Anh: Cần mở rộng phạm vi các chuẩn mực công bố liên quan đến khí hậu
Vừa qua, Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) cùng Viện Tài chính và Kế toán công chứng Anh (CIPFA) đã đưa ra lời kêu gọi Hội Đồng Chuẩn mực kế toán khu vực công quốc tế cần mở rộng phạm vi các chuẩn mực công bố liên quan đến khí hậu nhằm ngăn chặn tình trạng 'tẩy xanh' và đảm bảo báo cáo toàn diện.

Giải quyết vấn đề khí hậu là mục tiêu chung của mọi quốc gia. Ảnh: ST
Trong phản hồi chung đối với một Dự thảo của Chuẩn mực lập báo cáo bền vững, 2 tổ chức kế toán công chứng trên cùng bày tỏ mối lo ngại rằng, định nghĩa hiện tại về các chương trình chính sách công liên quan đến khí hậu là quá hẹp, hiện mới đang chỉ giới hạn ở các chính sách có mục tiêu chính là giải quyết vấn đề khí hậu. Họ cảnh báo, định nghĩa này có thể loại trừ các chính sách đơn giản, thay đổi mục tiêu được các tổ chức tuyên bố, tạo ra kẽ hở làm giảm tính minh bạch...
Thay vào đó, ICAEW và CIPFA đề xuất, định nghĩa này cần bao gồm tất cả các chính sách quan trọng, dù lớn hay nhỏ, góp phần vào việc đạt được các mục tiêu khí hậu của mỗi quốc gia, giúp tăng cường khả năng so sánh giữa các biện pháp khác nhau và đảm bảo báo cáo về khí hậu của các nước là chân thực và đầy đủ.
Hai tổ chức kế toán công chứng phản đối việc trì hoãn triển khai báo cáo về khí hậu vì họ lo ngại việc dừng lại sẽ khiến các nước có những hiểu biết sai lầm. Thay vào đó, họ kêu gọi cần có một quy trình triển khai theo giai đoạn, cho phép các tổ chức khu vực công có thời gian phát triển quy trình cần thiết, nâng cao năng lực và bắt đầu thu thập dữ liệu để đáp ứng các yêu cầu báo cáo có hiệu quả.
Hiện nay, tại một số quốc gia, nhiều thông tin về 3 yếu tố môi trường, xã hội và quản trị được báo cáo mang tính chủ quan, do đó, 2 tổ chức cũng nhấn mạnh rằng các thông tin này cần được kiểm định để tăng tính chính xác và tin cậy trong báo cáo khí hậu khu vực công. ICAEW và CIPFA cũng nhấn mạnh, các chính sách và quy định của mỗi chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu.
Ông Henning Diederichs - Giám đốc Kỹ thuật cấp cao phụ trách khu vực công của ICAEW - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng phạm vi công bố để phản ánh một bức tranh đầy đủ và chính xác về các nỗ lực khí hậu quốc gia.
“Tẩy xanh” là hành vi nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng hình ảnh, thương hiệu gần gũi, thân thiện với môi trường, chưa có biện pháp tích cực để bảo vệ môi trường nhưng cố tình lừa dối khách hàng và các tổ chức có liên quan để xây dựng “hình ảnh xanh” cho doanh nghiệp. Tình trạng này có thể dẫn đến rủi ro trong sử dụng vốn sai mục đích, làm giảm hiệu quả công tác bảo vệ môi trường cũng như hiệu quả của việc hỗ trợ “tài chính xanh”.
Ông Diederichs cho biết: “Báo cáo khí hậu toàn diện là một phần thiết yếu của công tác phát triển bền vững. Điều quan trọng là chuẩn mực cuối cùng phải thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và tiến bộ thực sự. Chúng tôi lo ngại rằng phạm vi hẹp của các công bố liên quan đến khí hậu hiện tại có thể dẫn đến tình trạng “tẩy xanh”. Chúng tôi đề xuất rằng, các công bố cần bao gồm tất cả các chính sách quan trọng để cung cấp cái nhìn chính xác, toàn diện hơn về hoạt động khí hậu của mỗi quốc gia”.
Đại diện ICAEW cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù báo cáo khí hậu trong khu vực công là một thách thức nhưng đó là điều cần thiết; các bên liên quan cần hợp tác chặt chẽ để nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động nhằm chuẩn bị cho các yêu cầu này.
Ông Amit Verma - Giám đốc Chính sách bền vững tại CIPFA - đồng tình với những ý kiến trên và cảnh báo rằng, việc giới hạn công bố chỉ ở các chính sách có mục tiêu khí hậu rõ ràng có thể làm giảm tính minh bạch cần thiết. Ông Verma cho biết: “Cách tiếp cận hạn hẹp này chỉ tập trung vào các chính sách lấy khí hậu làm mục tiêu chính, làm giảm sự minh bạch đối với các chính sách vốn được thiết kế cho các mục tiêu khác, như tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn có tác động tích cực đến khí hậu”.
Ông Verma kêu gọi IPSASB mở rộng phạm vi công bố khí hậu để bao gồm cả tác động tích cực và tiêu cực của các chính sách công; từ đó có cách tiếp cận toàn diện hơn, giúp cung cấp bức tranh rõ ràng hơn. Mở rộng phạm vi công bố sẽ nâng cao tính minh bạch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng và giảm nguy cơ “tẩy xanh” trong báo cáo khí hậu của khu vực công.
Hội Đồng Chuẩn mực kế toán khu vực công quốc tế dự kiến sẽ xem xét mọi ý kiến phản hồi từ các bên liên quan trước khi hoàn thiện chuẩn mực./.
(Theo ICAEW và CIPFA)