn thứ năm và thứ sáu thế giới này dự kiến sẽ giúp gia tăng thương mại song phương thêm 25,5 tỷ bảng Anh (tương đương 34 tỷ USD) vào năm 2040. Đây được xem là thỏa thuận thương mại lớn nhất của Anh kể từ khi rời Liên minh châu Âu vào năm 2020.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi đây là một bước tiến “mang tính đột phá”, trong khi Thủ tướng Anh Keir Starmer nhấn mạnh thỏa thuận này sẽ mở ra “kỷ nguyên mới cho thương mại” giữa hai nước.

Anh-Ấn ký hiệp định thương mại lớn.
Cắt giảm mạnh thuế quan, mở rộng tiếp cận thị trường
Theo thỏa thuận, thuế nhập khẩu rượu whisky vào Ấn Độ sẽ giảm từ 150% xuống còn 75%, và sẽ tiếp tục hạ còn 40% trong vòng 10 năm. Ngành ô tô cũng được hưởng lợi từ cơ chế hạn ngạch, với mức thuế nhập khẩu giảm từ hơn 100% xuống còn 10%. Anh cũng được phép tham gia đấu thầu nhiều hợp đồng công tại Ấn Độ, trong khi hàng xuất khẩu Ấn Độ – bao gồm dệt may – được hưởng ưu đãi thuế 0% với 99% dòng sản phẩm.
Thỏa thuận cũng bao gồm quy định về “xuất xứ hàng hóa”, cho phép các nhà sản xuất được hưởng ưu đãi thuế ngay cả khi sử dụng nguyên liệu từ nước thứ ba.
Vấn đề di chuyển lao động và an sinh xã hội
Một nội dung gây tranh cãi trong nước Anh là điều khoản liên quan đến di chuyển lao động. Theo đó, các chuyên gia từ Ấn Độ sẽ được tạo điều kiện hơn khi làm việc tại Anh. Đồng thời, một hiệp định song song về an sinh xã hội được ký kết, giúp người lao động tạm thời giữa hai nước không phải đóng bảo hiểm xã hội hai lần.
Bộ trưởng Thương mại Anh Jonathan Reynolds khẳng định các thay đổi là “khiêm tốn” và không ảnh hưởng đến hệ thống nhập cư hiện tại. Ông nhấn mạnh: “Không có điều khoản nào trong thỏa thuận làm thay đổi chính sách visa cho sinh viên".
Tuy nhiên, bà Kemi Badenoch – cựu bộ trưởng thương mại, hiện là lãnh đạo phe Bảo thủ đối lập – cho biết bà từng từ chối ký thỏa thuận này vì yêu cầu từ phía Ấn Độ về visa và an sinh xã hội.
Một bước đệm cho các thỏa thuận lớn hơn
Dù văn bản chính thức chưa được công bố và còn chờ rà soát pháp lý, các quan chức hai nước xác nhận đàm phán nội dung hoàn tất. Thủ tướng Modi mời ông Starmer sang thăm Ấn Độ trong cuộc điện đàm chúc mừng.
Thỏa thuận cũng mở đường cho các cuộc đàm phán đầu tư song phương, bao gồm cả lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, một số khác biệt vẫn còn tồn tại và sẽ được tiếp tục giải quyết trong thời gian tới.
Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Anh – dự kiến áp thuế cao hơn đối với các quốc gia phát thải nhiều từ năm 2027 – không được đề cập trong thỏa thuận, dù Ấn Độ từng yêu cầu được miễn trừ.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/anh-an-do-dat-hiep-dinh-thuong-mai-lon-ar941845.html