Anh cả

Bố mẹ tôi sinh được 6 người con nhưng toàn con trai. Mẹ tôi cứ ước mơ có đứa con gái để bầu bạn tâm sự mà không được.

Gia đình ở làng quê đồng bằng sông Hồng thuần nông. Anh là cả nên việc học hành cũng hạn chế vì phải phụ giúp bố mẹ việc đồng áng. Cuộc sống gia đình tôi cũng như bao nhà khác, không khá giả nhưng cũng không khó khăn nhiều vào thời "Tất cả cho tiền tuyến. . ."

Bước sang giữa tuổi 17, anh đi khám nghĩa vụ quân sự. Thanh niên ngày ấy đến tuổi ai cũng thế, họ rất háo hức. Anh nhỏ con nên khám là rớt, sau vài lần vẫn vậy. Lần đó đi khám nữa, cũng mới qua cân là đã bị loại dù sáng cố ăn no cũng chỉ cân được 38.5kg thôi. Ngay sáng đó, anh chạy về năn nỉ ông chú (ông Tân) làm nghề đan vá chài lưới cho mượn cục chì (làm chân chài) giắt vào thắt lưng quần trở lại cân tiếp thế là được 40.5 kg, dư nửa cân. Anh mừng lắm!

Rất nhanh! Vài ngày sau có giấy báo trúng tuyển nghĩa vụ quân sự.

Anh tôi chụp ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn 1976 và tôi. Ảnh do tác giả cung cấp.

Anh tôi chụp ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn 1976 và tôi. Ảnh do tác giả cung cấp.

Một bữa tối liên hoan trà thuốc nho nhỏ gặp gỡ chia tay bạn bè để sáng hôm sau bố tôi chở anh bằng xe đạp đến nơi tập trung chuẩn bị lên đường. Mẹ tôi ra đường quệt nước mắt nhìn theo đến khi ra tới cuối thôn không còn thấy bóng dáng nữa bà mới quay vào vỉa hè hiên nhà, cứ im lặng ngồi mãi.

Nghe nói đến điểm giao quân có làm lễ rồi xe ô tô đưa đi Hà Bắc - Nơi anh và đồng đội ở lại huấn luyện ba tháng trước khi hành quân vào Miền Nam (ấy là năm 1971).

Ba tháng quân trường rồi Nam tiến mà không một lần về thăm nhà, tôi nghe kể sau vài tháng hành quân xe, bộ thì các anh vào đến bờ Bắc sông Thạch Hãn - Quảng Trị. Anh vượt sông có lẽ cùng thời với anh Lê Bá Dương - Người lính có bài thơ nổi tiếng được khắc Bia đá ở bờ Nam sông Thạch Hãn (do NH BIDV tài trợ).

LỜI NGƯỜI BÊN SÔNG:

Đò lên Thạch Hãn ơi . . . Chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm!

Chỉ bốn câu thơ đã nói lên tất cả!

Khi vượt sông Thạch Hãn, anh tôi mới bước sang tuổi 18 đấy!

Vượt sông vào Quảng Trị là bắt đầu ngay những cuộc chiến khốc liệt giành lấy và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mà 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa 1972 thì ai cũng đã biết, lịch sử đã ghi lại, điện ảnh đã phản ánh về cuộc chiến và các anh rất nhiều và cũng khá đầy đủ đấy.

Anh kể cho tôi nghe những ngày khốc liệt ấy, có lúc tưởng như tuyệt vọng. Đơn vị các anh chỉ riêng ở huyện Văn Giang quê mình đã có 43 anh hy sinh. Nhưng ngoài những trận đánh các anh cũng có những phút giây lãng mạn nơi biển Cửa Tùng, nơi bờ Thạch Hãn.

Đầu năm 1975 là bắt đầu từ Quảng Trị những cuộc chuyển quân rầm rộ, những trận đánh rung chuyển đất trời dọc đường tiến quân cho chiến dịch giải phóng Miền Nam mùa xuân 1975. Các anh tiến thần tốc từ Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng đến Nha Trang - Phan Rang - Phan Thết - Xuân Lộc để sáng 30/4 là đến Sài Gòn, Sư đoàn 325 - Quân đoàn 2 của các anh là đơn vị chủ lực đầu tiên tiến vào Sài Gòn từ hướng đông, là đơn vị đầu tiên tiến vào và cắm cờ trên dinh Độc Lập, buộc TT Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trưa 30/4/1975 - Mốc lịch sử hào hùng của dân tộc mà 30 năm sau ngày Bác tuyên bố độc lập mới có được.

Từ khi vượt sông Thạch Hãn đến ngày vào Sài Gòn yên ổn, anh mới có thư từ về nhà, trước đó ở nhà cứ nghĩ anh cũng như nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại Miền Nam rồi, đến khi anh về với cái ba lô con cóc, một cái máy quay đĩa chạy pin Con Thỏ được và vài chục cái đĩa than ca nhạc to nhỏ nặng hơn cả cái ba lô thì cả nhà, cả thôn xóm vui mừng khôn xiết. Đến khi đó chúng tôi cũng mới nghe, biết nhiều về những bản nhạc vàng, cải lương, vọng cổ và các ca sỹ nổi tiếng có giọng ca quyến rũ của miền Nam đấy.

Tháng 10 năm 1976 từ Sài Gòn, anh rời quân ngũ về quê lại tiếp bước bố mẹ để làm một nông dân cần mẫn, lấy vợ ở quê, sinh một đàn con, nuôi chúng ăn học đến khi trưởng thành gả, cưới cho chúng xong . Có lẽ do các di chứng của những ngày chiến tranh nên anh đi theo mẹ tôi về với đất quê mà chẳng cần chúng phải báo đáp (tờ giấy Cáo phó chưa được ghi chữ "THỌ"). Có lẽ anh nghĩ chỉ cần lũ con anh báo đáp cho người vợ hiền tần tảo và thiệt thòi của anh thôi!

Bây giờ cứ đến ngày 27/7; ngày 30/4 . . . tôi lại nhớ về

anh Cả của 6 anh em chúng tôi!

Trái tim người lính

Lê Văn Sơn

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/anh-ca-a14359.html