Anh chàng Pháp 'khoái' ăn nhân bánh chưng ngày Tết: 'Tôi như người Việt rồi'
Luc Mandret (quốc tịch Pháp) tự nhận mình như một người Việt Nam. Anh thấy hứng thú với Tết Nguyên đán và không khí của những ngày cuối năm. Đặc biệt, Luc rất thích ăn phần nhân thịt, đỗ trong bánh chưng.
'Khách Tây đón Tết ta' là tập hợp những chia sẻ thú vị của du khách nước ngoài về ngày Tết truyền thống Việt Nam. Ban đầu họ bỡ ngỡ với Tết Việt bởi sự khác biệt văn hóa, nhưng lâu dần, những phong tục ý nghĩa, những đặc sản “ăn một lần nhớ mãi” và những tình cảm đong đầy, ấm áp của người Việt đã khiến các vị khách Tây thích thú tận hưởng Tết Việt Nam.
Bài 1: 'Ông Tây tóp mỡ' chơi chợ Tết chụp 200 kiểu ảnh, mê Việt Nam như điếu đổ
Bài 2: Nàng dâu Ukraine 900.000 người theo dõi: Từ 'sợ' tới mê khoe Tết Việt
Bài 3: Sau chuyến phượt Tà Xùa mùng 3 Tết, cô gái Đông Âu mê mẩn Việt Nam
Bài 4: Cô gái Hàn Quốc nói tiếng Việt ngọt như mía lùi, 'nghiện' canh khổ qua, thịt kho
Bài 5: Cô dâu Nga được mẹ chồng 'cưng như trứng', thoải mái du lịch xuyên Tết
Bài 6: Anh chàng Pháp 'khoái' ăn nhân bánh chưng ngày Tết: 'Tôi như người Việt rồi'
Trong căn hộ của Luc Mandret ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), bông đã bắt đầu nở trên cành đào Bắc. Trước đó, Luc cũng nhờ bạn đặt chậu quất nhỏ từ ngoài Hà Nội chuyển vào TP.HCM. Giờ đây, nếu một người lạ bước chân vào nhà của anh, có lẽ, họ không nghĩ gia chủ là người ngoại quốc. Không khí Tết thấy rõ với sự xuất hiện của đào, quất, hay nhành tuyết mai.
“Anh mua đào giá 140.000 đồng đấy, đẹp không ?”, ánh mắt Luc đầy háo hứng khi nhắc tới Tết Nguyên đán.
Tới Việt Nam từ tháng 11/2018, hơn 5 năm sống và làm việc tại đây, đã đem lại cho Luc Mandret những trải nghiệm khó quên.
Anh kể, tại Pháp, lịch nghỉ đón năm mới (Tết Dương lịch) chỉ có 1 ngày. Người dân Pháp thường gặp gỡ bạn bè, họp mặt gia đình, hoặc kéo nhau ra Đại lộ Champs-Élyseés (Paris), tận hưởng không khí năm mới. Còn tại Việt Nam, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài không khí vui chơi trong khoảng 10 ngày, trước và sau Tết. Lúc này, mọi công việc dường như không quan trọng nữa, con người muốn nghỉ ngơi, dành toàn bộ thời gian cho gia đình.
Năm đầu tiên Luc tới Việt Nam cũng là thời điểm gần cuối năm. Anh nghĩ lịch nghỉ Tết Nguyên đán chỉ khoảng 2-3 ngày, sau đó, guồng quay công việc sẽ như bình thường. Nhưng, Luc bắt đầu nhận thấy sự bất thường khi thấy lịch nghỉ dài của đồng nghiệp trong công ty. Khi đó, vị sếp người Việt Nam mới giải thích cho anh hiểu rằng, nghỉ Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ quan trọng theo truyền thống. Thời gian nghỉ lễ kéo dài, hầu như các doanh nghiệp sẽ không hoạt động, chỉ trừ một số lĩnh vực đặc thù.
