Anh Ba Hưng của ngành Quân y Khu 8
Trung tướng Nguyễn Bình không những có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ, mà còn có đóng góp đáng kể vào quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành Quân y Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chủ trương 'chiêu hiền đãi sĩ', Trung tướng đã vận động, thuyết phục được nhiều trí thức ở Nam bộ theo kháng chiến, cống hiến trong ngành Quân y, trong đó có Bác sĩ Trần Nam Hưng (còn gọi là anh Ba Hưng) tự nguyện từ bỏ cuộc sống giàu sang chốn thị thành ra Chiến khu Giồng Dinh tham gia kháng chiến.Bác sĩ Trần Nam Hưng sinh năm 1915, tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), nguyên Trưởng phòng Quân y Khu 8 (trong kháng chiến chống Pháp) và Phó Trưởng phòng Quân y Miền (B2) trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chăm sóc thương binh trong vùng căn cứ Đồng Tháp Mười.
Thuở nhỏ, ông từng học Trường Collège de Mytho và lyceé Petrus Ký. Năm 1936, thi đỗ vào Trường Đại học Y khoa Đông Dương tại Hà Nội. Năm 1943, tốt nghiệp ra trường và làm bác sĩ trong một bệnh viện quân đội Pháp ở Phnômpênh (Campuchia).
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông về quê và được cử làm Trưởng ty Y tế tỉnh Mỹ Tho. Cuối năm 1945, trong một trận càn quét của quân Pháp, ông bị địch bắt giam tại Khám lớn Sài Gòn. Sau đó, ông bị chính quyền thực dân ép buộc phải làm bác sĩ điều trị với lon quan hai (trung úy) tại một quân y viện của Pháp, có phiên hiệu là HEM tại nhà thương Chợ Rẫy. Tại đây, ông đã tiếp thu một phương pháp mới trong điều trị vết thương của Tây y.
Cách đây 67 năm, ngày 27-2-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế. Từ đó, ngày 27-2 trở thành Ngày Thầy thuốc Việt Nam. 67 năm qua, Ngành Y tế Việt Nam không chỉ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân, mà còn đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển của y học thế giới. Suốt chặng đường phấn đấu, trưởng thành cùng đất nước, ngành Y tế Việt Nam đã có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ.
Nghi ngờ ông là người của Việt Minh cài vào, viên đại tá quân y trưởng cho một nữ trợ tá quân đội bí mật theo dõi, phát hiện và bị bọn chúng sa thải. Ngay sau đó, ông mở phòng mạch tư tại đường Foucaul (nay là đường Nguyễn Phi Khanh, TP. Hồ Chí Minh) để có điều kiện mua thuốc men và dụng cụ y tế gửi ra chiến khu. Đồng thời, ông thường xuyên liên lạc với các nhà trí thức yêu nước, tiến bộ ở Sài Gòn.
Khoảng cuối năm 1947, qua những đồng nghiệp đã theo kháng chiến, ông biết ở các chiến khu thuộc Nam bộ đang rất cần thầy thuốc để cứu chữa bộ đội bị thương và bị bệnh. Một hôm, qua người bạn thân là Luật sư Bùi Thị Cẩm, là vợ của Luật sư Phạm Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam bộ, ông đã bí mật ra Chiến khu Giồng Dinh, tận mắt chứng kiến sự phát triển của cuộc kháng chiến, đã nhận ra một điều mà lâu nay ông còn mơ hồ, đó là chỉ có đi theo kháng chiến thì những trí thức mới được tôn trọng và có điều kiện để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Những lần tiếp xúc với Tư lệnh Nguyễn Bình tuy ngắn ngủi, nhưng đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong tâm thức của ông. Nhận thấy Bác sĩ Ba Hưng ra bưng để biết sự thật ở các chiến khu mà chưa quyết định theo kháng chiến, Trung tướng Nguyễn Bình cấp cho ông một tấm thẻ có dòng chữ tự tay Trung tướng viết: “Khi nào Bác sĩ Ba Hưng có việc cần gặp tôi, liên lạc phải giúp đỡ Bác sĩ”.
Tháng 6-1947, ông bí mật rời khỏi Sài Gòn vào Chiến khu 8 đặt ở Đồng Tháp Mười, được Tư lệnh Nguyễn Bình giao ngay nhiệm vụ mở các lớp đào tạo cứu thương, y tá cho ngành Quân y Khu 8 tại vùng Ba Thu ở giữa Đồng Tháp Mười. Cuối tháng 11-1948, Phòng Quân y Khu 8 xây dựng một viện quân y tại một trại giồng gần Ba Thu, lấy phiên hiệu là Giồng Nhà thương. Khi Viện Quân y Giồng Nhà thương xây dựng xong, ông được Tư lệnh Nguyễn Bình giao phụ trách. Đáp lại sự tin tưởng và ân cần của Tư lệnh, ông rất hăng hái và tận tình phục vụ thương binh, bệnh binh.
Trong những năm tháng phục vụ ở Viện Quân y Giồng Nhà thương, Bác sĩ Ba Hưng có một kỷ niệm rất khó quên: Có 2 thương binh được đưa tới viện, đều bị gãy xương cánh tay trong Chiến dịch Cầu Kè. Bác sĩ Ba Hưng đã điều trị cho 2 thương binh theo phương pháp HEM, là một kỹ thuật mới trong điều trị gãy xương mà ông tiếp thu được khi còn làm việc ở đơn vị HEM của quân Pháp, chỉ trong một thời gian ngắn trị lành vết thương.
Dịp này, Tư lệnh Nguyễn Bình bảo chụp cho Bác sĩ Ba Hưng và 2 thương binh này một kiểu làm kỷ niệm, đánh dấu một thành công của Viện Quân y Giồng Nhà thương. Vài ngày sau, một nhân viên của Văn phòng Bộ Tư lệnh Nam bộ đưa cho Bác sĩ Ba Hưng một bức thư, trong đó có bức ảnh lớn chụp ông cùng 2 thương binh, với mấy chữ đề tặng của Trung tướng Nguyễn Bình, được ông giữ như gia bảo và đã theo ông đi khắp chiến trường Khu 8.
Hơn thế nữa, mỗi khi gặp bạn bè, đồng nghiệp, ông thường nói: “Nếu không có Trung tướng Nguyễn Bình thì Ba Hưng đã không ra Chiến khu Giồng Dinh”. Đầu năm 1949, Bác sĩ Trần Nam Hưng được giao nhiệm vụ làm Trưởng phòng Quân y Khu 8.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác ở ngành Quân y. Năm 1965, ông trở về miền Nam chiến đấu, làm Viện trưởng Quân y viện Tây Nguyên. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (tháng 4-1975), ông tham gia giải phóng Sài Gòn và được phân công tiếp quản tổng quân y viện cộng hòa của quân đội Sài Gòn. Vượt qua mọi khó khăn của những ngày đầu mới giải phóng, ông đã xây dựng nơi đây thành Viện Quân y 175 và trực tiếp làm Viện trưởng trong nhiều năm liền.
Trong quá trình công tác, với kiến thức chuyên môn sâu rộng và kinh nghiệm quý báu đã tích lũy qua hàng chục năm, ông đã góp công lớn trong việc điều trị thương binh, đào tạo nhiều lớp cán bộ cho ngành Quân y và viết nhiều tác phẩm y khoa có giá trị, được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương cao quý. Năm 1993, ông mất tại TP. Hồ Chí Minh, thọ 78 tuổi.
HỒNG LÊ (tổng hợp)
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202202/anh-ba-hung-cua-nganh-quan-y-khu-8-944631/