Cầu Trường Tiền trong bức ảnh chụp năm 1931. Năm 1897, cầu được Khâm sứ Trung Kỳ Lavécque cho xây dựng lại bằng sắt thép theo thiết kế của kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Gustave Eiffel. Năm 1899 cầu được hoàn thành và mang tên Thành Thái – vị vua triều Nguyễn đương thời.
Hình ảnh cầu Trường Tiền trên một bưu thiếp cổ của Pháp. Tổng chiều dài cây cầu lúc bấy giờ là 401,1m, rộng 6,2m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược (bán nguyệt). Đây là một trong những cây cầu đầu tiên được xây dựng ở Đông Dương theo thiết kế, kỹ thuật xây dựng của phương Tây.
Góc nhìn chính diện về cầu Trường Tiền năm 1906. Năm 1907, khi Vua Thành Thái bị thực dân Pháp đày sang đảo Réunion, chính quyền thực dân Pháp cho đổi tên cầu thành Clémenceau – tên của thủ tướng Pháp thời Thế chiến I.
Cầu Trường Tiền trong bưu thiếp in năm 1909. Năm 1937, cầu được mở rộng hành lang hai bên dành cho xe đạp và người đi bộ và có các ban công phình rộng ra tại vị trí giữa hai nhịp cầu để nghỉ chân, tránh đường.
Cầu Trường Tiền nhìn từ bờ kè ở đầu cầu, khoảng năm 1919-1926. Năm 1945 chính phủ Trần Trọng Kim đổi tên là cầu Nguyễn Hoàng.
Đường dẫn lên cầu Trường Tiền, đầu thế kỷ 20. Mặc dù trải qua nhiều tên gọi, nhưng từ rất lâu, cầu đã được người Huế gọi là cầu Trường Tiền. Tên gọi này bắt nguồn từ việc gần cầu có một công trường đúc tiền, gọi là Trường Tiền của nhà Nguyễn.
Một hình ảnh lạ về cầu Tường Tiền trên bưu thiếp của Pháp. Bưu thiếp có chú thích rắc các nhịp cầu bị bão quật đổ xuống sông. Theo các sử liệu, vào ngày 11/09/1904, một cơn bão mạnh tràn qua, thổi bay 4 nhịp cầu xuống sông Hương.
Cầu Trường Tiền nhìn từ máy bay, 1947. Thời điểm này cầu đang được sửa chữa sau khi bị đánh sập trong Toàn quốc kháng chiến cuối năm 1946.
Cầu Trường Tiền với một nửa được sửa tạm, phần cầu cũ bị sụp đổ vẫn nằm dưới nước, 1947.
Mời quý độc giả xem video: Đẹp ngỡ ngàng kiến trúc nhà vườn Huế. Nguồn: VTC.
T.B (tổng hợp)