“Trước đó, không ai nói với tôi về điều này. Tại Pháp, kỳ nghỉ dài ngày thường vào mùa hè, khoảng tháng 7,8. Do vậy cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, là tôi lại dành thời gian đi du lịch, trải nghiệm văn hóa ở Việt Nam”, Luc chia sẻ.
Tết năm ngoái anh ở Nha Trang, năm trước nữa là Đà Nẵng. Cũng có năm, Luc dành toàn bộ thời gian ở lại TP.HCM, tận hưởng không khí Tết. Anh hứng thú với chợ hoa “trên bến dưới thuyền” ở bến Bình Đông (quận 8). Đây là nơi ghe hoa các tỉnh tập trung tại bến bán hoa, cây cảnh để người dân trưng Tết.
Làm việc trong lĩnh vực marketing, truyền thông giúp Luc có góc nhìn khá thú vị về phong vị Tết Việt. Anh chú ý tới việc người dân chăm chút, dọn dẹp nhà cửa, mua vật dụng trang hoàng dịp năm mới. Cùng với đó, ẩm thực ngày Tết cũng là điều làm anh ấn tượng, Luc đặc biệt thích món nem rán và anh khoái khẩu với phần nhân thịt đỗ bên trong bánh chưng truyền thống. “Nó ngon tuyệt”.
Nói về mua sắm ngày Tết, Luc tự nhận mình như một cư dân bản địa. Nếu biết tiếng Việt nhiều hơn thì chợ là nơi anh rất thích lui tới. Luc không hề sợ bị nói “thách” giá khi mua hàng ngày cận Tết. Anh cho biết, bản thân mình là một người không thích mặc cả về giá. Anh quan niệm, mua sản phẩm với giá cao hơn một chút cũng như một cách để hỗ trợ người bán hàng có thêm chút thu nhập ngày Tết.
Ví dụ, việc một vài hàng, quán mở cửa dịp Tết để phục vụ khách thì người tiêu dùng chấp nhận trả phí dịch vụ cao hơn cũng là hợp lý. Bởi, trong khi những người khác đang được nghỉ ngơi thì họ phải lao động.
“Nếu thấy hàng nào bán đồ với giá quá cao, tôi chỉ nói ‘Ôi trời ơi’ - bằng tiếng Việt và xin phép đi chỗ khác để mua hàng”.
Ngoài ra, bí quyết để không bị mua “hớ” của anh chàng ngoại quốc này, là hãy trở thành khách hàng trung thành. Luc luôn mua hàng ở các điểm quen thuộc, tiểu thương nhớ mặt anh và họ rất thoải mái khi bán hàng cho Luc.
Tới nay, Luc đã đi được khoảng 20 tỉnh/thành phố tại Việt Nam. Anh đặt chân đến cả 3 miền Bắc – Trung – Nam.
Trong hành trình khám phá văn hóa, ẩm thực tại nhiều vùng đất, Luc nghiền bún bề bề (Hải Phòng), bún bò Huế (Thừa Thiên Huế). Anh còn biết rượu ngô (Hà Giang) hay rượu cần Mai Châu (Hòa Bình). Ngồi nhà sàn và uống rượu với cư dân bản địa là khoảnh khắc khiến Luc cảm thấy gắn kết với dải đất hình chữ S.
Ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19, Luc vẫn chọn ở lại Việt Nam. Theo anh, biến cố dịch bệnh cũng cho thấy nhiều khía cạnh tốt đẹp của con người. Sự cảm thông, sẻ chia và tinh thần đoàn kết cộng đồng là điều thấy rõ nhất ở xã hội Việt Nam.
“5 năm qua, tôi tận hưởng mỗi ngày ở đất nước của các bạn. Tôi có nhiều thứ để làm, nhiều nơi để khám phá. Tôi yêu thức ăn nơi đây và tôi đã như một người Việt rồi. Hoa đào nở rất đẹp báo hiệu một cái Tết nữa lại đến. Chưa thể nói trước về tương lai, nhưng tôi sẽ ở lại Việt Nam cho tới khi nào Việt Nam còn muốn tôi ở lại”, Luc cười.