Anh đối mặt nguy cơ mất răn đe hạt nhân vì Mỹ

Sự phụ thuộc của Anh vào công nghệ hạt nhân Mỹ đang trở thành rủi ro lớn khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thể hiện xu hướng khó đoán.

Tàu ngầm lớp Vanguard của hải quân Anh: Ảnh: Hải quân Hoàng gia Anh (royalnavy.mod.uk)

Tàu ngầm lớp Vanguard của hải quân Anh: Ảnh: Hải quân Hoàng gia Anh (royalnavy.mod.uk)

Mới đây, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã có chuyến thăm quan và chụp ảnh trên một trong bốn tàu ngầm hạt nhân của nước này. Chuyến thăm là một phần trong nỗ lực chứng minh năng lực phòng thủ của Anh. Tuy nhiên, theo bình luận của Becky Alexis-Martin, nhà nghiên cứu Hòa bình và Phát triển Quốc tế tại Đại học Bradford (Anh) trên báo Conversation ngày 29/3, Thủ tướng Starmer đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng.

Mối đe dọa từ đồng minh

Theo bà Alexis-Martin, toàn bộ đội tàu ngầm hạt nhân của Anh phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ như một đối tác hoạt động. Điều này trở nên đáng lo ngại khi Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang thay đổi.

"Nếu họ muốn, Mỹ có thể 'tắt hiệu quả' khả năng răn đe hạt nhân của Anh", nhà nghiên cứu trên cảnh báo.

Mối quan hệ hạt nhân giữa Anh và Mỹ có lịch sử lâu dài và phức tạp. Hai nước đã hợp tác trong dự án Manhattan theo các thỏa thuận Quebec năm 1943 và biên bản ghi nhớ Hyde Park năm 1944, dẫn đến việc tạo ra vũ khí hạt nhân đầu tiên trên thế giới - được sử dụng tại Hiroshima và Nagasaki năm 1945.

Tuy nhiên, mối quan hệ này đã trải qua những thăng trầm đáng kể. Năm 1946, Mỹ đã phân loại công dân Anh là "người nước ngoài" và ngăn cản họ tham gia vào các hoạt động hạt nhân bí mật, chấm dứt ngay lập tức hợp tác với Anh. Điều này đã thúc đẩy Anh phát triển kho vũ khí hạt nhân riêng, củng cố vị thế như một cường quốc hạt nhân sau vụ nổ thành công bom khinh khí "Grapple Y" vào tháng 4/1958.

Hợp tác đã được khôi phục sau khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik năm 1957, chứng minh sức mạnh của công nghệ hạt nhân Liên Xô. Thỏa thuận phòng thủ chung với Mỹ được ký kết vào năm 1958 đã cung cấp cho Anh quyền tiếp cận công nghệ hạt nhân mới nhất với giá cả phải chăng.

Sự phụ thuộc và rủi ro hiện tại

Hiện nay, chương trình răn đe hạt nhân Trident của Anh gồm 4 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Vanguard. Mặc dù Anh có quyền tự chủ về mặt hoạt động và kiểm soát quyết định phóng, nhưng vẫn phụ thuộc vào Mỹ về công nghệ lõi. Tên lửa Trident phụ thuộc vào Mỹ để bảo dưỡng, do nhà sản xuất Lockheed Martin thực hiện; tên lửa phải được chuyển lại Mỹ để bảo dưỡng theo lịch trình sau mỗi vài năm.

Anh đang trong quá trình nâng cấp hệ thống hiện tại, nhưng các lựa chọn của họ có vẻ hạn chế. Nếu Mỹ từ bỏ các cam kết, Anh sẽ phải tự sản xuất vũ khí trong nước, hợp tác với Pháp hoặc châu Âu hoặc giải giáp. Mỗi kịch bản tạo ra những vấn đề mới cho London. Ví dụ, sản xuất vũ khí hạt nhân từ đầu tại Anh sẽ là một hoạt động tốn kém và kéo dài.

Hợp tác kỹ thuật với Pháp có vẻ là phương án dự phòng khả thi nhất hiện nay. Hai nước đã có hiệp ước hợp tác hạt nhân. Pháp đã áp dụng cách tiếp cận răn đe dựa trên tàu ngầm tương tự như Anh và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gợi ý rằng biện pháp răn đe của họ có thể được sử dụng để bảo vệ các nước châu Âu khác. Một giải pháp thay thế khác là phân bổ chi phí trên khắp châu Âu và tạo ra sự răn đe của châu Âu – nhưng cả hai chiến lược đều chỉ tái khẳng định sự phụ thuộc vào hạt nhân hiện tại của Anh.

Theo bà Alexis-Martin, vũ khí hạt nhân đã không được sử dụng trong chiến tranh trong 80 năm và có lẽ đã đến lúc Anh giải phóng hoàn toàn và vĩnh viễn khỏi sự răn đe hạt nhân và xem xét các hình thức phòng thủ thay thế.

Duy trì kho vũ khí hạt nhân của Anh cũng rất tốn kém khi chi phí thay thế Trident lên tới 205 tỷ bảng Anh. Vào năm 2023, Bộ Quốc phòng Anh báo cáo rằng chi phí dự kiến để hỗ trợ răn đe hạt nhân sẽ vượt ngân sách 7,9 tỷ bảng Anh trong mười năm tới. Nguồn tài trợ này có thể được chuyển vào các mối đe dọa an ninh cấp bách hơn, như an ninh mạng, khủng bố hoặc biến đổi khí hậu.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/anh-doi-mat-nguy-co-mat-ran-de-hat-nhan-vi-my-20250330155245326.htm